Ngày pháp luật

Con đường thành công của "ông hoàng lò vi sóng" Trung Quốc

Hải Đăng

Khởi nghiệp từ lông gà lông vịt, ít ai nghĩ được rằng, Lương Khánh Đức sau này lại trở thành “ông hoàng lò vi sóng” sở hữu thương hiệu Galanz lừng danh, chiếm lĩnh một nửa thị trường toàn cầu. Con đường thành công của ông được dẫn dắt bởi tầm nhìn xa rộng và ý chí kiên định.

Con đường thành công của "ông hoàng lò vi sóng" Trung Quốc - Ảnh 1

Ngày 17/6/2021, tàu vũ trụ Thần Châu 12 mang theo 3 phi hành gia kết nối thành công với mô đun lõi Thiên Hòa, bắt đầu xây dựng trạm vũ trụ đầu tiên có tên Thiên Cung của Trung Quốc, hiện thực hóa tham vọng hiện diện thường trực ngoài không gian của nước này. Trong hành trình đặc biệt này có sự xuất hiện của lò vi sóng vũ trụ Galanz, cho phép các phi hành gia thưởng thức đồ ăn nóng hổi chỉ trong vòng 7 phút. Điều đáng nói, đây cũng là lần ra mắt lò vi sóng hàng không vũ trụ đầu tiên trên thế giới.

Galanz là thương hiệu lò vi sóng và thiết bị gia dụng Trung Quốc nổi tiếng với thị phần lò vi sóng số một thế giới trong nhiều năm liên tiếp. Nhưng ít ai biết rằng, người sáng lập nó, doanh nhân Lương Khánh Đức, lại khởi nghiệp khá muộn với lĩnh vực đầu tiên là… lông gà lông vịt.

Chớp thời cơ khởi nghiệp ở tuổi 41

Lương Khánh Đức sinh ra ở Thuận Đức, Quảng Đông vào năm 1937. Trước khi bắt đầu kinh doanh, ông đã liên tục làm việc trong các hợp tác xã cung ứng và tiếp thị, nhà máy thép, nhà máy in và những nơi khác.

Mùa xuân 1978, Trung Quốc tiến hành công cuộc cải cách mở cửa với quy mô lớn. Nhìn thấy cơ hội, Lương Khánh Đức, lúc này 41 tuổi, đã quyết định bỏ việc và bắt đầu khởi nghiệp.

Lúc đầu, Lương Khánh Đức kinh doanh chổi lông gà. Ông dựng vài căn chòi bên sông, thuê hơn chục công nhân, ngày ngày thu thập lông gà lông vịt của dân làng rồi làm thành chổi lông gà, bán lên thành phố.

Tích lũy được một số vốn, ông thành lập nhà máy lông vũ Quý Châu và bắt đầu xuất khẩu các mặt hàng. Năm 1991, nhà máy lông vũ đổi tên thành “Galanz”, và đến năm 1992, chỉ sau 3 năm thành lập, doanh thu hàng năm của nhà máy đã đạt 25 triệu USD.

Phát hiện cơ hội kinh doanh mới ở tuổi 54

Kể từ sau thập niên 1990, với sự bão hòa dần của thị trường và sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt, lợi nhuận của các sản phẩm lông vũ Galanz ngày càng siết chặt. Trong cơn tuyệt vọng, Lương Khánh Đức, lúc này 54 tuổi, bắt đầu nghĩ cách chuyển đổi nhà máy để tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới.

Trong một lần đến Nhật Bản khảo sát, ông phát hiện lò vi sóng của Nhật rất mới lạ và hữu ích trong các gia đình, giúp đơn giản hóa quá trình nấu nướng cho mọi người. Khi đó, thị trường ở Trung Quốc vẫn bỏ trống lĩnh vực này, ông đánh giá ngành sản xuất lò vi sóng sau này sẽ có tiềm năng rất lớn.

Quyết là làm, tháng 6/1992, Lương Khánh Đức quyết định cắt bỏ hoạt động kinh doanh dệt may lông vũ, dốc toàn lực để thâm nhập thị trường thiết bị gia dụng.

7 năm lên ngôi số 1 thế giới

Lúc đầu, Lương Khánh Đức đã chi 5 triệu USD để nhập khẩu dây chuyền sản xuất lò vi sóng của Toshiba và triển khai thành công vào năm 1993. Tuy nhiên, do thiếu công nghệ và kinh nghiệm nên doanh số bán ra trong năm đầu tiên chỉ đạt 10.000 chiếc, thậm chí còn trở thành trò cười cho cả ngành trong suốt thời gian dài.

Con đường thành công của "ông hoàng lò vi sóng" Trung Quốc - Ảnh 2

Để giải quyết vấn đề kỹ thuật, Lương Khánh Đức đã đến Thượng Hải ba lần và thuyết phục được kỹ sư Lục Vinh Phát và một số chuyên gia khác giúp sức, xây dựng thành một đội ngũ nghiên cứu và phát triển của Galanz

Với sự vào cuộc của một số lượng lớn những kỹ sư ưu tú, các nhược điểm về kỹ thuật của Galanz đã nhanh chóng được xử lý. Galanz lập tức phát triển đúng hướng. Năm 1994, doanh số hàng năm của lò vi sóng Galanz vượt quá 30.000 chiếc. Năm 1995, thị phần lò vi sóng Galanz tại thị trường nội địa đạt 25,1%. Năm 1998, lượng tiêu thụ của lò vi sóng Galanz đứng đầu thế giới, với công suất sản xuất hàng năm là 4,5 triệu chiếc. Năm đó, Liang Qingde 61 tuổi, trong khi Galanz mới 7 tuổi.

