Từ "công thần" trở thành "người thừa" trong công ty
Mới đây, TS Nguyễn Quốc Toàn - Chủ tịch kiêm CEO EQuest - đã chia sẻ câu chuyện về "nỗi khổ đau và cay đắng" lớn nhất của ông trên cương vị lãnh đạo khi chứng kiến cộng sự, nhân viên lâu năm tụt hậu và trở thành người thừa trong lúc công ty liên tục phát triển. Ông gọi đó là người đã đã cống hiến “cả tuổi thanh xuân” của mình cho công ty để rồi trở thành vật cản hoặc thậm chí thành kẻ phá hoại công ty để rồi phải chia tay nhau trong đau khổ tột cùng.
"Tôi từng có một cô nhân viên vô cùng thân thiết. Bạn làm với chúng tôi từ những ngày đầu mở công ty. Hồi đó, chúng tôi cùng nhau trải qua bao cay đắng, thăng trầm mà chưa một lần hái quả ngọt".
Thời gian đầu, ông Toàn miêu tả người nhân viên đó làm việc rất hiệu quả, khôn khéo và được lòng mọi người. Tuy nhiên, nhược điểm lớn là lười học hỏi kiến thức mới.
"Bao nhiêu năm trôi qua, bạn vẫn chỉ sống với kiến thức vốn có của mình. Công ty càng ngày càng phát triển, bạn không quản lý được thêm ai. Bạn chỉ làm những việc bạn đã từng làm".
Dần dần, từ vị trí không thể thiếu, người nhân viên mà ông Toàn đề cập tới đã trở thành người thừa trong công ty, mất đi sự tôn trọng và nể phục của đồng nghiệp, đặc biệt với những nhân sự mới.
Câu chuyện dẫn tới kết cục không có hậu cho cả hai bên. Người nhân viên đã nhân danh công ty để kinh doanh trái pháp luật, làm ảnh hưởng tới uy tín, hình ảnh của công ty. Hành vi vi phạm pháp luật đã được báo cáo lên cơ quan chức năng nên HĐQT quyết định sa thải nhân viên này.
Mất đi một nhân viên tốt khiến ông Nguyễn Quốc Toàn nhận ra tầm quan trọng của việc đào tạo nhân sự. Chính bởi những cái "tặc lưỡi" mặc kệ, bỏ qua sai sót trong nghiệp vụ và nguyên tắc công việc đã khiến một nhân viên giỏi tụt hậu dần, rồi phạm sai lầm đáng tiếc.
Từ kinh nghiệm trên, ông Toàn kể rằng mình đã và đang kiên quyết sa thải những nhân viên không chịu học hỏi dù được tạo điều kiện. Theo ông, đây là cách để họ thức tỉnh và thay đổi bản thân, thoát khỏi tư duy "an phận".
"Ngu hoá" nhân viên: Cái tội lớn nhất của người lãnh đạo
Khi không chịu trau dồi, học hỏi, đồng nghĩa với việc nhân viên sẽ chỉ dừng lại ở một mức trình độ nhất định. Dần dần, theo ông Nguyễn Quốc Toàn, nhóm này sẽ đi vào hai con đường:
Thứ nhất, trở thành các "thây ma di động", sống vật vờ ở công ty. Nhũng người này đã không còn động lực phấn đấu, sống với tư cách một "công thần" thủ cựu, vô hình chung làm hủy hoại động lực của những nhân sự máu lửa.
Thứ hai, do không thể xử lý công việc bằng năng lực nên sẽ lạm dụng thủ đoạn, mánh khoé. Biểu hiện nằm ở việc nói xấu, kèn cựa, nịnh nọt lãnh đạo nhưng "đì" nhân viên cấp dưới để họ không lên được hơn mình.
"Tội lớn nhất của lãnh đạo là ngu hoá những người đi theo mình. Và đừng bao giờ dung túng cho sự hời hợt và tầm thường của chính mình và các cộng sự", ông Toàn đúc kết.
Để làm được điều này, lãnh đạo cần phải đưa ra các chính sách cứng rắn, bắt buộc các nhân viên phải học tập, phải trau đổi kiến thức, thậm chí coi đây như một tiêu chí "cứng" để được xét lương, thưởng. Từ cấp thấp cho tới cấp cao, lãnh đạo cần biết khơi gợi khả năng tự học và sự kỷ luật để học tập liên tục, tiến tới những trải nghiệm và kỹ năng mới.