Không sai khi nói rằng, Steve Jobs là một trong những “huyền thoại” của lĩnh vực công nghệ khi ông sáng lập ra công ty đình đám có giá trị hàng đầu thế giới: Apple.
Bên cạnh đó, ông cũng là tấm gương sáng và là nguồn cảm hứng cho bao doanh nhân.
Vậy bạn cho rằng cứ phải thông minh như Steve Jobs mới có thể thành công ư? Không đâu, bạn vẫn sẽ thành công nhờ áp dụng 6 mẹo hữu dụng này.
1. Đồng bộ mục tiêu sản phẩm và công ty
Thoạt nghe có phần vĩ mô thế nhưng chúng lại không hề khó nhằn như bạn tưởng.
Đầu tiên, bạn hãy bắt đầu bằng cách viết ra mục tiêu trong năm của công ty và sắp xếp chúng theo thứ tự ưu tiên, từ đó quyết định sản phẩm mà công ty sẽ sản xuất.
Việc liệt kê sẽ giúp các nhà hoạch định sản phẩm luôn bám sát những mục tiêu lớn và mở rộng cơ cấu để tạo ra kết quả tốt nhất.
Nếu không có danh sách này, hầu hết mọi người sẽ sử dụng các tiêu chí nhỏ hẹp để đưa ra quyết định, nên vô hình chung bỏ qua lựa chọn tốt trước mắt, đưa ra quyết định chưa thực phù hợp với thực tế.
2. Gia tăng các lựa chọn
Thật dễ dàng để đưa ra hai lựa chọn cho một quyết định nhất định, ví dụ như chúng ta nên xây dựng tính năng A đầu tiên hay tính năng B? Chúng ta nên ưu tiên phân đoạn 1 hay phân đoạn 2? 90% các nhà lãnh đạo thường chỉ lấy 1 trong 2 lựa chọn và thực hiện theo nó.
Thế nhưng nghiên cứu của Cloverpop chỉ ra, việc đưa ra 4 lựa chọn thay thế sẽ giúp bạn tăng cơ hội tìm được giải pháp tốt hơn, giảm 50% nguy cơ rủi ro vốn có.
3. Tham khảo nhiều ý kiến
Nghe có vẻ điên rồ nhưng càng nhiều người thì càng có nhiều ý kiến khác nhau và tiêu tốn nhiều thời gian hơn trong các cuộc họp. Thế nhưng, nghiên cứu đã chỉ ra rằng, một nhóm gồm 3 người trở lên sẽ đưa ra quyết định tốt hơn 75% so với các nhóm khác do càng nhiều người sẽ đưa ra các góc nhìn càng đa dạng.
Dĩ nhiên, những người này cần thực sự cân nhắc về quyết định và mọi người cần thảo luận xem quyết định đó có hợp lý hay không chứ không nên dựa vào yếu tố chức quyền hay cảm tính.
4. Lập quy trình có cấu trúc rõ ràng
Hãy xác định và chia sẻ với mọi người quá trình ra quyết định bạn sẽ sử dụng. Sử dụng quá trình có cấu trúc rõ ràng sẽ giúp mọi người hiểu điều gì sẽ xảy ra, điều đó có đáp ứng những gì họ mong đợi hay không, ai sẽ quyết định và nó sẽ được thực hiện như thế nào.
5. Minh bạch mọi hoạt động
Mọi người sẽ không tin tưởng những gì họ không nhìn thấy, vì vậy hãy sử dụng tính minh bạch để xây dựng niềm tin bằng cách ghi lại tất cả các quyết định dựa trên các tiêu chí: tên lựa chọn được xem xét, những điều đã được quyết định, người đã tham gia và lý do.
Bạn cần phổ biến điều này cho tất cả nhân viên và sẵn sàng cung cấp tài liệu cho bất cứ ai quan tâm. Có như vậy mọi người mới tin tưởng và dốc lòng dốc sức vì công việc chung.
6. Theo dõi, đánh giá thường xuyên
VIệc giữ hồ sơ quyết định rõ ràng, minh bạch sẽ giúp bạn theo dõi, đo lường và đánh giá những quyết định đó thường xuyên. Nếu có vấn đề gì, bạn cũng có thể cùng đưa ra phương án điều chỉnh hợp lý.