Ngày pháp luật

Công tác xây dựng và thi hành pháp luật: Sẽ nhấn mạnh hơn nữa vai trò của người đứng đầu

Theo Bộ Tư pháp

Ngày 8/9, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức Phiên họp thẩm tra sơ bộ Báo cáo của Chính phủ về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2023. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, Ủy viên Trung ương Đảng; Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, Ủy viên Trung ương Đảng đồng chủ trì Phiên họp.

Hai năm 2022 - 2023 không có tình trạng xin rút, xin lùi các dự án

Tại Phiên họp, báo cáo về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội (QH), pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ (UBTV) QH năm 2023, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, công tác tổ chức triển khai thi hành pháp luật (THPL) và xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết tiếp tục là một trong những nhiệm vụ quan trọng, được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ dành nhiều thời gian chỉ đạo sát sao, thường xuyên, trực tiếp và cụ thể.
Tại các phiên họp Chính phủ từ tháng 10/2022 đến nay, Chính phủ đã xem xét, cho ý kiến đối với 21 đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, nghị quyết; 19 dự án luật và dự thảo nghị quyết. Trong năm 2022 và 2023 không có tình trạng xin rút, xin lùi các dự án đã có trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Quy trình cho ý kiến thông qua các dự án luật, nghị quyết được Chính phủ xem xét chặt chẽ hơn.

Theo Bộ trưởng Lê Thành Long, tính từ ngày 1/10/2022 đến ngày 1/8/2023, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, cơ quan ngang bộ có nhiệm vụ xây dựng, ban hành 129 văn bản quy định chi tiết. Đối với 58 văn bản quy định chi tiết các luật, nghị quyết đã có hiệu lực, có 43 văn bản đã được ban hành, còn 14 văn bản nợ, chưa ban hành.

Trình bày Báo cáo thẩm tra sơ bộ nội dung này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành nêu rõ, Thường trực Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành với những kết quả đạt được như trong Báo cáo của Chính phủ; đồng thời đánh giá cao công tác chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện nhiệm vụ này của Chính phủ trong năm 2023 thể hiện tính kế thừa và phát triển, tích cực, chủ động, đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng chỉ rõ, tình hình nợ văn bản quy định chi tiết có xu hướng tăng, mặc dù số văn bản cần ban hành ít hơn so với cùng kỳ năm trước. Có biểu hiện đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm trong tham mưu xây dựng thể chế và tổ chức THPL tại một số nơi...

Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành với 10 nhiệm vụ, 5 giải pháp và 4 kiến nghị nêu trong Báo cáo của Chính phủ; đề nghị Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo thực hiện một số giải pháp cụ thể nhằm phát huy các kết quả đạt được, khắc phục hiệu quả những tồn tại, hạn chế đã nhận diện được để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác xây dựng và tổ chức THPL.

Tăng cường làm việc trực tiếp với các bộ, ngành

Lắng nghe và tiếp thu, giải trình một số vấn đề đại biểu nêu tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, thời gian tới Chính phủ sẽ tổ chức một phiên họp chuyên đề, xem xét sửa đổi quy chế làm việc của Chính phủ, nhấn mạnh vai trò của người đứng đầu trong xây dựng và THPL; đánh giá thực trạng, đưa ra các giải pháp khắc phục tình trạng nợ đọng văn bản, nâng cao chất lượng công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Bên cạnh đó, thực hiện tốt Nghị quyết số 26-NQ/TW nhằm kiểm soát quyền lực, lợi ích nhóm trong công tác xây dựng pháp luật, xác định rõ nguyên tắc, trách nhiệm của từng bộ, ngành trong thực hiện chức trách, trách nhiệm của mình khi ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Bộ Tư pháp cũng sẽ cùng với Văn phòng Chính phủ tăng cường các buổi làm việc trực tiếp với các bộ, ngành có tồn đọng văn bản nhiều nhưng chưa được xử lý; chú trọng công tác triển khai luật, nghị quyết vừa được QH thông qua.

Phát biểu kết luận Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh, Thường trực Ủy ban Pháp luật ghi nhận nỗ lực cố gắng, tinh thần trách nhiệm, nghiêm túc của Chính phủ, các bộ trong triển khai thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết trong năm vừa qua. Chính phủ đã có nhiều nỗ lực, có nhiều giải pháp đổi mới, quyết liệt tăng cường hiệu lực, hiệu quả thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết. 

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nhấn mạnh việc ban hành kế hoạch triển khai cụ thể từng luật, nghị quyết, pháp lệnh rất quan trọng, khắc phục tình trạng nợ, chậm ban hành văn bản chi tiết. Trong công tác xây dựng pháp luật cũng cần làm rõ các vấn đề thuộc phạm vi điều chỉnh của luật, tránh trình trạng vấn đề khó không đề cập trong phạm vi điều chỉnh hoặc giao Chính phủ quy định chi tiết. 

Thời gian tới, Chính phủ cần tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, giảm số lượng văn bản quy định chi tiết; tiếp tục tăng cường trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương trong xây dựng ban hành văn bản pháp luật, trong đó có trách nhiệm của người đứng đầu; tổ chức kiểm tra, thanh tra xử lý kịp thời các văn bản có dấu hiệu tham nhũng, lợi ích nhóm, văn bản trái pháp luật; làm rõ hơn kết quả thực hiện Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15, Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh các tháng cuối năm 2022 và năm 2023…

Tin Cùng Chuyên Mục