Chiều ngày 2/8, Chánh văn phòng UBND TP.HCM Võ Văn Hoan chủ trì buổi họp báo về tình hình kinh tế xã hội tháng 7. Tại buổi họp, phóng viên đã đưa ra nhiều câu hỏi liên quan tới các vấn đề nóng như: đất đai, giáo dục, giao thông, tình hình ngập nước… Tuy nhiên, thông tin được nhiều phóng viên quan tâm nhất là tình hình kiểm tra và xử lý đối với công ty cổ phần Con Cưng.
ĐÃ TẠM GIỮ HƠN 100 NGÀN SẢN PHẨM CÓ DẤU HIỆU VI PHẠM
Ông Nguyễn Văn Bách – Phó chi cục trưởng, chi cục QLTT Sở Công thương cho biết: Sau khi có thông tin phản ánh trên báo chí, Chi Cục đã có công văn chỉ đạo các đội quản lý thị trường rà soát, lên danh sách các điểm kinh doanh thương hiệu Con Cưng từ đó đánh giá tình hình và tiến hành kiểm tra xử lý.
Ngày 22/7, chi cục QLTT đã phối hợp với tổ công tác của Bộ Công thương tiến hành kiểm tra 3 cửa hàng Con Cưng tại TP.HCM. Ban đầu cơ quan chức năng đã ghi nhận nhiều vi phạm về nhãn mác đối với các mặt hàng như quần áo, giày dép, mỹ phẩm...
Từ ngày 23/7 – 27/7, Đoàn công tác tiếp tục kiểm tra 88 chi nhánh của cửa hàng Con Cưng, tạm giữ 119.813 sản phẩm.
Để làm rõ ràng hơn vụ việc, ngày 30/7 Bộ Công thương đã ra quyết định và cử tổ công tác của Bộ đến kiểm tra trụ sở công ty Con Cưng, tại địa chỉ đường Nguyễn Văn Linh quận 7. Qua kiểm tra phát hiện một số các dấu hiệu vi phạm như: Ghi nhãn hàng hóa chưa đúng các quy định của pháp luật, công ty chưa xuất trình đầu đủ các hóa đơn chứng từ có liên quan đến hàng hóa.
Ông Nguyễn Văn Bách cho biết: Tổ công tác hiện đang tiếp tục đối chiếu để xác định nguồn gốc hàng hóa cũng như hóa đơn chứng từ để chứng minh tính hợp pháp của toàn bộ hàng hóa. Đồng thời, xác minh, làm rõ tính hợp pháp của việc ghi nhãn không đủ các nội dung theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, tổ công tác cũng nghe công ty giải trình để xác định vi phạm gì và vi phạm ở mức độ nào.
Đối với các đơn vị sản xuất cung cấp cho công ty Con Cưng, Phó chi cục QLTT cho biết: Hiện 70% hàng hóa của Con Cưng là sản xuất trong nước, khi kiểm tra trên khâu lưu thông phát hiện có vi phạm sẽ kiểm tra cơ sở sản xuất. Hiện Tổ công tác, đang rà soát sản phẩm nào vi phạm để xác định các đơn vị cung ứng cho Con Cưng để xác minh kiểm tra làm rõ.
“CƠ QUAN CHỨC NĂNG NHIỀU KHI CÒN CHỜ VÀO BÁO CHÍ, MẠNG XÃ HỘI”
Liên quan đến vấn đề hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng được bày bán tràn lan ở TP.HCM, đại diện Sở Công thương cho biết: QLTT đã tổ chức kiểm tra nhiều đợt và tạm giữ, thu giữ, tịch thu tiêu hủy rất nhiều sản phẩm. “Tuy nhiên việc chống hàng giả khó khăn lâu dài, bênh cạnh đó người dân phải quan tâm đến việc chống hàng giả. Nhiều người sính ngoại, biết đó là hàng giả nhưng vẫn mua, nếu chúng ta không mua thì cũng sẽ không có người bán” ông Bách nhấn mạnh.
Ông Võ Văn Hoan, Chánh văn phòng UBND TP.HCM chủ trì buổi họp đánh giá: Việc mua bán hàng gian, hàng giả, không phải chỉ ảnh hưởng đến kinh doanh trong nước, ảnh hưởng đến niềm tin của người tiêu dùng mà còn làm mất đi uy thế của đất nước.
Võ Văn Hoan – Chánh văn phòng UBND TP. (Ảnh: Hoàng Giang)
Chánh văn phòng UBND phân tích: Ngoài tâm lý thích hàng ngoại giá rẻ như Cục phó cục quản lý thị trường phát biểu thì còn nguyên nhân không nhỏ là do quản lý chưa tốt. “Dưới góc độ quản lý cấp nhà nước thì phải thừa nhận là chúng ta quản lý chưa tốt, nếu chúng ta quản lý tốt thì tâm lý , hành vi của người dân cũng có điều chỉnh. Việc chưa quản lý tốt thể hiện ở 3 điểm: Một là không quản lý tận gốc, từ chỗ nhập ngoại vào còn đang buông lỏng, thường đi tiểu ngạch, đi vượt qua biên giới mang vác… Thứ 2, hiện nay luật pháp chưa mạnh, chưa đủ sức răn đe. Ví dụ, các biện pháp xử phạt như: rút giấy phép đăng ký kinh doanh hoặc ngưng hoạt động chưa được làm đến nơi đến chốn. Thứ 3 quan trọng nhất, đội ngũ công tác quản lý thị trường, chưa đủ lực và chưa đủ mạnh mẽ”, ông Hoan phát biểu.
Tình trạng chung hiện nay, trên địa bàn có những trung tâm chuyên tiêu thụ hàng giả nhưng chưa được quan tâm kiểm tra. Một số thương hiệu, cửa hàng doanh nghiệp nổi lên rất nhanh nhưng chưa được giám sát. Khách hàng phát hiện, báo chí phản ánh, thông tin trên Facebook cơ quan chức năng mới vào cuộc. “Ví dụ: Vụ Khải Silk trước đây, đối với những doanh nghiệp lớn kinh doanh mà mình cảm thấy có vấn đề thì chúng ta nên có biện pháp chủ động kiểm tra. Nếu chúng ta làm sớm thì có khi doanh nghiệp người ta biết tự chấn chỉnh, để họ không lún sâu vào kinh doanh hàng gian, hàng giả, lừa dối người tiêu dùng”. Ông Hoan phân tích.
Chánh Văn phòng UBND TP, kết luận: Thành phố cũng tự nhận thấy rằng, phải tăng cường thêm công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực này, cùng lúc tăng cường đấu tranh phòng chống hàng gian, hàng giả, buôn lậu gian lận thương mại. Đồng thời điểm mặt một số trường hợp lớn để xử lý nghiêm.