Ngày pháp luật

Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam khởi sắc: Vẫn cần đầu tư "chơi lớn"

Theo D.T/Lao Động

Ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) của Việt Nam đã bắt đầu khởi sắc hay chưa? Đó là câu hỏi không chỉ người Việt Nam đặt ra. Có lẽ, các doanh nghiệp FDI cũng rất quan tâm.

Xóa "lời nguyền con vít"

Chỉ vài năm trước, nhiều doanh nghiệp (DN) FDI đã phải thất vọng than rằng: rất khó tìm được nhà cung ứng linh kiện tại Việt Nam, ngay cả từ con ốc, con vít.

Điển hình là Samsung – một công ty sản xuất điện tử hàng đầu thế giới khi quyết định đầu tư và tìm kiếm đối tác tại Việt Nam. Thời điểm ấy, nhiều DN không đáp ứng được những đòi hỏi tối thiểu của các DN nước ngoài. Có chăng, chỉ loanh quanh ở những mảng miếng kém nhất, thu lời thấp nhất như bao bì, đóng gói…

Thế nhưng, câu chuyện ấy giờ đã khác rất nhiều khi “tính tự ái” cùng sự đầu tư hợp lý đã cho ra đời những kết quả đáng khích lệ, đặc biệt là sau khi Chính phủ ban hành những chính sách hỗ trợ mạnh mẽ.

Trong một hội nghị về CNHT, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, chúng ta hiện có khoảng trên dưới 1800 DN CNHT, thế nhưng, thực tế chỉ 1/6 số ấy có thể đáp ứng được đòi hỏi của chuỗi cung ứng quốc tế.

Mặc dù vậy, con số 1/6 tương ứng với khoảng 300 DN ấy đã là tín hiệu đáng mừng bởi chỉ sau vài năm thực hiện Nghị định 111/2015/NĐ-CP của Chính phủ cùng các chính sách thúc đẩy phát triển và chính sách ưu đãi đối với CNHT ban đầu đã phát huy tác dụng, tạo tính lan tỏa, góp phần thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp trong nước.

Một báo cáo của Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) mới đây cho biết, DN CNHT phát triển cả về lượng và chất. Các DN CNHT tạo việc làm cho hơn 550.000 lao động, với doanh thu thuần sản xuất kinh doanh tưởng trưởng hàng chục phần trăm mỗi năm.

Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam khởi sắc: Vẫn cần đầu tư
Mặc dù là quốc gia xuất khẩu đồ may mặc, da giày hàng đầu thế giới, song tỉ lệ nội địa hóa của chúng ta ở nhóm ngành này cũng chỉ đạt khoảng 40% - 45%. Ảnh ĐT

Dám "chơi lớn" - lấy phần hơn

Có thể kể tới một số lĩnh vực mà chúng ta đang có thể mạnh như sản xuất khuôn mẫu các loại; linh kiện xe đạp, xe máy; linh kiện cơ khí tiêu chuẩn; dây cáp điện; linh kiện nhựa – cao su kỹ thuật; săm lốp các loại. Các sản phẩm này đã đáp ứng khá tốt nhu cầu trong nước và được xuất khẩu sang nhiều quốc gia trên thế giới. DN CNHT trong nước cũng ngày càng tích cực áp dụng các tiêu chuẩn, công cụ quản lý hiện đại vào sản xuất, chế tạo.

Thị trường xuất khẩu cho các ngành CNHT của Việt Nam chủ yếu là các Trung Quốc; Hàn Quốc; Mỹ; Nhật Bản. CNHT trong nước đã có thể cung cấp một số phụ tùng, linh kiện như phụ tùng linh kiện nhựa, cao su cho các sản phẩm điện tử, ô tô xe máy, phụ tùng linh kiện nhôm và kim loại cho ô tô, xe máy và các sản phẩm máy móc thiết bị.

Nhờ khả năng cung cấp một số linh kiện, phụ tùng cho các ngành công nghiệp trong nước, tỷ lệ nội địa hóa của một số ngành công nghiệp tại Việt Nam đã được cải thiện.

Nói vậy không có nghĩa DN CNHT của chúng ta đang đi trên con đường trải rợp hoa hồng bởi còn rất nhiều hạn chế từ chính sách, nguồn lực và công nghệ. Thực tế chúng ta vẫn chủ yếu gia công các công đoạn cơ khí đơn giản, rất ít DN thực hiện các công đoạn, sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao như đúc, xử lý nhiệt, gia công bề mặt.

Trong khi đó, ở lĩnh vực điện tử mới chỉ tập trung chủ yếu vào các chi tiết nhựa và bao bì. Các chi tiết như mạch in nhiều lớp, các linh kiện điện tử rất ít doanh nghiệp đủ trình độ sản xuất. Trong ngành dệt may, chủ yếu mới chỉ phát triển ở công đoạn may. Phần lớn các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, không đủ năng lực đầu tư, hấp thụ và đổi mới công nghệ sản xuất.

Với các ngành ô tô, điện tử tin học, viễn thông, công nghiệp công nghệ cao, da giày, may mặc... tỉ lệ nội địa hóa của chúng ta cũng rất thấp chỉ từ 5% - 45%. Trong đó, càng những lĩnh vực đòi hỏi công nghệ hoặc kỹ thuật cao tỉ lệ nội địa hóa càng giảm.

Chỉ ra một vài điểm cụ thể để thấy rằng, cơ hội rất lớn song muốn đạt được những thành tựu cao hơn, thu về món lợi lớn hơn trong chuỗi giá trị, chúng ta vẫn phải tiếp tục cải thiện chính sách, đầu công nghệ và nhân lực. Muốn vậy, không thể thiếu chiến lược dài hạn, đồng bộ cùng quyết tâm “chơi lớn” của chính các DN Việt.

Tin Cùng Chuyên Mục