Cổ phiếu SIP với giá mục tiêu 130.000 đồng/cổ phiếu
Chia sẻ về việc niêm yết cổ phiếu trên HOSE, ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT chia sẻ: “Sau khi trở thành thành viên của HOSE, Công ty sẽ chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của HOSE, cố gắng trở thành thành viên tốt, cũng như mong tiếp tục nhận được sự ủng hộ của HOSE trong thời gian tới”.
Trước đó, tại Hội thảo kết nối doanh nghiệp trước thềm chuyển sàn từ UPCoM sang HOSE, ông Lư Thanh Nhã, Tổng giám đốc Công ty chia sẻ: “Công ty không có kế hoạch huy động vốn trong 1 đến 3 năm tới. Trong đó, ngay sau khi niêm yết trên sàn HOSE, Công ty sẽ chốt danh sách thưởng cổ phiếu với tỷ lệ 1:1 để tăng vốn điều lệ công ty”.
Điểm đáng lưu ý, Ban lãnh đạo Đầu tư Sài Gòn VRG muốn tìm kiếm các cổ đông gắn bó lâu dài với Công ty. Trong đó, Công ty cam kết giữ vững hiệu quả kinh doanh ổn định để nhà đầu tư an tâm đầu tư.
Trước đó, ngày 6/6/2019, CTCP Đầu tư Sài Gòn VRG lần đầu tiên đưa cổ phiếu giao dịch trên thị trường UPCOM với mã chứng khoán SIP với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 17.200 đồng/cổ phiếu. Sau một vài phiên đóng cửa ở giá tham chiếu, cổ phiếu SIP bất ngờ tăng mạnh với chuỗi tăng trần, ghi nhận gấp 6 lần giá chào sàn sau 3 tháng.
Thời gian gần đây, với tác động tích cực của thông tin chuyển sàn, cổ phiếu SIP tăng khá mạnh. Trong 2 tháng vừa qua, mã đã tăng hơn 40%, từ vùng giá 81.000 đồng lên gần 115.000 đồng; giá trị vốn hóa thị trường tương ứng gần 10.000 tỷ đồng. SIP đang là một trong các cổ phiếu bất động sản có thị giá đắt đỏ nhất trên sàn hiện nay.
Trước đó, Chứng khoán Agriseco đã khuyến nghị khả quan với cổ phiếu SIP với giá mục tiêu 130.000 đồng/cổ phiếu. Agriseco nhận định cổ phiếu hiện đang được định giá ở mức hấp dẫn với P/B ở mức xấp xỉ 2,8x lần, thấp hơn so với bình quân 5 năm trong quá khứ. Đồng thời, SIP trả cổ tức tiền mặt đều đặn 30 - 45%. Do đó, khuyến nghị mua cổ phiếu SIP với nâng giá mục tiêu trong vòng 1 năm tới 130.000 đồng/cổ phần (ngược 22% so với giá hiện tại). Tuy nhiên cũng cần lưu ý rủi ro tiến độ chuyển sang HoSE chậm và tiến độ cho thuê đất chậm.
Kế hoạch tăng gấp đôi vốn điều lệ
Theo tìm hiểu, CTCP Đầu tư Sài Gòn VRG có địa chỉ tại Lô TT2-1, đường D4, KCN Đông Nam, xã Hoà Phú, huyện Củ Chi, TP. HCM. Hiện tại, Công ty hoạt động trong lĩnh vực đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp và khu dân cư phục vụ khu công nghiệp.
CTCP Đầu tư Sài Gòn VRG được thành lập năm 2007 bởi nhóm cổ đông sáng lập gồm Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, CTCP Cao su Phước Hoà (mã PHR), CTCP Đầu tư Xây dựng Cao su và các cá nhân khác.
Tuy nhiên, tính tới cuối năm 2022, Công ty có 4 cổ đông lớn gồm CTCP Đầu tư và Phát triển đô thị An Lộc sở hữu 19,93% vốn điều lệ; ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT sở hữu 10,27% vốn điều lệ; CTCP Khu công nghiệp Nam Tân Uyên (mã NTC) sở hữu 9,06% vốn điều lệ; ông Lư Thanh Nhã, Tổng giám đốc sở hữu 7,52% vốn điều lệ và còn lại 53,22% thuộc về nhóm cổ đông khác.
Trong đó, tổng diện tích các khu công nghiệp là 5.000 ha, có hơn 200 công ty hoạt động trong các khu công nghiệp. Trong đó, có hơn 4 khu công nghiệp và đã thu hút được hơn 8 tỷ USD vốn đầu tư.
Trong năm 2023, Đầu tư Sài Gòn VRG đặt kế hoạch kinh doanh với tổng doanh thu 5.312,5 tỷ đồng, bằng 88% so với thực hiện trong năm 2022 và lợi nhuận sau thuế dự kiến 755,15 tỷ đồng, bằng 75% so với cùng kỳ năm trước.
Kế hoạch trên được ban lãnh đạo công ty đưa ra dựa trên nhận định về nguy cơ chậm phục hồi kinh tế và xấu hơn là suy thoái kinh tế sẽ ảnh hưởng đáng kế đến hoạt động kinh doanh dịch vụ hạ tầng điện nước, xử lý nước thải của công ty.
Về tình hình kinh doanh, kết thúc quý 1/2023, SIP ghi nhận doanh thu thần đạt 1.394 tỷ đồng, giảm 6% so với cùng kỳ. Sau khi trừ chi phí, doanh nghiệp này lãi ròng hơn 179 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ và hoàn thành 24% kế hoạch cả năm. Theo giải trình, doanh thu giảm cộng thêm phát sinh khoản chi phí lỗ từ hoạt động thoái vốn tại công ty con và chi phí lãi vay tăng tới 219% khiến lợi nhuận quý 1 giảm.
Tổng tài sản của SIP tính tới 31/3/2023 ghi nhận 19.760 tỷ đồng, tăng 4% so với đầu năm; tiền và các khoản tương đương tiền tăng 73,6% lên 763,5 tỷ đồng; đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn giảm 22,5% xuống 2.824 tỷ đồng; phải thu ngắn hạn khác tăng 73% lên 2.750 tỷ đồng.Nợ phải trả tăng 15,6% lên gần 2.130 tỷ đồng; vay nợ ngắn hạn tăng 45% lên hơn 1.000 tỷ đồng; vay nợ dài hạn giảm 19% xuống 1,2 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu tăng 5% lên 3.844 tỷ đồng.