Mới đây, thông tin Công an TP.HCM tóm gọn Lê Thị Thủy ( ngụ An Giang ), người phụ nữ chuyên giả làm người giúp việc , gây ra hàng loạt vụ trộm ở các quận 3, Bình Tân… làm nhiều người thở phào nhẹ nhõm.
Trao đổi với chúng tôi, Trung tá Lê Minh Lê, Đội trưởng Đội Tổng hợp Công an quận 3, đã chỉ ra một số dấu hiệu nhận diện những “ôsin giả” để gia chủ không cõng rắn vào nhà.
Ôm trái đắng vì thuê nhầm người giúp việc
Đầu tháng 10, ở Hà Nội xảy ra vụ việc nữ giúp việc biến mất cùng chiếc đồng hồ Rolex trị giá 12.000 USD và nhiều tài sản giá trị của chủ nhà.
Trích xuất hình ảnh từ camera cho thấy trước đó người giúp việc xách hai túi rác cùng một số vật dụng nghi là tài sản của chủ nhà ra ngoài rồi không quay lại.
Tại bãi rác, người ta tìm thấy nhiều mảnh vỡ của con heo đất, nghi ngờ chính người này đã trộm tài sản nhà mình nên gia chủ đã báo công an.
Trước đó không lâu, VKSND TP.HCM đã ra quyết định phê chuẩn quyết định khởi tố bị can và lệnh tạm giam đối với Lê Thị Thủy , người phụ nữ dùng giấy tờ giả xin làm giúp việc rồi gây ra hàng loạt vụ trộm của nhà chủ ở TP.HCM.
Chỉ hơn ba ngày thử việc, bà Thủy đã cuỗm đi 700 triệu đồng, ba lượng vàng SJC và 1.000 USD…
Người này lai lịch kín đáo tới mức công an đã thông báo truy tìm trên các phương tiện thông tin đại chúng kèm theo hình ảnh và đoạn video ghi nhận người này đột nhập vào phòng trộm cắp tài sản nhưng vẫn không xác định được lai lịch và thông tin về đối tượng.
Thậm chí vụ án từng bị tạm đình chỉ điều tra vì thời hạn điều tra đã hết mà không xác định được bị can.
Kiên trì, đầu tháng 9-2018, trinh sát Đội 9 Công an TP.HCM đã phát hiện ra dấu vết của bà Thủy và vây bắt. Bà Thủy khai nhận đã thực hiện trót lọt bốn vụ trộm với thủ đoạn tương tự.
Đến ở một ngày cũng phải đăng ký lưu trú
Theo Trung tá Lê Minh Lê, đối tượng xấu giả làm người giúp việc để trộm cắp tài sản có mặt ở khắp nơi. Thuê người giúp việc là nhu cầu thiết yếu của nhiều gia đình. Có gia đình thuê toàn thời gian, có gia đình thì chọn giúp việc theo giờ.
“Thủ đoạn người giúp việc trộm tài sản của gia chủ rất nhiều. Có người lợi dụng lúc chủ nhà đi vắng để tìm hiểu nơi có thể cất giữ tiền, vàng.
Có người cố gắng lấy lòng gia chủ, trộm cắp rồi bỏ trốn luôn. Có đối tượng mỗi ngày trộm đi một món nhỏ để chủ nhà không hay biết” - Trung tá Lê nói.
Để phòng ngừa, mỗi gia chủ phải cẩn trọng ngay từ khâu tuyển dụng. “Dù được người quen hay trung tâm giới thiệu thì chủ nhà phải biết người này ở đâu, lai lịch như thế nào thông qua CMND, hộ khẩu.
Tiếp đó, chủ nhà phải ra công an phường đăng ký lưu trú, tạm trú cho người giúp việc dù người ấy chỉ ở lại thử việc một ngày đi nữa. Việc này rất có lợi, vừa để công an dễ quản lý, vừa cảnh cáo người mới nếu có ý đồ xấu.
Với các gia đình có điều kiện nên gắn camera trong nhà, đây là dụng cụ hỗ trợ đắc lực cho công an trong hành trình phá án” - Trung tá Lê nhấn mạnh.
Đáng lo ngại là hiện nay những đối tượng trộm cắp chuyên nghiệp thường sử dụng giấy tờ giả để đi xin việc và chỉ có công an với các biện pháp nghiệp vụ mới phát hiện được.
Một lỗi sơ đẳng của các chủ nhà mà Trung tá Lê chỉ ra là bất cẩn, để tài sản hớ hênh khiến kích động lòng tham của người giúp việc.
“Khâu quản lý nhà nước đối với những công ty chuyên cung cấp dịch vụ giúp việc gia đình cũng cần được siết chặt hơn.
Người tìm việc nên đến những trung tâm đáng tin cậy để được đảm bảo quyền lợi, huấn luyện bài bản. Còn chủ nhà cũng nên tìm đến các trung tâm uy tín để tìm người, tránh rủi ro về sau” - Trung tá Lê nói.
Không loại trừ trộm chuyển thành cướp
Trung tá Lê Minh Lê cảnh báo có người ban đầu chỉ có ý định trộm cắp tài sản nhưng khi đang hành sự bị phát hiện sẽ tìm mọi cách che giấu hành vi. Từ đây, trộm có thể chuyển thành cướp, thậm chí giết người để trốn tội.
Để bảo vệ tài sản và tính mạng của mình và người thân, chủ nhà luôn phải nhớ một điều là khi có bất cứ người lạ nào tới nhà mình ở lại thì đều cần phải đến công an phường đăng ký lưu trú cho người đó.
Đó cũng là một cách đánh tiếng cho họ biết rằng công an đã để mắt đến họ.