Tăng trưởng bền vững!
Gần 30 năm hình thành và phát triển, Sao Ta luôn là thương hiệu vững mạnh, đứng top đầu ngành CB&XNK thủy sản nói chung, lĩnh vực cung ứng tôm nói riêng trong toàn quốc. Theo đó, Sao Ta chú trọng xây dựng chiến lược 5 năm. Mỗi chiến lược có trọng tâm riêng. Chiến lược 2011 - 2015, Sao Ta coi nâng tầm chất lượng là trọng tâm. Sang Chiến lược 2016 - 2020, doanh nghiệp lại tập trung vào tăng tốc sản lượng. Các chiến lược nêu ra đều thành công và có dấu ấn bền vững. Trên nền tảng đó, uy tín thương hiệu Sao Ta tiếng tăm nhất nhờ chất lượng cao và luôn ổn định, giao hàng đúng hạn, đúng mặt hàng, xử lý hậu mãi tốt. Đó cũng là những nét nổi bật của Sao Ta so với các “đồng nghiệp” khác. Và câu khách hàng luôn ngợi khen thương hiệu là: “Sao Ta không chỉ là bạn hàng mà còn là người bạn tốt, biết chia sẻ!”.
Chiến lược 2021 - 2025, công ty tập trung mở rộng vùng nuôi lên trên 500 hecta, tự chủ khoảng 30% nguyên liệu. Trên nền tảng hoạt động minh bạch và bền vững, Sao Ta luôn chú trọng củng cố văn hoá doanh nghiệp và giữ vững đạo đức kinh doanh, song song quan tâm trách nhiệm xã hội và thực thi các tiêu chí doanh nghiệp bền vững do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố.
Công ty CP Thực phẩm Sao Ta hiện là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu tôm hàng đầu tại Việt Nam với trên 320 ha diện tích vùng nuôi, có khả năng cung cấp 30% nguyên liệu tôm đầu vào cho sản xuất. Sau khi Nhà máy Tâm An với công suất chế biến 5.000 tấn/năm đi vào hoạt động từ tháng 1/2022, năng lực chế biến của công ty đã nâng lên 30.000 tấn/năm và sẽ còn tăng lên sau khi Nhà máy Sao Ta với công suất chế biến 15.000 tấn/năm dự kiến đi vào hoạt động trong quý 3 năm nay. Công suất chế biến dự kiến tăng thêm 20.000 tấn/năm trong năm 2022 từ hai nhà máy mới, gần tương đương công suất trước đó, được kỳ vọng là động lực quan trọng cải thiện kết quả kinh doanh của công ty trong năm 2022, trong bối cảnh sức mua tại các thị trường tiêu thụ chính như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản… dự báo tiếp tục hồi phục.
Với sự tăng trưởng ổn định và bề dày văn hóa truyền thống nhiều năm, Sao Ta là doanh nghiệp thuỷ sản hiếm hoi đạt danh hiệu “Doanh nghiệp bền vững” năm 2020, 2021 do VCCI tổ chức tuyển chọn và công bố. Ngoài ra, Sao Ta cũng là một trong số ít doanh nghiệp CB&XNK thủy sản được phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới” và nhiều Huân chương Lao động…
Vươn tầm quốc tế!
Ông Hồ Quốc Lực – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta cho biết: Hiện tại, Sao Ta có 3 nhà máy chế biến, 1 xí nghiệp nuôi tôm và 1 công ty thành viên, với tổng số 5.000 cán bộ công nhân viên được đào tạo bài bản và chuyên nghiệp, giúp Sao Ta luôn tăng trưởng bền vững và phát triển lên một tầm cao mới. Trong năm 2021, tuy ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhưng doanh nghiệp vẫn đạt trên 200 triệu USD. Đây là một thành tựu đáng tự hào mà không phải doanh nghiệp nào cũng đạt được trong hoàn cảnh dịch bệnh khó khăn như vậy.
