Ngày pháp luật

Cú “đánh úp” phút chót, gần 3 tỷ USD bất ngờ bốc hơi

Theo Quang Sơn/Dân Việt

Áp lực bán mạnh tăng cao, thị trường ghi nhận phiên giảm điểm mạnh thứ hai từ đầu năm 2019 đến nay.

Ảnh hưởng tiêu cực từ đà giảm điểm của thị trường chứng khoán Mỹ và áp lực chốt lời của nhà đầu tư, thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận một phiên lao dốc mạnh hôm nay. Cụ thể, chỉ số VN-Index lình xình quanh mốc tham chiếu trong phần lớn thời gian giao dịch. Đến khoảng 14h20 phút, nhà đầu tư bất ngờ bán ồ ạt cổ phiếu khiến thị trường giảm sốc một cách bất ngờ.

Kết phiên ngày 21/3, VN-Index giảm 20,52 điểm (2,05%) xuống 981,78 điểm, đánh mất toàn bộ thành quả của cả tuần trước. Đây là phiên giảm điểm mạnh thứ hai của thị trường kể từ đầu năm 2019 đến nay. Theo tính toán, vốn hóa của sàn HSX đã bốc hơi gần 3 tỷ USD trong ngày hôm nay.

Cú “đánh úp” phút chót, gần 3 tỷ USD bất ngờ bốc hơi - Ảnh 1

 Thị trường bất ngờ giảm mạnh trong 20 phút cuối phiên giao dịch

Khối nhà đầu tư nước ngoài hôm nay mua ròng khá trên sàn HSX, giá trị mua đạt 140 tỷ đồng. Các doanh nghiệp được khối này rót tiền mạnh là CTG (Vietinbank), HPG (Hòa Phát), VCB (Vietcombank), PVGas hay VIC (Vingroup).

Đà lao dốc diễn ra ở hầu hết các nhóm cổ phiếu, đặc biệt là ngân hàng, dầu khí và bất động sản. 14/17 mã ngân hàng giảm giá, trong đó tiêu cực nhất là BID mất 3,6%, CTG mất 3,9%, TCB giảm 1,9% hay VPB giảm 3,4%.

Các cổ phiếu dầu khí cũng sụt mạnh bất chấp giá dầu WTI và Brent vẫn tăng đều đặn: GAS giảm 3,1%, PVD thậm chí còn giảm kịch sàn, PVS bốc hơi 5,9% giá trị.

Ở nhóm bluechips, hầu như toàn bộ các cổ phiếu “đại gia” đều lao dốc. Bộ ba cổ phiếu nhà Vingroup tác động tiêu cực nhất tới thị trường khi: VIC (Vingroup) giảm 2,7%, VHM (Vinhomes) giảm 4,3% và VRE (Vincom Retail) mất tới 4,6%. Các cổ phiếu lớn khác như VNM (Vinamilk), NVL (Novaland), SAB (Sabeco), VJC (Vietjet Air) hay BVH (Tập đoàn Bảo Việt) cũng đồng loạt đi xuống.

Cú “đánh úp” phút chót, gần 3 tỷ USD bất ngờ bốc hơi - Ảnh 2

Trong lúc thị trường lao dốc, cổ phiếu YEG đã được giải cứu sau chuỗi ngày đen tối  

Ở chiều ngược lại, nhóm cổ phiếu thủy sản lại ghi nhận sắc xanh ấn tượng, trong đó nổi bật là MPC (Thủy sản Minh Phú) tăng mạnh 4,8% hay VHC (Thủy sản Vĩnh Hoàn) tăng 0,8%.

Đáng chú ý, cổ phiếu YEG đã chính thức được “giải cứu” sau chuỗi 13 ngày nằm sàn liên tiếp. Kết phiên, YEG tăng kịch trần lên 102.300 đồng/cổ phiếu, khớp lệnh gần 840 ngàn đơn vị. Trong đó, phần lớn giao dịch bán ra là từ nhà đầu tư nước ngoài.

Tin Cùng Chuyên Mục