Ngày pháp luật

Covid-19 phủ bóng đen lên kết quả kinh doanh của Taseco Airs

Quỳnh Chi

Năm 2020 càng trở nên đáng thất vọng với Taseco Airs khi doanh nghiệp dịch vụ hàng không này xây dựng kế hoạch kinh doanh rất thận trọng với lợi nhuận chưa bằng 5% so với thực hiện năm ngoái nhưng không thể hoàn thành.

Thất bại trước kế hoạch siêu thấp

Tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 đã phủ màu ảm đạm lên bức tranh kinh doanh năm 2020 của các doanh nghiệp nhóm dịch vụ hàng không nói chung trong đó có Công ty cổ phần Dịch vụ hàng không Taseco (Taseco Airs - Mã CK: AST).

Theo đó, với giả định các chuyến bay thương mại quốc tế chưa được mở lại trong tháng 12/2020, Taseco Airs chỉ ước đạt khoảng 68 tỷ đồng doanh thu đồng thời lỗ khoảng 25,4 tỷ đồng trong quý cuối cùng của năm. Kết quả này đẩy khoản lỗ ròng cả năm 2020 của Taseco Airs lên mức 54 tỷ đồng trong khi mục tiêu đề ra cho năm nay là có lãi 12 tỷ đồng.

Covid-19 phủ bóng đen lên kết quả kinh doanh của Taseco Airs  - Ảnh 1

Năm 2019 trước đó, Taseco Airs đã hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh chính. Trong đó, doanh thu hợp nhất tăng gần 32% lên đạt 1.141 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 263,2 tỷ đồng, cũng tăng 29% so với năm 2018, vượt 7% so với mục tiêu đề ra.

Năm 2020 càng trở nên đáng thất vọng với Taseco Airs khi doanh nghiệp dịch vụ hàng không này xây dựng kế hoạch kinh doanh rất thận trọng với lợi nhuận chưa bằng 5% so với thực hiện năm ngoái nhưng không thể hoàn thành do những khó khăn dịch bệnh gây ra.

Theo thống kê của Cục Hàng không, 10 tháng đầu năm 2020, lượng hành khách qua các cảng hàng không Việt Nam đạt 52,8 triệu lượt khách, giảm 45,5% so với cùng kỳ 2019. Trong đó, khách quốc tế đạt 7,1 triệu lượt khách, giảm 79,4% so với cùng kỳ năm 2019, khách nội địa đạt 45,7 lượt triệu khách, giảm 26,8% so với cùng kỳ năm 2019.

Số chuyến bay nội địa giảm mạnh thêm bởi ảnh hưởng của làn sóng bùng phát dịch bệnh Covid-19 thứ hai từ cuối tháng 7/2020, dẫn đến việc giãn cách xã hội TP  Đà Nẵng với các tỉnh thành khác trên cả nước.

Taseco Airs cho biết việc giãn cách xã hội để phòng chống dịch bệnh khiến các điểm kinh doanh trên toàn hệ thống đã bị ảnh hưởng trực tiếp, phải đóng cửa và dừng hoạt động. Tính đến 23/10, công ty thông báo chỉ có hơn 40% số điểm kinh doanh hoạt động trở lại.

Dù gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh, Taseco Airs vẫn ghi nhận một vài tín hiệu đáng mừng khi có 3 điểm kinh doanh mới của hệ thống đã được đưa vào khai thác trong 10 tháng đầu năm gồm Phòng chờ Hạng thương gia Vietcombank Priority Lounge tại Cảng HKQT Nội Bài, 2 điểm kinh doanh Lucky Cafe & FastFood lần lượt tại Ga quốc nội Cảng HKQT Cam Ranh và Ga quốc tế Cảng HKQT Tân Sơn Nhất, 2 điểm kinh doanh Lucky Cafe & FastFood (tại Ga quốc nội ở Cảng HKQT Tân Sơn Nhất).

Hệ thống Lucky Cafe & Fastfood ở sân bay Nội Bài. Ảnh: Taseco Air.
Hệ thống Lucky Cafe & Fastfood ở sân bay Nội Bài. Ảnh: Taseco Air.

Bên cạnh đó, 1 điểm kinh doanh Hàng miễn thuế Jalux (tại Cảng HKQT Phú Quốc) đang trong thời gian hoàn thiện để sẵn sàng đưa vào hoạt động kinh doanh khi các chuyến bay thương mại, du lịch quốc tế được cấp phép hoạt động tại đây. Dự kiến 1 điểm kinh doanh Vip Lounge Đà Nẵng sẽ khai trương vào tháng 2/2021.

