Ngày pháp luật

Công ty game di động bé nhỏ trở thành đế chế hàng tỷ USD nhờ bước chuyển hướng bất ngờ sang NFT

Như Quỳnh

Từ một công ty chỉ có giá trị dưới 6 triệu USD vào năm 2014, hiện tại Animoca được định giá 5,4 tỷ USD với doanh thu chín tháng đầu năm 2021 lên tới 670 triệu USD.

Ở tuổi 49, Yat Siu hiện được mệnh danh là một trong những nhân vật quyền lực nhất trên thị trường NFT toàn cầu. Ông là đồng sáng lập kiêm CEO công ty game blockchain Animoca Brands trị giá 5,4 tỷ USD sau vòng tài trợ mới nhất. 

Dưới đây là câu chuyện khởi nghiệp của Yat Siu, cũng như cách ông biến Animoca Brands từ một nhà sản xuất game trên bờ vực sụp đổ trở thành đế chế tỷ trị giá hàng tỷ USD.

Đam mê công nghệ dù sinh trưởng trong gia đình nghệ thuật

Gia đình Yat Siu có truyền thống lâu năm trong ngành nghệ thuật. Mẹ ông là người Đài Loan sinh ra ở Lisbon (Bồ Đào Nha) và chuyên chỉ huy dàn nhạc. Bố ông sinh ra ở Hong Kong và là một nghệ sĩ nhạc cụ. Không giống như bố mẹ, Yat Siu lại đam mê công nghệ hơn. Thế nhưng ngay từ nhỏ, ông đã tìm ra cách kiếm tiền nhờ kết hợp công nghệ với tài năng nghệ thuật thiên bẩm.

Siu bắt đầu lập trình ở tuổi 13 và kiếm được những đồng tiền đầu tiên nhờ kết hợp giữa công nghệ và âm nhạc. Ảnh: SCMP
Siu bắt đầu lập trình ở tuổi 13 và kiếm được những đồng tiền đầu tiên nhờ kết hợp giữa công nghệ và âm nhạc. Ảnh: SCMP

Siu tự học cách viết mã trên máy tính Texas Instruments đời đầu. Cũng từ chiếc máy tính cổ này, ông bắt đầu sản xuất phần mềm sáng tác nhạc trực tuyến. Phần mềm này thành công đến mức Atari - tập đoàn dẫn đầu thị trường game những năm đầu 1980 đã tìm đến Yat Siu và đề nghị thuê ông làm nhà tư vấn. 

Sau khi bỏ học đại học và tham gia vào một số dự án kinh doanh, Siu thành lập công ty Outblaze có trụ sở tại Hong Kong vào năm 1998. Đây là thành công lớn đầu tiên của Siu.

Vào năm 2009, ông bán lại bộ phận điện toán đám mây thuộc Outblaze cho IBM và thu về hàng trăm triệu USD. Siu sử dụng phần lớn số tiền này để tái tạo vốn cho Outblaze trong thời kỳ suy thoái kinh tế tiếp đó. 

Cảm hứng xuất hiện ở những nơi khó xảy ra nhất

Cảm hứng công việc đến với Yat Siu một cách hết sức tình cờ. Khi đang chơi trò đố thẻ với con đầu lòng, Siu nảy ra ý tưởng kinh doanh mới. Ông yêu cầu nhân viên tại Outblaze phát triển phiên bản di động của trò đố vui này.

Trò chơi được hưởng ứng nhiệt tình và thu hút tới 20 triệu lượt tải xuống, khiến Siu thành lập Animoca - một công ty con thuộc Outblaze chuyên phát hành trò chơi vào năm 2011. Sau khi đổi tên thành Animoca Brands, công ty chính thức niêm yết trên Sàn giao dịch chứng khoán Úc (ASX) vào năm 2015.

Thế nhưng Animoca Brands không thật sự "thuận buồm xuôi gió". Vào năm 2012, Apple - một trong những nền tảng phân phối game Animoca lớn nhất đột ngột xóa tất cả trò chơi của hãng khỏi App Store mà không có lời giải thích.

Animoca ban đầu chỉ là một công ty game di động với doanh thu 5,2 triệu USD vào năm 2014. Ảnh: Nikkei Asia.
Animoca ban đầu chỉ là một công ty game di động với doanh thu 5,2 triệu USD vào năm 2014. Ảnh: Nikkei Asia.

