Nhiều doanh nhân Việt Nam từng học tập và kinh doanh tại Đông Âu trước đây có một điểm chung là khởi nghiệp với ngành mì ăn liền.
Có thể kể đến tỷ phú Phạm Nhật Vượng với Mivina, thương hiệu mì nổi tiếng Ukraina, ông Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch tập đoàn Masan, được coi là người dạy người Nga ăn mì gói và tương ớt, ông Đặng Khắc Vỹ, Chủ tịch VIB với Mareven Food hay ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch VPBank với Rollton.
Sau khi trở về Việt Nam, nhiều doanh nhân tiếp tục đầu tư vào ngành hàng tiêu dùng, trong đó có sản xuất mì ăn liền. Thành công nhất là Tập đoàn Masan của ông Nguyễn Đăng Quang, với thương hiệu Omachi, Kokomi. Mareven Food của ông Đặng Khắc Vỹ cũng được cho là có liên quan đến Uniben - Công ty vốn rất nổi tiếng với thương hiệu mì 3 miền, Reeva.
Mặc dù vậy, không phải doanh nhân nào từ Đông Âu trở về cũng thành công với ngành mì ăn liền. Ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch ngân hàng Phương Đông (OCB) trở về từ Đông Âu cũng tham gia vào Công ty cổ phần Thực phẩm xanh (Green Food).
Doanh nghiệp này hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất các loại mì (làm từ bột mì nhập khẩu), các loại nui, bún (làm từ gạo), các loại mì ăn liền. Green Food cũng là doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực sản xuất mì ăn liền không chiên tại Việt Nam với nhãn hiệu mì không chiên Newway.
Green Food có vốn điều lệ 30 tỷ đồng, trong đó riêng 2 vợ chống ông Tuấn có thời điểm nắm giữ hơn 87% cổ phần công ty và nắm giữ các chức vụ quan trọng trong công ty này. Đến cuối năm 2019, bà Cao Thị Quế Anh (vợ ông Tuấn) vẫn là Tổng Giám đốc công ty.
Dù xuất hiện hơn 20 năm trên thị trường, song hoạt động của Green Food không có gì nổi bật, thương hiệu mì gói Newway hay Vinaly của công ty cũng vẫn còn khá xa lạ. Năm 2016, doanh thu của công ty chỉ xấp xỉ 30 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 5 tỷ đồng. Đến năm 2019, doanh thu tăng lên 51 tỷ đồng và lợi nhuận chỉ hơn 7 tỷ đồng. Những con số này thua xa mức doanh thu hàng ngàn tỷ đồng từ mì ăn liền của Masan hay Uniben.
Hoạt động đầu tư đáng chú ý nhất của Green Food lại không liên quan gì tới mì gói mà là thương vụ thâu tóm bất động sản khu công nghiệp. Năm 2015, Green Food đã mua lại toàn bộ phần vốn Nhà nước tại công ty cổ phần phát triển hạ tầng Khu công nghiệp Tây Ninh (Indeco) – chủ sở hữu khu công nghiệp Trảng Bàng và trở thành chủ sở hữu khu công nghiệp này.
Đến nay, khu công nghiệp Trảng Bàng đã cho thuê được 100% đất công nghiệp, trong đó phần lớn các nhà đầu tư đến từ Đài Loan (45%), Hàn Quốc (18%), Việt Nam (28%). Các nhà đầu tư này hoạt động trong các lĩnh vực như dệt, kéo sợi, may mặc, cơ khí, bao bì, đồ gia dụng, các sản phẩm từ cao su…
Cá nhân ông Trịnh Văn Tuấn nổi bật hơn trong lĩnh vực tài chính với vai trò chủ tịch ngân hàng OCB. Ông Tuấn trở thành chủ tịch ngân hàng này từ năm 2011 và gặt hái được nhiều thành tựu đáng chú ý.
Trong năm 2020, OCB đã phát hành cổ phiếu tăng vốn cho đối tác chiến lược nước ngoài Aoroza Bank. Ngân hàng đến từ Nhật Bản này đã đầu tư khoảng 160 triệu USD để sở hữu 15% vốn cổ phần của OCB. Trước đó quỹ đầu tư thuộc VinaCapital cũng rót vốn vào OCB để nắm giữ cổ phần thiểu số.
Tính đến hết 31/12/2020, tổng tài sản OCB đạt 152.848 tỷ, tăng 29% so với năm 2019. Huy động vốn đạt 108.614 tỷ, tăng 27%; tổng dư nợ cho vay đạt 90.128 tỷ, tăng 24% so với 2019. Lợi nhuận trước thuế đạt 4.414 tỷ, tăng 37% so với năm 2019.
Kết quả kinh doanh ấn tượng đang tạo tiền đề để OCB chuẩn bị niêm yết vào ngày 28/1/2021 trên sàn chứng khoán TP HCM (HOSE). Giá chào sàn của OCB là 22.900 đồng, tương đương mức vốn hóa thị trường của ngân hàng vào khoảng 25 nghìn tỷ đồng.
Ngoài lĩnh vực tài chính, các doanh nghiệp liên quan đến gia đình ông Tuấn cũng để lại dấu ấn trong lĩnh vực bất động sản thông qua công ty Hướng Việt với dự án the Metropole Thủ Thiêm - một trong những dự án đẹp nhất tại KĐT Thủ Thiêm, tổng diện tích khoảng 7,6 ha với mức đầu tư 7.300 tỷ đồng.
Link bài gốc