Ngày pháp luật

Cổ phiếu VLA của Chủ tịch công ty dạy “mua BĐS khi không có đồng nào” bất ngờ tăng từ 10.000 đồng lên tới 60.000 đồng trong vài tháng

Hà Linh

Trong bối cảnh nhiều vụ thao túng giá cổ phiếu được phanh phui thời gian qua, những mã cổ phiếu tăng mạnh chỉ trong thời gian ngắn lại đang khiến giới đầu tư cẩn trọng xem xét. Mã VLA đã tăng từ gần 10.000 đồng/cp lên tới 60.000 đồng/cp chỉ trong vài tháng.

Trải qua hơn 2 tháng chỉ số chứng khoán tại thị trường liên tục chìm trong sắc đỏ thì một số mã cổ phiếu vẫn còn giữ được sắc xanh trong thời điểm này có thể coi là “hàng hiếm”.

Tuy nhiên, gây bất ngờ hơn cả là mã cổ phiếu VLA của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Công nghệ Văn Lang. Trước đây thị giá của cổ phiếu này chỉ quanh quẩn ở mức 2.000 - 6.000 đồng/cổ phiếu trong suốt 10 năm kể từ khi lên sàn nhưng đến nay đã bất ngờ tăng trần liên tục. Chỉ trong nửa năm đã tăng giá tới hơn 60.000 đồng/cp.

Việc một mã cổ phiếu từng được xếp vào hàng Penny nay bỗng tăng mạnh gấp nhiều lần không khỏi khiến giới đầu tư hoài nghi, nhất là khi có khá nhiều vụ “làm giá” cổ phiếu được phanh phui trong thời gian vừa qua.

Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Công nghệ Văn Lang được thành lập từ tháng 11 năm 2007, là một đơn vị thuộc Nhà xuất bản Giáo dục với số vốn điều lệ ban đầu là 3 tỷ đồng. Đến năm 2009, vốn điều lệ công ty được tăng lên 10,8 tỷ đồng và hiện tại đã được tăng lên 20 tỷ đồng.

Lĩnh vực kinh doanh chính được nêu trên trang web của công ty là Phát triển và Ứng dụng công nghệ thông tin tại tập đoàn Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, cung cấp dịch vụ tư vấn thiết kế website, bảo trì hệ thống mạng máy tính, dịch vụ hội nghị trực tuyến. Ghi nhận số lượng nhân sự trên báo cáo tài chính năm 2021 của công ty này chỉ gồm 8 nhân viên.

Đại diện pháp luật trên đăng ký kinh doanh của của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Công nghệ Văn Lang gồm có: Ông Nguyễn Hữu Thuận – Phó chủ tịch kiêm Giám đốc (nắm giữ 10% cổ phần), Ông Nguyễn Thành Tiến – Chủ tịch HĐQT (nắm giữ 9,08% cổ phần). Cơ cấu cổ đông của công ty gồm cổ đông cá nhân chiếm 86% cổ phần, cổ đông tổ chức chiếm 14% cổ phần.

Ông Nguyễn Thành Tiến – Chủ tịch HĐQT của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Công nghệ Văn Lang. Nguồn: Internet
Ông Nguyễn Thành Tiến – Chủ tịch HĐQT của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Công nghệ Văn Lang. Nguồn: Internet

Trong cơ cấu cổ đông của VLA, có thể dễ dàng nhận ra ông Nguyễn Thành Tiến (SN 1986), một kỹ sư chuyên ngành xây dựng, từng được biết đến như một “diễn giả” trong các khóa học dậy đầu tư Bất động sản với các tiêu đề shock được quảng cáo như “Phương pháp phòng tránh rủi ro đầu tư 4.0” hay “mua nhà hoặc mua đất khi không có đồng nào”.

Dù bắt đầu được lên sàn HNX từ năm 2011 nhưng trong suốt 10 năm hoạt động vừa qua, mã cổ phiếu VLA chỉ dao động trong khoảng giá từ 2.000 – 6.000 đồng/cp. Thời điểm giá cao nhất ghi nhận cũng chỉ đạt 10.000 đồng/cp vào năm 2018. Tuy nhiên, chỉ trong vòng nửa năm từ cuối năm 2021 trở lại đây, mã cổ phiếu này đã liên tục tăng từ 10.000 đồng lên tới hơn 60.000 đồng/cp.

Điều đáng chú ý hơn cả đó là khối lượng mỗi giao dịch của cổ phiếu này không hề nhiều, chỉ vài trăm cho tới hơn 1.000 cổ phiếu mỗi phiên nhưng đều luôn được khớp lệnh với giá cao.

Ghi nhận kết quả kinh doanh trong thời gian này của VLA cho thấy doanh thu Quý I đạt gần 15,3 tỷ đồng, tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước chỉ đạt 250 triệu đồng. Tuy nhiên, giá vốn hàng bán cũng bị đội lên gấp gần 13 lần, từ 900 triệu đồng trong Quý I – 2021 lên 11,6 tỷ đồng trong Quý I – 2022. Ghi nhận lợi nhuận sau thuế của VLA đạt 5,3 tỷ đồng, tăng mạnh so với cùng kỳ là khoản lỗ 2,7 tỷ đồng.

Cổ phiếu VLA của Chủ tịch công ty dạy “mua BĐS khi không có đồng nào” bất ngờ tăng từ 10.000 đồng lên tới 60.000 đồng trong vài tháng - Ảnh 1

Tổng tài sản của công ty cũng có sự biến động mạnh kể từ Qúy IV 2021 khi tăng từ 12,5 tỷ đồng lên 25,2 tỷ đồng, tiếp tục tăng lên 38,2 tỷ đồng trong Quý I năm nay. Trong đó, vốn chủ sở hữu tăng từ 12 tỷ đồng lên mức 25,5 tỷ đồng, nợ ngắn hạn tăng từ 450 triệu đồng lên 12,7 tỷ đồng chỉ trong 2 quý vừa qua.

Giải trình về con số tăng trưởng doanh thu quá nhanh, công ty cho biết doanh thu tăng 15 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương mức tăng gấp 60 lần là do doanh thu đến từ hoạt động đào tạo online. Phần doanh thu này chiếm tới 98% tổng doanh thu của công ty. Ngoài ra, công ty cũng ghi nhận khoản lãi 4,1 tỷ đồng trong Quý I năm 2022 nhờ các khoản đầu tư chứng khoán.

Trong thời gian vừa qua, dư luận xã hội liên tiếp nóng lên vì những vụ làm giá, thao túng giá cổ phiếu điển hình nhất là vụ bắt giữ ông Trịnh Văn Quyết, chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC, hay ông Đỗ Thành Nhân – Chủ tịch Louis Holdings. Những vụ việc trên đã gây hoang mang không nhỏ khiến giới đầu tư phải liên tục cảnh giác và xem xét thật cẩn thận với những mã cổ phiếu có biên độ tăng quá mạnh, thậm chí gấp nhiều lần chỉ trong thời gian ngắn.

Tin Cùng Chuyên Mục