Ngày pháp luật

Cuộc chiến ngành vũ trụ giữa các tỷ phú: Richard Branson hụt hơi so với Jeff Bezos, Elon Musk thành công với lối đi riêng

Như Quỳnh

Thế chân vạc Branson - Bezos - Musk từng tạo ra trước đây đang bắt đầu lung lay khi Virgin Galactic của tỷ phú Richard Branson bắt đầu tụt lại trong cuộc đua ngành hàng không vũ trụ tư nhân.

2021 là một năm bùng nổ với ngành hàng không vũ trụ, nhất là trong lĩnh vực tư nhân khi nhiều công ty do các tỷ phú nổi tiếng sáng lập liên tiếp đạt được những thành tựu đáng nể. Tuy nhiên chỉ vài tháng sau khi chuyến bay thương mại đầu tiên vào vũ trụ diễn ra, cuộc đua giữa những "ông trùm" ngành hàng không vũ trụ đang bắt đầu có sự phân hóa rõ rệt.

(Từ trái qua) Richard Branson, Jeff Bezos và Elon Musk - ba ông trùm ngành hàng không vũ trụ tư nhân tính đến thời điểm hiện tại. 
(Từ trái qua) Richard Branson, Jeff Bezos và Elon Musk - ba ông trùm ngành hàng không vũ trụ tư nhân tính đến thời điểm hiện tại. 

Jeff Bezos vượt qua Richard Branson

Tỷ phú Jeff Bezos cùng Blue Origin có bước tiến dài khi đưa được con người lên rìa không gian (hay còn gọi là "du lịch vũ trụ dưới quỹ đạo"). Trong khi đó, Virgin Galactic của Branson lại tỏ ra hụt hơi khi liên tiếp hoãn các chuyến bay thử nghiệm. 

Blue Origin đã phóng thành công chuyến bay vũ trụ thứ hai vào ngày 13 tháng 10, phi hành đoàn bao gồm 2 khách hàng trả tiền và khách mời William Shatner. Ở phía ngược lại, Virgin Galactic thông báo vào ngày 14 tháng 10 rằng công ty sẽ phải hoãn các chuyến bay trong vòng 8 - 10 tháng tới để cải tiến tàu bay. Dự kiến Virgin Galactic sẽ không thể thực hiện bất kỳ chuyến bay thương mại nào cho đến cuối năm 2022. 

“Tôi cho rằng Virgin Galactic đã tụt lại trong cuộc đua du lịch vũ trụ, nhất là khi nhìn vào những thành công gần đây của Space X hay Blue Origin," nhà phân tích Michael Ciarmoli nhận định. 

Tình hình hiện tại có vẻ như đã thay đổi hoàn toàn so với vài tháng trước. Vào tháng 7, Virgin Galactic mới là công ty thực hiện thành công chuyến bay thương mại lên vũ trụ đầu tiên - vượt trước Blue Origin 9 ngày. Thời điểm đó, người ta còn cho rằng cuộc đua giữa Branson - Bezos đang ở trạng thái cân bằng. 

Elon Musk thành công với lối đi riêng

Phi hành đoàn trên chuyến bay Inspiration4 của SpaceX. Ảnh: SpaceX.
Phi hành đoàn trên chuyến bay Inspiration4 của SpaceX. Ảnh: SpaceX.

Giống như Blue Origin, SpaceX của Elon Musk cũng đã đưa thành công 4 phi hành gia không chuyên trong chuyến bay Inspiration4 vào tháng 9. Tuy nhiên trải nghiệm mà SpaceX đem lại là rất khác so với Virgin Galactic hay Blue Origin. 

Không chỉ đến rìa không gian, phi hành đoàn SpaceX nhiều lần bay xa đến tận quỹ đạo. Các phi hành gia cũng dành tới 3 ngày sinh hoạt trên quỹ đạo, thay vì chỉ vài phút như hai công ty đối thủ. Không những vậy, Inspiration4 đem về cho SpaceX khảng 200 triệu USD, trong đó riêng NASA trả 55 triệu USD cho mỗi phi hành gia hoàn thành chuyến bay. Để so sánh, vé trên các chuyến bay của Virgin Galactic chỉ có giá từ 200.000 - 450.000 USD. 

Blue Origin từ chối tiết lộ giá vé các chuyến bay không gian thương mại. Chỉ biết rằng hồi tháng 7, một người đã chi 28 triệu USD để mua chỗ ngồi bên cạnh tỷ phú Bezos trong chuyến bay lên vũ trụ đầu tiên mà Blue Origin thực hiện. Kể từ đó, Jeff Bezos tuyên bố Blue Origin đã bán được gần 100 triệu USD tiền vé từ các chuyến bay không gian sử dụng tên lửa New Shepard. 

Nhìn chung, năm 2021 vẫn là một năm thành công với các công ty vũ trụ tư nhân. Cho đến nay đã có 16 người đi trên các chuyến bay vũ trụ do công ty tư nhân thực hiện và quay về thành công: SpaceX (4 người), Virgin Galatic (4 người) và Blue Origin (8 người). 

Con số trên dự kiến vẫn chưa dừng lại bởi Blue Origin đã có kế hoạch khởi động chuyến bay New Shepard mang theo phi hành đoàn thứ 3 trước cuối năm nay. Ngoài ra, vào đầu năm 2022, SpaceX dự kiến khởi động sứ mệnh Ax-1, chở một phi hành gia NASA đã nghỉ hưu và 3 hành khách trả tiền để đến Trạm vũ trụ quốc tế. 

Tin Cùng Chuyên Mục