Đến năm 2014, doanh thu của Animoca giảm 25% xuống chỉ còn 5,2 triệu USD và giá trị vốn hóa thị trường chỉ còn dưới 6 triệu USD.  Đến tận năm 2017, Animoca Brands vẫn bị cho là một doanh nghiệp thất bại, cho đến khi một đồng nghiệp giới thiệu với Siu về dự án NFT CryptoKitties - một thị trường dựa trên blockchain, nơi người dùng mua, bán và thu thập vật nuôi ảo. Siu đầu tư vào dự án và thành công rực rỡ. 

Khi ra mắt vào tháng 12 năm 2017, những con "mèo ảo" trở nên nổi tiếng và thậm chí còn suýt làm sập chuỗi Ethereum. Mặc dù phải trải qua "mùa đông tiền điện tử" năm 2018, Siu vẫn giữ niềm tin vào tiềm năng phát triển nhờ ngành NFT. 

Bước ngoặt NFT

Trong bối cảnh thị trường lao dốc, năm 2018, Siu tham dự một hội nghị NFT ở Hong Kong, nơi ông tạo dựng mối quan hệ với nhiều công ty lớn nhất ngành NFT hiện tại như OpenSea, The Sandbox và Decentraland.

Khi nhận thấy Siu có ý định đầu tư vào tiền điện tử, ASX tỏ ra không hài lòng. ASX đưa ra "tối hậu thư": Animoca phải từ bỏ tiền ảo hoặc rút khỏi sàn. "Thật đáng sợ. Nếu bị hủy niêm yết trên ASX, không có sàn giao dịch chứng khoán nào sẵn sàng để ý tới bạn nữa", Siu nhớ lại.

Thế nhưng Siu vẫn kiên định với tài sản kỹ thuật số, dẫn đến việc Animoca Brands bị hủy niêm yết vào tháng 3 năm 2020. 

Yat Siu tin rằng NFT và công nghệ blockchain sẽ là thứ định hình lại chủ nghĩa tư bản. Dù chưa biết nhận định này có đúng hay không nhưng hiện tại có thể nói các khoản đầu tư của Siu vào các công ty NFT đều đang đem lại lợi nhuận khổng lồ.

Dapper Labs - công ty mẹ CryptoKitties mà ông từng đầu tư vào năm 2017 hiện được định giá 7,6 tỷ USD và đây mới chỉ là khoản đầu tiên trong số hơn 150 khoản đầu tư liên quan đến NFT mà Siu sở hữu.

Sky Mavis - công ty Việt Nam sở hữu trò chơi NFT nổi tiếng Axie Infinity cũng nằm trong danh mục đầu tư của Animoca Brands. Ảnh: Sky Mavis. 
Sky Mavis - công ty Việt Nam sở hữu trò chơi NFT nổi tiếng Axie Infinity cũng nằm trong danh mục đầu tư của Animoca Brands. Ảnh: Sky Mavis. 

Animoca Brands hiện có cổ phần trong hầu hết các doanh nghiệp NFT lớn nhất và thành công nhất trên thế giới, bao gồm OpenSea (sàn NFT lớn nhất với doanh thu ước tính năm 2021 375 triệu USD), Dapper Labs và công ty Việt Nam Sky Mavis, nhà sản xuất trò chơi NFT bom tấn Axie Infinity được định giá 3 tỷ USD. 

“Nơi duy nhất chúng tôi không đầu tư có có lẽ là Nam Cực,” Siu cười nói. 

Vào giữa tháng 1 năm nay, Animoca Brands huy động được gần 360 triệu USD với mức định giá 5,4 tỷ USD, tăng hơn gấp đôi so với mức 2,2 tỷ USD hồi tháng 10. Forbes ước tính Siu sở hữu 10% cổ phần trị giá gần 500 triệu USD.

Kể từ những ngày đen tối vào năm 2017, công ty đã tăng từ 57 nhân viên lên hơn 600 người. Trong 9 tháng đầu năm 2021, Animoca Brands thu về 670 triệu USD, với khoảng 530 triệu USD là thu nhập từ các khoản đầu tư và tài sản kỹ thuật số. Dự trữ tiền ảo của Animoca được định giá gần 16 tỷ USD vào cuối tháng 11 năm ngoái. 

Tin Cùng Chuyên Mục