Thế hệ mạng 5G hơn gì với mạng 4G?
Là thế hệ thứ 5 của mạng di động và có nhiều cải tiến hơn so với 4G, 5G được thiết kế để tăng tốc độ, giảm thiểu tối đa độ trễ, đẩy cao khả năng phản hồi của mạng không dây. Có thể nói, nếu như 4G cho bạn kết nối Internet nhanh hơn để có thể dùng các ứng dụng dữ liệu lớn như Uber, livestream, Facetime... thì 5G lại đề cao ứng dụng trong sản xuất, khoa học, mở ra tương lai về căn hộ, thành phố thông minh.
Với 5G, kỳ vọng được quan tâm nhất là tốc độ. Theo lý thuyết, 5G có thể đạt tốc độ tới 10 Gbp/s, nhanh gấp 100 lần 4G. Với tốc độ như vậy, người dùng có thể tải bộ phim dài 2 tiếng trong chưa đầy 10 giây, trong khi nếu sử dụng 4G, sẽ mất khoảng 8 - 9 phút.
Nền tảng kỹ tuật để 5G đạt được tốc độ này là các nhà phát triển thường cung cấp mạng này trên trên sóng vô tuyến siêu cao tần. Các tần số cao hơn có thể giúp việc truyền dữ liệu nhanh hơn.
Tốc độ nhanh kéo theo độ trễ phản hồi của 5G rất thấp. Ở điều kiện hoàn hảo, độ trễ của thế hệ mạng này thường dưới 10ms, thậm chí là bằng 0. Trong khi đó với 4G, con số là 40ms hoặc cao hơn thế.
Độ trễ thấp sẽ là điều kiện thiết yếu cho các ứng dụng về công nghệ cao về IoT, thực tế ảo, tự động hóa chẳng hạn như ô tô tự hành, máy bay tự lái, robot... phát triển mạnh.
Với các phương tiện tự hành, việc hệ thống 5G cho phép kết nối đồng thời lượng lớn thiết bị, nhập liệu đồng bộ kết hợp với đầu vào cảm biến sẽ vẽ cho phương tiện tự hành bức tranh toàn diện về đường sá, tình trạng giao thông hiện tại, vật thể xung quanh hay các phương tiện khác trên đường... Từ đó giúp phương tiện tiếp nhận thông tin cần thiết, đưa ra quyết định trong ms để tránh va chạm, đảm bảo an toàn cho "chính chủ" và hành khách.
Riêng trong ngành sản xuất, 5G đóng vai trò quan trọng trong các ngành cần tự động hoá, nâng cao tốc độ mạng lưới điều khiển, phối hợp hoạt động máy móc. Khi máy móc cần update bản phần mềm mới, mạng 5G sẽ giúp giảm thiểu thời gian thực hiện quy trình, giúp nhà máy tăng tốc độ sản xuất.
Trong tương lai, các chuyên gia cũng hy vọng 5G giúp ích cho lĩnh vực y tế. Những cánh tay robot sẽ hoạt động ổn định, chính xác khi phẫu thuật, giúp bác sĩ chuyên khoa có thể tiến hành mổ cho bệnh nhân ở địa điểm khác trong bối cảnh bị giới hạn về nguồn lực, thời gian. Hay máy bay không người lái có thể kết nối nhanh hơn trong công tác tìm kiếm, cứu nạn.
Cách mạng kết nối không dây - cuộc ganh đua của các "ông lớn"
Mạng 5G hiện được các công ty viễn thông và chính phủ trên khắp thế giới coi như điều kiện tiên quyết phải tiến hành nếu muốn tăng tốc trong lĩnh vực công nghệ không dây. Quốc gia nào dẫn đầu trong việc triển khai 5G có thể giành được lợi thế trong cuộc tranh tranh các dịch vụ dựa trên công nghệ tương lai.
Trong số những quốc gia đi đầu về lĩnh vực này phải kể đến Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ và một số nước EU.
Không chỉ được xem là thị trường hàng đầu thế giới về mạng di động thế hệ tiếp theo 5G, Hàn Quốc còn là quốc gia thương mại hoá 5G đầu tiên trên thế giới vào tháng 4/2019. Vài tháng sau khi trình làng, nhà mạng SK Telecom và cơ quan quản lý giao thông Hàn Quốc (Kotsa) đã triển khai thành công mạng 5G tại K-City (ở Hwaseong, tỉnh Gyeonggi) để phục vụ việc thử nghiệm, phát triển công nghệ ô tô tự lái tại xứ sở kim chi.
Chỉ sau hơn một năm ra mắt, 3 nhà khai thác di động hàng đầu bao gồm SK Telecom, KT, LG U+ đã "hút" gần 7 triệu thuê bao 5G, chiếm khoảng 10% tổng số thuê bao di động ở Hàn Quốc. Tốc độ tải xuống trung bình của mạng 5G tại xứ sở kim chi đạt khoảng 400 - 500 Mb/s, theo Venture Beat.
Là đất nước đi đầu trong nhiều lĩnh vực công nghệ cao, các nhà khai thác mạng lớn của Mỹ là AT&T, Verizon và T-Mobile đã nhanh chóng phát triển công nghệ cho phép triển khai 5G quy mô thương mại vào cuối năm 2019 tại Mỹ. Quốc gia này cũng cho xây dựng nhiều trạm phát phủ sóng 5G trên khắp các thành phố lớn. Tuy nhiên, nhiều chưa chắc đã tốt. Tốc độ 5G của Mỹ chỉ đạt ngưỡng trung bình 75 Mb/s, thấp hơn khá nhiều so với Hàn Quốc.
Ra mắt trễ hơn Hàn Quốc gần 1 năm, nhưng đổi lại, Trung Quốc có lý do để đẩy cuộc đua 5G trở nên nóng bỏng hơn do tự đặt mình vào thế phải dẫn đầu công nghệ này trên quy mô toàn cầu. Nếu như việc triển khai 5G ở Mỹ do nỗ lực của riêng các công ty tư nhân thì tham vọng 5G của Trung Quốc được thúc đẩy bởi chính quyền Bắc Kinh.
Với sự trợ giúp của nhà cung cấp thiết bị viễn thông 5G Huawei, Trung Quốc còn đang đầu tư vào sáng kiến Made in China 25 nhằm chuyển đổi nền kinh tế từ thị trường sản xuất hàng hóa thành nhà cung cấp các sản phẩm công nghệ cao như xe điện, điện thoại thông minh, thiết bị 5G... cho thế giới. Với những gì làm được, Bloomberg nhận định, Trung Quốc hiện là quốc gia dẫn đầu về 5G.
Tại Việt Nam, dù các nhà mạng di động Vinaphone, Mobifone, Viettel mới chỉ bắt đầu thử nghiệm 5G tại nhiều thành phố lớn nhưng các dấu hiệu tích cực đã được ghi nhận. Vì tất cả các quốc gia đều ở vạch xuất phát với 5G, Việt Nam hoàn toàn có khả năng bước lên nhóm các nước dẫn đầu về công nghệ mạng này so với toàn thế giới, tạo ra bước đệm quan trọng cho các ngành kinh tế mới.
Theo báo cáo mới đây về tình hình phát triển mạng 5G tại Đông Nam Á của Cisco Việt Nam, đến năm 2025, khu vực Đông Nam Á dự tính sẽ có khoảng 200 triệu thuê bao 5G, trong đó Việt Nam sẽ đóng góp hơn 6,3 triệu thuê bao.