Cổ phiếu Rạng Đông Holding (RDP) lao dốc khi vào diện kiểm soát trước biến động thượng tầng

Trung Hiếu

Sau thông tin cổ phiếu vào diện kiểm soát, RDP cho biết Công ty và đơn vị kiểm toán không chốt được báo cáo kiểm toán đúng thời hạn theo quy định pháp luật, trong khi giá cổ phiếu đã lao dốc.

Cổ phiếu Rạng Đông Holding (RDP) liên tục lao dốc
Cổ phiếu Rạng Đông Holding (RDP) liên tục lao dốc

Cổ phiếu vào diện kiểm soát, Rạng Đông Holding nói gì?

CTCP Rạng Đông Holding (mã ck: RDP) mới nhận được quyết định số 562/QĐ-SGDHCM ngày 01/10/2024 của HOSE về việc chuyển cổ phiếu RDP từ diện cảnh báo sang diện kiểm soát kể từ ngày 08/10/2024. Lý do là RDP chậm công bố thông tin BCTC soát xét bán niên năm 2024 quá 30 ngày so với thời hạn quy định.

Mới đây, trong văn bản giải trình, Rạng Đông Holding cho biết, Công ty và tổ chức kiểm toán là Công ty TNHH Kiểm toán Nhân Tâm Việt không chốt được báo cáo kiểm toán đúng thời hạn theo quy định pháp luật. RDP cam kết tập trung hoàn thành BCTC soát xét bán niên năm 2024 và công bố trong thời gian sớm nhất có thể.

Đồng thời, Công ty cam kết định kỳ hàng quý (tính theo năm dương lịch) giải trình, báo cáo tình hình khắc phục tình trạng chứng khoán bị kiểm soát và công bố thông tin theo đúng quy định.

Theo BCTC tự lập, quý II/2024, doanh thu của RDP chỉ đạt 247 tỷ đồng, giảm 68% so với cùng kỳ. Kết quả, RDP lỗ sau thuế 62 tỷ đồng (cùng kỳ lãi ròng 6 tỷ đồng), cũng là quý lỗ nặng nhất 15 năm qua của Công ty. Tính chung nửa đầu năm, RDP đạt 753 tỷ đồng doanh thu, giảm 45% so với cùng kỳ và lỗ sau thuế 65 tỷ đồng (cùng kỳ lãi 11 tỷ đồng), nâng lỗ lũy kế lên 266 tỷ đồng.

Năm 2024, kế hoạch kinh doanh của Công ty là đạt 2.722,2 tỷ đồng doanh thu và lãi sau thuế 23 tỷ đồng. Như vậy, tính đến cuối quý II, Công ty còn cách xa mục tiêu lợi nhuận năm.

Trên thị trường chứng khoán, sau khi nhận được thông tin cổ phiếu rơi vào diện bị kiểm soát, giá cổ phiếu RDP mất gần 11% giá trị từ ngày 01/10. Đóng cửa phiên giao dịch sáng 9/10, cổ phiếu RDP giảm 4,02%, xuống chỉ còn 2.180 đồng/CP.

Chủ tịch bị bán giải chấp cổ phiếu, Tổng giám đốc từ chức

Công ty CP Rạng Đông Holding nổi tiếng với thương hiệu Nhựa Rạng Đông, mới đây cũng vừa có văn bản báo cáo đến Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) về việc thay đổi nhân sự cấp cao.

Cụ thể, HĐQT của Rạng Đông Holding đã miễn nhiệm chức Tổng Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật của công ty đối với ông Hà Thanh Thiên kể từ ngày 5/8. Trước đó, ông Thiên đã có đơn từ nhiệm và cho biết không thể tiếp tục đảm nhiệm vị trí này vì lý do gia đình.

Thay ông Hà Thanh Thiên là ông Huỳnh Kim Ngân, người chưa từng giữ chức vụ nào tại Rạng Đông Holding và hiện không sở hữu cổ phiếu RDP.

Được biết, ông Ngân đang là Giám đốc của Công ty Luật TNHH Doanh nhân Việt Nam và Công ty TNHH Thương mại Hưng Đại Sanh.

Trong bối cảnh công ty kinh doanh thua lỗ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Rạng Đông Holding liên tục bán và bị bán giải chấp cổ phiếu.

