Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 tăng 0,07% so với tháng trước. Đặc biệt, so với tháng 12/2019, CPI giảm 0,12% - mức thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020. 8 tháng năm 2020, chỉ số giá tiêu dùng tăng 3,96% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng cục Thống kê cho biết nguyên nhân dẫn đến chỉ số giá tiêu dùng tháng 8 tăng nhẹ chủ yếu là do ảnh hưởng của cơn bão số 2 và mưa trên diện rộng làm giá rau tăng. Cùng với đó, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đạt ở mức cao trong nhiều năm trở lại đây đẩy giá gạo tăng lên; giá dịch vụ giáo dục cũng được điều chỉnh tăng ở một số tỉnh thành, phố trực thuộc trung ương.
Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, có 7/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số tăng. Trong đó, tăng mạnh nhất là nhóm giáo dục với 0,18% do một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng học phí năm học mới, giá mặt hàng đồ dùng học tập cũng tăng hơn.
Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,11%. Nhóm giao thông tăng 0,1% do ảnh hưởng của 2 đợt điều chỉnh tăng giá xăng, dầu vào thời điểm 28/7 và 12/8. Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng cùng mức tăng 0,1%, chủ yếu do giá điện, nước sinh hoạt và giá dầu hỏa, gas tăng.
Bên cạnh nhóm chỉ số tăng, có 4 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giảm, chủ yếu là nhóm văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,2 % do nhu cầu du lịch của người dân giảm mạnh khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại. Nhóm bưu chính viễn thông, nhóm may mặc, mũ nón cũng giảm nhẹ. Riêng nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình không thay đổi.
Tuy không nằm trong rổ hàng hoá tính CPI song chỉ số giá vàng tháng 8 tăng 9,86% so với tháng trước. So với cuối năm 2019 và cùng kỳ, giá vàng tăng lần lượt 32,81% và 35,02%. Bình quân giá vàng thế giới tính đến ngày 24/8 tăng 6,14% so với tháng 7.
Chỉ số giá USD Mỹ tháng 8 giảm 0,07% so với tháng trước.