Đâu là động lực phục hồi?

Sau những khó khăn dịch bệnh mang lại trong phần lớn thời gian của năm 2020, hoạt động kinh doanh của Taseco Airs được kỳ vọng sẽ dần được cải thiện từ cuối năm khi các đường bay từng bước được nối lại và lưu lượng hành khách hồi phục.

Về dài hạn, Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS) đánh giá cao triển vọng tăng trưởng của AST với các động lực chính đến từ xu hướng tăng trưởng về sản lượng và sức mua của hành khách qua các cảng hàng không (CHK). Sau khi dịch bệnh được kiểm soát và nhu cầu vận tải hàng không hồi phục, sản lượng hành khách thông qua các CHK dự báo sẽ tăng trưởng trung bình khoảng 13%/năm.

Tăng trưởng sức mua của nhóm hành khách nội địa cũng có tác động không nhỏ đến kết quả kinh doanh của Taseco Airs. Mức chi tiêu bình quân của khách du lịch nội địa mặc dù hiện khá thấp so với nhóm hành khách quốc tế, nhưng đang tăng trưởng tích cực qua các năm nhờ thu nhập người dân được cải thiện và văn hóa tiêu dùng, tận hưởng khi du lịch ngày càng phổ biến.

Covid-19 phủ bóng đen lên kết quả kinh doanh của Taseco Airs  - Ảnh 2

VCBS cũng đánh giá Taseco Airs sở hữu nhiều lợi thế trong việc mở rộng hệ thống điểm kinh doanh và gia tăng thị phần tại các CHK đặc biệt tại sân bay Nội Bài và nhà ga quốc tế sân bay Đà Nẵng nhờ nguồn lực tài chính dồi dào với lượng tiền mặt lớn và sự hỗ trợ của tập đoàn mẹ.

Năng lực khai thác của các CHK có hoạt động kinh doanh được nâng cao. Các dự án hạ tầng hàng không được đẩy mạnh triển khai dự kiến sẽ tác động tích cực đến triển vọng tăng trưởng của Taseco Airs trong vài năm tới, đặc biệt tại sân bay Nội Bài.

Cụ thể, dự án sửa chữa, nâng cấp đường băng sân bay Nội Bài kỳ vọng sẽ gia tăng năng lực tiếp nhận tàu bay cỡ lớn và nâng công suất khai thác lên đến 44 triệu hành khách/năm. Đồng thời, dự án mở rộng nhà ga hành khách T2 Nội Bài (do ACV làm chủ đầu tư) dự kiến sẽ bắt đầu khởi công từ năm 2021, qua đó tạo động lực cho tăng trưởng sản lượng hành khách quốc tế tại Nội Bài và dư địa mở rộng mặt bằng kinh doanh cho doanh nghiệp.

Bên cạnh các mảng kinh doanh truyền thống như cửa hàng bách hóa, lưu niệm, nhà hàng – fastfood tại các CHK và vận hành khách sạn Alacarte Đà Nẵng, động lực từ các mảng kinh doanh mới như hoạt động đầu tư vào lĩnh vực suất ăn hàng không thông, chuỗi cửa hàng miễn thuế JDV (Jalux Taseco), khai thác phòng chờ thương gia (VIP Lounge) cũng đóng góp đáng kể cho sự phục hồi của Taseco Airs trong dài hạn.

Mặt khác, với việc thuê mặt bằng cho hoạt động kinh doanh tại phần lớn các CHK phụ thuộc vào sự kiểm soát, điều tiết của ACV. Hoạt động kinh doanh cũng như triển vọng mở rộng của Taseco Airs đối mặt với rủi ro phân chia thị phần các CHK với các đơn vị khác do các quyết định từ ACV và vị thế đàm phán của lãnh đạo doanh nghiệp.

Ngoài ra, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trên thế giới cũng là nút thắt quan trọng trong quá trình phục hồi của nhóm doanh nghiệp hàng không nói chung và Taseco Airs nói riêng.

Năm 2021, VCBS dự báo doanh thu của Taseco Airs đạt 999,3 tỷ đồng, tăng trưởng tới 108% so với cơ sở thấp trong năm qua. Lợi nhuận thuộc về cổ đông công ty mẹ dự kiến đạt 133 tỷ đồng, tương ứng với lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) đạt 2.956 đồng.

Tin Cùng Chuyên Mục