Ngày 12/3, Viện Bảo hiểm An toàn đường cao tốc Mỹ (IIHS) công bố kết quả đánh giá mức độ an toàn của công nghệ lái xe tự động, trong đó hệ thống tự lái của hãng xe điện Tesla và các nhà sản xuất ô tô hàng đầu khác bị đánh giá "kém an toàn".
IIHS - tổ chức uy tín hàng đầu của Mỹ trong lĩnh vực đánh giá an toàn xe - cũng cho biết, dựa trên cơ sở dữ liệu về tai nạn giao thông, không có bằng chứng nào cho thấy hệ thống tự lái Autopilot của Tesla hoặc các hệ thống hỗ trợ lái xe khác mang lại lợi ích an toàn thực sự cho người sử dụng.
Theo Chủ tịch IIHS David Harkey, sau khi xem xét dữ liệu so sánh xe tự lái và xe không hỗ trợ tự lái, IIHS nhận thấy số lượng hồ sơ yêu cầu bồi thường bảo hiểm không giảm. Ông cho biết, hệ thống phanh khẩn cấp tự động chỉ giúp giảm 50% số vụ va chạm từ phía sau và 30% số vụ đâm xe vào người đi bộ.
Trong khi đó, Tesla và Giám đốc điều hành Elon Musk trước đó tuyên bố những mẫu xe Tesla trang bị tính năng tự lái Autopilot an toàn hơn khoảng 10 lần so với các mẫu xe phổ biến ở Mỹ và an toàn hơn 5 lần so với những mẫu xe Tesla không có tính năng tự lái.
Hiện Tesla chưa đưa ra bình luận về báo cáo mới nhất của IIHS. Báo cáo được đưa ra trong bối cảnh các cơ quan quản lý liên bang Mỹ đang điều tra gần 1.000 vụ tai nạn ô tô liên quan đến tính năng lái tự động của hãng xe điện này.
Ngoài Autopilot của Tesla, các hệ thống tự lái của các hãng xe khác như Mercedes-Benz, BMW, Nissan, Ford, GM, thương hiệu Genesis của Hyundai và thương hiệu Geely của Volvo Cars cũng bị đánh giá "kém an toàn". Duy nhất hệ thống tự lái Advanced Drive của Lexus Teammate - được lắp đặt trên một số lượng nhỏ xe Lexus hạng sang của Toyota Motor vào năm ngoái - nhận được đánh giá tích cực từ IIHS.
Hiện tại, xe tự lái được đánh giá là một ngành dịch vụ mới có nhiều triển vọng ở Mỹ. Theo McKinsey, ô tô tự hành có thể làm thay đổi thị trường vận tải, mang lại doanh thu từ 300 - 400 tỷ USD vào năm 2035. Thị trường này sẽ không chỉ dừng lại ở dịch vụ taxi mà còn cả xe bus, xe tải và giao vận tự hành. Nhưng đó chỉ là trong kịch bản mọi thứ tiến triển thuận lợi như là hạ tầng giao thông phát triển, hành lang pháp lý đầy đủ và tâm lý, thói quen của người tiêu dùng.
Taxi tự hành hiện vẫn chưa thực sự được thị trường đón nhận. Bên cạnh những ưu điểm về tính hiện đại, sự riêng tư hay không phải lo về đạo đức của người lái, xe tự hành cũng còn nhiều vấn đề. Nhất là lòng tin vào độ an toàn của xe tự hành khi tham gia giao thông. Khi lưu thông trên đường vốn đã có quá nhiều tình huống không đoán định được. Giờ còn đặt tính mạng của mình vào một chiếc xe không người lái thì tâm lý lo ngại là đương nhiên.
Trong ngân sách năm 2023, chính quyền Mỹ cũng dành một khoản không nhỏ chi cho việc nghiên cứu, đào tạo, thử nghiệm, triển khai ô tô tự hành cũng như các quy định pháp lý liên quan. Tuy nhiên, để taxi tự lái nói riêng và ô tô tự hành nói chung thực sự trở thành một ngành dịch vụ đầy đủ đòi hỏi không chỉ đầu tư tài chính, mà cần có sự vào cuộc của cả hệ thống.