Thành lập năm 2016, Perpule được xem là một thế lực tại thị trường thương mại điện tử Ấn Độ, giúp các cửa hàng truyền thống chuyển đổi sang thương mại điện tử và tích hợp các cổng thanh toán hàng đầu, các công ty vận chuyển, ERP, POS, Loyalty...
Trong đó, công nghệ ứng dụng web PWA được kỳ vọng thay đổi cuộc chơi trong thương mại điện tử cho các nhà bán lẻ cải thiện tỷ lệ chuyển đổi hơn 40%.
Kể từ khi ra đời, Perpule đã gọi vốn vòng hạt giống trị giá 650.000 USD từ Kstart, quỹ đầu tư khởi nghiệp giai đoạn đầu của Kalaari Capital, Venture Highway và Raghunandan G5.
Tới cuối năm 2018, startup này tiếp tục nhận đầu tư 4,7 triệu USD từ Prime Venture Partners, Kalaari Capital và Venture Highway. Đến nay, Perpule đang hợp tác với hàng trăm cửa hàng và quán cà phê, đồ ăn nhanh tại Ấn Độ.
Vừa qua, ông Abhinav Pathak, nhà đồng sáng lập & CEO Perpule cho biết, mục tiêu tiếp theo của startup này là thị trường Đông Nam Á gồm: Indonesia, Malaysia, Việt Nam, Thái Lan, Singapore và Philippines.
"Chúng tôi rất vui mừng được thâm nhập vào thị trường Đông Nam Á và sẽ nỗ lực phục vụ khách hàng theo cách tốt nhất có thể thông qua nền tảng công nghệ trải rộng trên các danh mục như thời trang, tạp hóa, điện tử, thực phẩm...", CEO Perpule chia sẻ.
Perpule tham gia vào thị trường TMĐT Việt Nam trong bối cảnh xuất hiện thông tin 2 sàn TMĐT hàng đầu là Tiki và Sendo có khả năng sáp nhập. Bên cạnh các tên tuổi lớn như Shopee và Lazada, Perpule sẽ là thế lực tiếp theo có nguồn lực nước ngoài.
Thực tế, những năm gần đây, thị trường thương mại điện tử (TMĐT) đang nhận được nhiều sự quan tâm từ phía nhà đầu tư lẫn người tiêu dùng. Tại Việt Nam, quy mô thị trường này đạt tới 5 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng 81% - nhanh thứ 2 tại Đông Nam Á.
Còn theo Sách trắng TMĐT Việt Nam 2019 được Cục Thương mại điện tử và kinh tế số phát hành, mức tăng trưởng của thị trường Việt Nam cao nhất trong 3 năm trở lại.
Theo dự báo, tới năm 2025, doanh số thương mại điện tử B2C tại Việt Nam (tính cho cả hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trực tuyến) tăng 25%/năm, đạt 35 tỷ USD, chiếm 10% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.
Cùng với đó, 55% dân số tham gia mua sắm trực tuyến với giá trị mua hàng hóa và dịch vụ trực tuyến đạt trung bình 600 USD/người/năm.