Cuối năm 2015, trang thương mại điện tử Beyeu.com đóng cửa với “lời nhắn cuối cùng”: “Thương mại điện tử cần rất nhiều tiền. Nhiều công ty quyết định không đốt tiền nữa. Chúc may mắn với những người tiếp tục cố gắng".
3 năm sau, câu nói này dường như vẫn đúng với thị trường thương mại điện tử không chỉ ở Việt Nam mà còn trong khu vực.
Tiền càng nhiều - lỗ càng lớn
Lazada bắt đầu đặt chân vào thị trường Việt Nam năm 2012. Tại thời điểm đó, công ty thương mại điện tử sẽ chiếm ngôi vị số 1 tại Đông Nam Á sau này đang thuộc sở hữu của Rocket Internet.
Năm 2014, tổng số tiền được ném vào Lazada ở khu vực Đông Nam Á đã lên tới 647 triệu USD. Năm 2015, Lazada Đông Nam Á công bố khoản lỗ 334 triệu USD, gấp đôi so với con số cùng kì năm trước.
Đến năm 2016, với mong muốn chiếm lĩnh thị trường Đông Nam Á, Alibaba đã chi 1 tỷ USD để mua cổ phần của Lazada. Chỉ sau đó 1 năm, Alibaba nâng mức sở hữu đối với Lazada lên 83% khi rót thêm 1 tỷ USD vào nền tảng này. Mới đây, Lazada công bố sẽ tiếp tục nhận được thêm 2 tỷ USD từ chính đại gia Trung Quốc này.
Nhiều doanh nghiệp thương mại điện tử đã phải bỏ cuộc do cạnh tranh khốc liệt. Ảnh minh họa. |
Những khoản lỗ của Lazada cũng khổng lồ không kém. Năm 2015 và 2016, công ty TNHH Bán lẻ và Giao nhận Recess - pháp nhân của Lazada Vietnam lần lượt báo lỗ 977 và 1.019 tỷ đồng.
Con số chính xác của năm 2017 không được tiết lộ nhưng với sự canh tranh quyết liệt giữa các sàn thương mại điện tử, số lỗ của Lazada được giới chuyên môn dự đoán tiếp tục vượt hơn 1.000 tỷ đồng.
Tháng 8/2016 đánh dấu thời điểm Shopee chính thức bước chân vào thị trường Việt Nam. Ngay lập tức, công ty thương mại điện tử thuộc SEA, Singapore, đã khiến các đối thủ của mình phải dè chừng khi tung ra một loạt chương trình trợ giá cho đối tác bán hàng như miễn phí giao hàng, miễn phí thu hộ, miễn phí hoa hồng cho các chủ gian hàng trên Shopee.
Đơn vị này nhanh chóng đạt được những con số tăng trưởng ấn tượng nhưng đồng thời phải đánh đổi bằng khoản lỗ 164 tỷ đồng trong năm 2016 khi hoạt động chưa đầy nửa năm. Đến năm 2017, con số thua lỗ của Shopee đã tăng lên 619 tỷ đồng.
Tuy nhiên, SEA - công ty mẹ của Shopee có vẻ đã sẵn sàng cho cuộc đua tại thị trường Việt Nam khi tăng thêm hơn 1.200 tỷ đồng tương đương 50 triệu USD cho vốn điều lệ của Shopee Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2018.
Là một sản phẩm của tập đoàn FPT, Sendo.vn ra đời năm 2012 và nhanh chóng huy động 18 triệu USD từ nhiều công ty Nhật Bản, trong đó có SBI Holdings sau 2 năm hoạt động. Khoản lỗ của Sendo có phần “khiêm tốn” hơn nhiều nếu so với các đối thủ ở trên khi đến cuối năm 2016, lỗ lũy kế của Sendo là gần 230 tỷ đồng.
Tuy nhiên, số tiền 51 triệu USD vừa được bơm thêm vào Sendo từ chính SBI Holdings và 7 nhà đầu tư khác có thể khiến cho mức lỗ của Sendo sẽ tăng nhanh trong thời gian sắp tới khi chấp nhận thua lỗ để thâu tóm thị phần là một chiến lược tất yếu phải chấp nhận của các đại gia khi quyết định tham gia vào thị trường này.