Cụ thể, ông Hồ Đức Lam, Chủ tịch Hội đồng quản trị bị bán giải chấp hơn 1,17 triệu cổ phiếu RDP (tương ứng 2,39% vốn điều lệ) trong ngày 1/8/2024, giảm sở hữu từ 4,1 triệu cổ phiếu (8,48%) xuống 2,9 triệu cổ phiếu (6,09%).

Lũy kế kể từ đầu năm 2024, ông Lam liên tục bán và bị bán giải chấp (riêng bán giải chấp là 16 lần) với khối lượng 19 triệu cổ phiếu RDP, khiến tỷ lệ sở hữu giảm từ 45% vốn điều lệ xuống hơn 6%. Giai đoạn này, cổ phiếu RDP rớt từ vùng giá 9.000 đồng/cp xuống 2.500 đồng/cp.

Trước đó, kể từ đầu năm 2024, Rạng Đông Holding có hai lần thay kế toán trưởng, một lần thay người đại diện pháp luật.

Ngoài ra, cuối tháng 5/2024, Công ty bị Cục Thuế TP.HCM xử phạt hành chính gần 66 triệu đồng; đồng thời phạt lỗi chậm nộp và truy thu gần 340 triệu đồng tiền thuế, do doanh nghiệp khai sai thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2022.

Trong tháng 7/2024, Hội đồng quản trị Rạng Đông Holding ra quyết định tạm ngừng hoạt động của 2 chi nhánh trong vòng 1 năm.

Rạng Đông Holding tiền thân là Công ty Nhựa Rạng Đông, là một doanh nghiệp nhà nước đã được cổ phần hóa vào năm 2005. Khi cổ phần hóa, vốn điều lệ ban đầu của công ty là 90 tỷ đồng, với cổ đông nhà nước nắm giữ 51% vốn. Công ty chính thức niêm yết trên sàn HoSE vào ngày 22/9/2009 với 11,5 triệu cổ phiếu, giá đóng cửa phiên giao dịch đầu tiên là 18.000 đồng/cổ phiếu.

Đến năm 2014, cổ đông nhà nước đã thoái hết vốn và công ty hoàn toàn thuộc về các cổ đông tư nhân. Đến năm 2019, Nhựa Rạng Đông đổi tên thành Rạng Đông Holding, nhằm phản ánh sự mở rộng sang nhiều lĩnh vực khác ngoài nhựa.

Mặc dù doanh thu của công ty trong giai đoạn từ 2020 đến 2023 duy trì ổn định quanh mức 2.700 tỷ đồng mỗi năm, nhưng lợi nhuận lại có sự biến động lớn. Năm 2023, công ty báo lỗ 146,7 tỷ đồng, mức lỗ lớn nhất kể từ khi niêm yết.

Nguyên nhân chính dẫn đến khoản lỗ này là vụ kiện kéo dài với cổ đông chiến lược Sojitz Planet Corporation (Sojitz), một đối tác ngoại quốc. Vụ kiện này liên quan đến việc Rạng Đông Holding vi phạm các điều khoản sau khi chuyển nhượng cổ phần cho Sojitz.

Kết quả là tòa án phán quyết Rạng Đông Holding phải hoàn trả cho Sojitz gần 157 tỷ đồng, cộng với lãi suất 10% mỗi năm và các chi phí liên quan. Điều này đã làm tăng đáng kể chi phí dự phòng và gây thiệt hại lớn cho lợi nhuận năm 2023.

Sang nửa đầu năm 2024, tình hình kinh doanh của Rạng Đông Holding vẫn tiếp tục ảm đạm. Tại thời điểm cuối tháng 6/2024, tổng vốn chủ sở hữu của Rạng Đông Holding giảm 18,7% so với đầu năm, chỉ còn 279,3 tỷ đồng. Trong khi đó, nợ phải trả của công ty vẫn duy trì ở mức cao, đạt 1.716 tỷ đồng, trong đó nợ vay tài chính chiếm 1.323 tỷ đồng. Điều này cho thấy công ty đang gặp khó khăn trong việc quản lý nợ và cân đối nguồn vốn.

Tin Cùng Chuyên Mục