Ngày pháp luật

Con trai nhà tư sản Trịnh Văn Bô dự chi 2.000 tỷ mua cổ phần Vinaconex

Theo Bình Nguyên/Zing

Trong hai nhà đầu tư muốn mua lại 21,28% cổ phần Vinaconex từ Viettel có công ty của ông Trịnh Cần Chính, con trai nhà tư sản dân tộc Trịnh Văn Bô.

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa công bố kết quả thẩm định năng lực nhà đầu tư tham gia đấu giá cổ phần Tổng công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) do Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel) sở hữu.

Được biết, Viettel dự kiến thoái toàn bộ hơn 94 triệu cổ phiếu VCG, tương đương 21,28% tổng số cổ phần, đang nắm giữ tại Vinaconex, với mức giá khởi điểm là 21.300 đồng/cổ phần. Với mức giá này, lô cổ phiếu có giá trị hơn 2.000 tỷ đồng.

Hội đồng thẩm định đã “chốt” danh sách các nhà đầu tư đáp ứng đủ điều kiện tham gia đấu giá mua cổ phần Viettel tại Vinaconex theo lô là: Công ty TNHH Bất động sản Cường Vũ và CTCP Tập đoàn phát triển nhà và đô thị Thăng Long Việt Nam.

Một trong những tiêu chí xem xét và đánh giá nhà đầu tư là việc phải chứng minh năng lực tài chính đủ khả năng mua toàn bộ số lượng cổ phần của Viettel. 

Con trai nhà tư sản Trịnh Văn Bô dự chi 2.000 tỷ mua cổ phần Vinaconex - Ảnh 1
Ông Trịnh Cần Chính bên ảnh của cha mẹ mình là nhà tư sản dân tộc Trịnh Văn Bô.

Công ty Cổ phần Tập đoàn phát triển nhà và đô thị Thăng Long Việt Nam có trụ sở tại số 135 đường Trần Phú, phường Văn Quán, quận Hà Đông, Hà Nội. Người đại diện pháp luật là ông Trịnh Cần Chính, ở 34 Hoàng Diệu, Ba Đình, Hà Nội.

Ông Trịnh Cần Chính là con trai của nhà tư sản dân tộc Trịnh Văn Bô - người từng hiến 5.000 lượng vàng cho cách mạng vào năm 1945. Số 34 Hoàng Diệu là biệt thư nơi gia đình ông Trịnh Văn Bô sinh sống. Cái tên Trịnh Cần Chính được Bác Hồ đặt tên theo khẩu hiệu “cần, kiệm, liêm, chính” sau khi biết tin bà Hoàng Thị Minh Hồ (vợ ông Trịnh Văn Bô) vừa sinh con trai ngày 5/5/1949 tại Việt Bắc.

Ông Trịnh Cần Chính có một thời gian ngắn làm việc tại Bộ Tư pháp. Năm 1986, ông về Đại học Luật làm công tác thông tin thư viện đến tận năm 2009. Về hưu, ông bắt đầu tham gia các hoạt động kinh doanh. Đến năm 2014, ông trở thành Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn phát triển nhà và đô thị Thăng Long Việt Nam.

Khoảng hai năm trước, công ty của ông Trịnh Cần Chính đã mua lại dự án Hesco Văn Quán (Hà Đông) và dự án Vĩnh Hưng Dominium 409 Lĩnh Nam từ tay Công ty Cổ phần Tập đoàn Vina Megastar. Tổng vốn đầu tư cho 2 dự án trên, theo ông Trịnh Cần Chính, là khoảng trên 3.000 tỷ đồng.

Nhà đầu tư còn lại tham gia mua cổ phần Vinaconex từ Viettel, công ty TNHH Bất động sản Cường Vũ khá kín tiến. Công ty này có trụ sở tại 64 đường 85, khu phố 1, phường Tân Quy, quận 7, TP.HCM, do ông Vũ Xuân Cường làm người đại diện theo pháp luật.

Doanh nghiệp này được thành lập vào ngày 7/11/2017 với vốn điều lệ trong giấy đăng ký kinh doanh chỉ vỏn vẹn 20 tỷ đồng, con số nhỏ bé so với tổng quy mô tối thiểu của phiên đấu giá.

Ông Vũ Xuân Cường cũng là người đại diện của 2 công ty khác là Công ty TNHH Bất động sản Cường Thanh và Công ty TNHH Bất động sản Lâm Vũ. Cả 3 công ty Cường Vũ, Cường Thanh và Lâm Vũ đều có vốn điều lệ 20 tỷ đồng, được thành lập chỉ cách nhau 1 ngày và có chung ngành, nghề đăng ký kinh doanh chính là “Xây dựng nhà các loại”.

Cơ cấu cổ đông của 3 công ty này bên cạnh sự góp mặt của ông Vũ Xuân Cường cũng ít nhiều mối liên hệ.

Cụ thể, Cường Thanh (được thành lập ngày 9/11/2017) có cùng địa chỉ với Cường Vũ được tham gia góp 50% vốn bởi ông Vũ Xuân Cường và ông Lê Hoàng Thanh (sinh năm 1985) góp 50% vốn còn lại.

Trong khi đó, Lâm Vũ được thành lập ngày 8/11/2017, có địa chỉ trụ sở tại tầng 12, tòa nhà Abacus, 58 Nguyễn Đình Chiểu, phường Đa Kao, quận 1, TP.HCM. Cơ cấu cổ đông của Lâm Vũ được chia đều cho ông Cường, ông Thanh và bà Lâm Thị Thùy Trang (sinh năm 1984).

Tin Cùng Chuyên Mục