Vực dậy

Trong vòng 7 năm phát triển thần tốc, ông chủ Galanz cũng gặp một cú sốc lớn tưởng chừng không thể vượt qua. Năm 1994, một trận lũ thế kỷ quét qua đồng bằng sông Châu Giang, làm ngập nhà máy Galanz, gây tê liệt toàn bộ dây chuyền sản xuất, thiệt hại tổng cộng 3 triệu USD, thậm chí một số phương tiện truyền thông còn đưa tin rằng "Galanz sụp đổ".

Tuy nhiên, Lương Khánh Đức không khuất phục trước khó khăn, ông hành động dứt khoát, trả trước cho nhân viên ba tháng lương để ổn định tinh thần đội ngũ. Động thái này đã khiến các nhân viên rất cảm động, mọi người ai cũng sẵn sàng ở lại và cùng ông vượt qua khó khăn.

Sau lũ, các nhân viên ngay lập tức đi làm và tình nguyện tăng ca, điều khiển máy móc hoạt động 24/24. Đồng thời, lực lượng bán hàng cũng nỗ lực hơn nữa để phát triển thị trường và gia tăng dòng tiền của doanh nghiệp.

Sau những nỗ lực không ngừng, ba tháng sau, Galanz đã hoàn toàn hồi phục, doanh số bán lò vi sóng còn đứng đầu cả nước vào cuối năm.

Độc quyền 50% thị trường toàn cầu

Ngoài công nghệ, một bí quyết thành công lớn khác của Galanz nằm ở giá bán. Khi mới thành lập, để có được mức giá ưu đãi hơn, Galanz đã mời các đối tác trong chuỗi ngành tham gia vào dây chuyền sản xuất để giảm chi phí trung gian, giảm giá thành sản xuất thông qua cải tiến công nghệ liên tục. Về mặt bán hàng, Galanz không ngần ngại từ bỏ lợi nhuận và ký kết hợp tác với các đại gia bán lẻ như Carrefour để hạ giá thiết bị đầu cuối. Chỉ trong vài năm, Galanz đã giảm giá ban đầu của lò vi sóng từ 3.000 nhân dân tệ xuống còn ba chữ số, đó là lý do tại sao nó được gọi là "đồ tể giá" trong ngành.

Con đường thành công của "ông hoàng lò vi sóng" Trung Quốc - Ảnh 3

Với lợi nhuận liên tục sụt giảm, các công ty sản xuất lò vi sóng vừa và nhỏ khó tồn tại, buộc phải chuyển đổi; đối với các hãng sản xuất lò vi sóng lớn khác, để duy trì thị phần, họ phải chạy theo tốc độ của Galanz để hạ giá. Vào thời điểm đó, Galanz, vốn đã nắm được thế chủ động nhất định, đương nhiên sẽ dễ dàng triển khai thị trường hơn và tiếp tục ăn mòn thị trường nhờ lợi thế về giá cả và chất lượng.

Ngày nay, Galanz đã trở thành thương hiệu số 1 trong ngành, đã thành lập các tổ chức kinh doanh tại hơn 10 quốc gia và khu vực, đồng thời các sản phẩm của công ty được bán tại hơn 200 quốc gia và khu vực trên thế giới. Theo dữ liệu do Aoweiyun.com công bố, từ tháng 1 đến tháng 10/2021, bất chấp COVID-19, trên thị trường lò vi sóng đơn năng để bàn, doanh số của Galanz chiếm 57% và doanh số chiếm 59,67%; trong khi ở thị trường lò nướng điện đơn năng để bàn , Galanz cũng đứng đầu tại Trung Quốc với doanh số 34,03%.

Trường tồn

Lương Khánh Đức cho rằng so với làm một doanh nghiệp nằm trong danh sách Fortune 500, chi bằng trở thành một doanh nghiệp có tuổi đời 500 tuổi. Để hiện thực hóa tầm nhìn này, ông tham gia vào cả hai hình thức kinh doanh OEM (sản xuất thiết bị gốc) và tự sở hữu thương hiệu.

Sau khi khẳng định vị trí thống lĩnh trên thị trường lò vi sóng, Galanz bắt đầu chuyển mình trở lại, thoát khỏi sự đơn lẻ của các sản phẩm và nhanh chóng chuyển đổi thành nhà cung cấp giải pháp trọn gói cho cuộc sống thông minh. Hiện tại, Galanz đã tung ra thị trường nhiều loại chip IoT và cài đặt chúng trong các sản phẩm của mình, tạo ra một bước tiến xa hơn trên thị trường thiết bị gia dụng thông minh.

"Làm kinh doanh vĩnh viễn không có cái kết. Khi một vấn đề được giải quyết, vấn đề mới sẽ tiếp tục xuất hiện, chỉ khi bạn chịu suy nghĩ về vấn đề mỗi ngày để cải thiện thì doanh nghiệp mới có thể đạt được sự tiến bộ liên tục”, ông cho biết.

Tin Cùng Chuyên Mục