Các ông lớn liên tiếp mạnh tay đầu tư vào Đông Nam Á
Không chỉ riêng Việt Nam mà cả Đông Nam Á với hơn 600 triệu dân đang là một mảnh đất màu mỡ với thương mại điện tử khiến tất cả ông lớn đều không muốn bỏ lỡ cơ hội đầu tư.
Theo một báo cáo gần đây của Google và Temasek, chi tiêu hàng năm của người dân cho thương mại điện tử trong khu vực sẽ đạt mốc 88 tỷ USD vào năm 2025.
4 tỷ USD của Alibaba đổ vào Lazada chính là minh chứng rõ ràng nhất cho ý định thống trị thị trường này của các đại gia.
Lazada đang hoạt động ở 6 quốc gia Đông Nam Á gồm Thái Lan, Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia và Singapore. Ngoại trừ Singapore và Indonesia, Lazada đều dẫn đầu về số lượt truy cập hàng tháng trong quý 2/2018 tại 4 quốc gia còn lại theo số liệu của Iprice Insights.
Nhưng tham vọng của Alibaba với thị trường Đông Nam Á không chỉ dừng lại với thương vụ Lazada.
Tháng 08/2017, Alibaba đã đầu tư 1,1 tỷ USD vào Tokopedia - một trong những đối thủ cạnh tranh chính trực tiếp của Lazada tại Indonesia, nền kinh tế lớn nhất khu vực và là quốc gia đông dân thứ 4 trên thế giới.
Tokopedia được thành lập vào năm 2009 và đã từng gọi thành công 100 triệu USD của SoftBank và Sequoia vào năm 2014. Chính Tokopedia đã lấy đi vị trí dẫn đầu về số lượt truy cập hàng tháng trong quý II/2018 mà Lazada luôn nắm giữ trong hơn 1 năm trước đó tại quốc gia vạn đảo theo thống kê củaIprice Insights.
Tại Thái Lan, Alibaba đang đầu tư 320 triệu USD vào một trung tâm kỹ thuật số với mục tiêu tạo ra nền tảng kết nối nông sản của Thái Lan với thị trường Trung Quốc nói riêng và thế giới nói chung, theo Reuters.
Ở Singapore, vào tháng 11/2016, thông qua Lazada, Alibaba cũng đã thâu tóm Redmart - một công ty bán lẻ thực phẩm trực tuyến ra đời từ năm 2011. Giá trị chi tiết của thương vụ không được tiết lộ nhưng theo TechCrunch, con số rơi vào khoảng 30-40 triệu USD.
Đối thủ lớn nhất trên sân nhà của Alibaba là JD.com cũng đang tích cực gia tăng sự hiện diện của mình tại thị trường Đông Nam Á và khoản đầu tư vào Tiki chỉ là một phần trong số đó.
Tháng 8 vừa qua, sàn giao dịch thương mại điện tử www.jd.co.th chính thức ra mắt. Đây là kết quả của liên doanh trị giá 500 triệu USD giữa JD.com và Central Group - một trong những tập đoàn bán lẻ hàng đầu tại Thái Lan và khu vực. Central Group chính là chủ sở hữu của Big C và Nguyễn Kim ở Việt Nam hiện nay.
Cũng tại Thái Lan, JD.com đã đầu tư 19 triệu USD vào Pomelo - một trong năm công ty thương mại điện tử về thời trang nổi bật nhất ở xứ chùa vàng.
Trong khi đó, tại 6 quốc gia mà Shopee đang có mặt, công ty thương mại điện tử của SEA đều đang phải đứng sau Lazada.
Để đấu lại nền tảng được Alibaba hậu thuẫn, SEA đã huy động một khoản vay chuyển đổi có giá trị 575 triệu USD trong tháng 6 nhằm cân đối ngân sách và hỗ trợ cho sự tăng trưởng của Shopee.
Tuy nhiên, mọi chuyện có vẻ như không dễ dàng khi tập đoàn này đã báo lỗ ròng 250,8 triệu USD trong quý II/2018. Theo Bloomberg, nguyên nhân chủ yếu của khoản lỗ này đến từ chính sự đầu tư vào Shopee.