Cũng theo lãnh đạo Sao Ta: 2 năm Covid-19 hoành hành, nhất là các khoảng thời gian giãn cách hoặc phong toả, các doanh nghiệp đều gặp khó, đó là khách quan. Tuy nhiên, nhờ nhận định phù hợp và sự linh hoạt, sáng tạo, Sao Ta chủ động trong sắp xếp sản xuất “ba tại chỗ” (tháng 7 - 9/2921) và ngăn chặn dịch tốt nên không bị gián đoạn hoạt động ngày nào. Sau thời điểm này, các chi phí đầu vào đều tăng, đồng thời đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu khiến chi phí thuê vận chuyển hàng xuất khẩu tăng quá lớn, bào mòn lợi nhuận doanh nghiệp nên Sao Ta phải nỗ lực tính toán tiết kiệm mọi mặt để bù đắp, nhưng lợi nhuận từ chế biến vẫn bị giảm sút nghiêm trọng. Cũng may khâu nuôi tôm của doanh nghiệp năm 2021 và những tháng đầu năm 2022 đều có kết quả rất tốt. Nhờ đó giá nguyên liệu đầu vào được hỗ trợ nên năm 2021 hoàn thành vượt kế hoạch và triển vọng rất tốt cho năm 2022.
Về thị trường, lúc dịch bệnh căng thẳng, Sao Ta ký hợp đồng với mảng bán lẻ để giảm thiểu rủi ro. Hiện nay thế giới sắp trở lại trạng thái bình thường, các nhà hàng, khách sạn, điểm vui chơi đang mở cửa trở lại, nắm chắc tình hình đó, Sao Ta đã có sự chuyển hướng phù hợp để có đơn hàng từ mảng dịch vụ, bảo đảm có lịch sản xuất quanh năm.
Theo người đứng đầu Sao Ta, các cường quốc tôm đều chú trọng thúc đẩy tăng trưởng sản lượng. VD: Ecuador, Ấn Độ đều đạt sản lượng triệu tấn tôm nhưng đang có kế hoạch tăng trưởng mạnh hơn, với lợi thế tôm của họ giá rẻ hơn 1 USD so với tôm của ta. Trong khi đó, lĩnh vực nuôi tôm của chúng ta còn nhỏ lẻ, manh mún nên rất khó kiểm soát dịch bệnh cũng như kiểm tra tốt về mặt chất lượng. Bên cạnh đó, việc đánh số cơ sở nuôi tôm quá chậm, trong khi các thị trường đều đòi hỏi truy xuất nguồn gốc từng lô hàng, doanh nghiệp nào có đánh mã số mới thuận tiện khai báo.
“Việc nuôi trồng nhỏ lẻ nên khó đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng thị trường khu vực và quốc tế đòi hỏi (như chuẩn ASC của EU, chuẩn BAP của Hoa Kỳ). Do đó, để đáp ứng, chúng ta phải có chính sách nâng cao hạn điền nhằm hình thành các trang trại nuôi rộng hàng trăm hecta. Quy mô nuôi lớn mới thuận tiện trong việc đầu tư khoa học kỹ thuật nhằm giảm thiểu rủi ro trong quá trình nuôi cũng như tăng năng suất, giảm giá thành và có đủ điều kiện nuôi theo chuẩn nêu trên. Có như vậy tôm Việt mới “bơi” được lên kệ cao cấp các hệ thống phân phối, góp phần rút ngắn thời gian nâng tầm tôm Việt theo chiến lược phát triển tôm đến năm 2030 đã đề ra” – “thủ lĩnh” ngành CB&XNK tôm Việt khẳng định.
Trong năm 2021, tuy ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhưng doanh nghiệp vẫn đạt trên 200 triệu USD. Đây là một thành tựu đáng tự hào mà không phải doanh nghiệp nào cũng đạt được trong hoàn cảnh dịch bệnh khó khăn…