Thị trường chứng khoán Việt Nam khép lại tuần giao dịch vừa qua với hiện tượng bật lại khá mạnh ở nhóm cổ phiếu ngân hàng. Một phiên chưa nói được điều gì, nhưng có là tia sáng lóe lên để kỳ vọng nhóm cổ phiếu này tìm lại dần niềm tin sau khi liên tục tìm đáy?
Đà lao dốc cổ phiếu ngân hàng nằm trong diễn biến chung của thị trường, nhưng có tốc độ giảm nổi bật hơn gần đây. Song song, nhiều thông tin bi quan một cách chưa đầy đủ về triển vọng hoạt động của ngành.
Mỗi nhà mỗi cảnh
Nổi bật trong phiên "lóe sáng" trên, cổ phiếu HDB của Ngân hàng Phát triển Tp.HCM (HDBank) và VPB của Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) kịch trần ngay trong buổi sáng giao dịch.
Đó cũng là hai mã có tốc độ giảm rất mạnh trong nhóm cổ phiếu ngân hàng thời gian gần đây, cũng như liên tục tạo đáy mới trong lịch sử niêm yết của mình.
Trước thềm phiên này, cả HDB và VPB cùng đón thông tin loạt cổ đông nội bộ và lãnh đạo ngân hàng đăng ký mua vào. Trong đó, VPBank "có truyền thống" gần đây cổ đông lớn thường có mặt mỗi khi giá cổ phiếu đứt gãy lớn, và lần này quy mô đăng ký mua vào lên tới 21 triệu cổ phiếu.
Cùng với VPBank và HDBank, một số lãnh đạo Ngân hàng Kỹ thương (Techcombank, mã TCB) cũng vừa đăng ký mua vào cổ phiếu ngân hàng mình, sau diễn biến giá giảm sâu.
Điểm chung, cả ba ngân hàng trên đều mới niêm yết, giá cổ phiếu cùng giảm mạnh bất chấp hoạt động kinh doanh tiến triển khả quan. Cả ba ngân hàng này đều là những thành viên ở nhóm dẫn đầu về tăng trưởng lợi nhuận, về hiệu quả kinh doanh tốt nhất xét theo các chỉ số cơ bản, trong năm 2017 và 9 tháng 2018.
Nhìn chung, phần lớn cổ phiếu các ngân hàng niêm yết cũng đều giảm mạnh khoảng một tháng qua, và gần như không có một gượng lại đáng kể nào ngoại trừ trường hợp BID của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV).
BIDV cũng chính là điển hình cho sự phân hóa nhóm cổ phiếu ngân hàng hiện nay. Mỗi nhà mỗi cảnh, mỗi cổ phiếu gắn với mỗi câu chuyện riêng.
Như cách nói đại chúng của nhà đầu tư, BID có "game" bán vốn cho KEB Hana Bank, với những chuyển động mới gần đây. Sâu xa hơn, nếu bán thành công, BIDV sẽ tăng được vốn với triển vọng thu được thặng dư lớn, qua đó hóa giải cho thế kẹt tăng trưởng hoạt động hiện nay, để chuyển mình cho giai đoạn mới.
Cũng là câu chuyện riêng, TCB của Techcombank sau chia tách lớn được kỳ vọng sẽ tạo chuyển biến về thanh khoản. Thế nhưng, đến nay, quy mô giao dịch tại TCB vẫn không nhiều thay đổi, giá vẫn nhiều nhịp thử đáy dù đây đang là nhà băng có lợi nhuận 9 tháng ấn tượng nhất ngành, xét theo các cân đối cơ bản.
Hay trường hợp VCB của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank). Nhà băng đang sở hữu vị trí số 1 của ngành về lợi nhuận theo con số tuyệt đối, kỷ lục lợi nhuận năm nay dự báo tiếp tục tạo cấp độ mới và cao hơn, nhưng VCB lại là trường hợp ngược dòng giảm giá trong phiên "lóe sáng" chung của cổ phiếu ngành cuối tuần qua, cũng như đang thử đáy trung hạn.
Câu chuyện riêng của VCB nằm ở tình huống: liệu kế hoạch bán vốn cho nhà đầu tư nước ngoài đang ở những bước gần kề, giá cổ phiếu cần một vùng hấp dẫn và tham chiếu thuận lợi cho mức độ chào bán thành công?
Hay trường hợp của HDB của HDBank, giá cổ phiếu rơi mạnh chỉ từ đầu tháng 11 liệu có gắn với đích sáp nhập PG Bank đến gần, cùng lợi ích hoán đổi cho cổ đông hiện hữu có là một vấn đề liên quan, trong khi khối lượng bán ra mạnh hẳn lên theo chiều giá giảm?
Mỗi cổ phiếu ngân hàng hiện đều gắn với mỗi câu chuyện riêng như vậy.
Còn triển vọng chung của ngành thì sao? Triển vọng này là cấu phần quan trọng định hình kỳ vọng của nhà đầu tư, góp phần định hình giá cổ phiếu. Nó cũng gợi mở khả năng "cổ phiếu vua" một thời có tìm lại được niềm tin thời gian tới hay không.
Phản ứng thái quá với nợ xấu?
Sau quan ngại tăng trưởng tín dụng bị siết lại, mùa báo cáo tài chính quý 3/2018 nổi lên xu hướng nợ xấu tăng. Một lần nữa sau giai đoạn 2011 - 2015, gánh nặng ám ảnh triển vọng phát triển ngành có vẻ trở lại.
Giá cổ phiếu phản ánh tương lai. Nợ xấu lại nổi lên và đây có thể là một trong những quan ngại đối với nhà đầu tư, trong diễn biến suy giảm mạnh của giá cổ phiếu ngân hàng vừa qua.
Đặc thù hoạt động ngân hàng, cho vay luôn đồng hành với nợ xấu, luôn tiềm ẩn rủi ro tín dụng. Vấn đề còn lại là vì sao nợ xấu tăng lên, họ kiểm soát và xử lý thế nào.
Nhìn trực diện, xu hướng trên có thể gây hoảng hốt. Nhưng ở góc nhìn khác, đó là chuyển động có phần tích cực.
Một là, đến thời điểm này, các ngân hàng thương mại nói chung đã đủ sức để đối diện với mức độ thực của nợ xấu. Hai là, họ nợ xấu tăng lên nhưng không gây chao đảo hoạt động như trước, thậm chí lợi nhuận vẫn tăng trưởng cao.
Bởi có những nguyên do đã mềm hóa, giảm thiểu tác động của nợ xấu những năm qua. Nói cách khác, bản chất của nợ xấu hiện nay đã khác.
Ngày 23/4/2012, ngay sau khi nợ xấu được nhận diện một cách đầy đủ với mức độ hai con số, Ngân hàng Nhà nước ban hành Quyết định 780 có hiệu lực tức thì: cho phép các tổ chức tín dụng được điều chỉnh kỳ hạn và gia hạn nợ mà không phải chuyển nhóm.
Cơ chế trên sau đó được chuyển tiếp trong Thông tư 09 năm 2014, các nhà băng tiếp tục được thực hiện.
Đến nay vẫn còn "ẩn số" lớn: từng có thời điểm ghi nhận tới 300.000 tỷ đồng nợ thuộc diện cơ cấu trên, qua thời gian, qua chuyển tiếp chính sách, hiện không rõ bao nhiêu được hồi sinh, mức độ gia hạn bao lâu, điều chỉnh kỳ hạn kéo dài như thế nào để lần lượt đáo hạn và chính thức ghi nhận nợ xấu, dồn lại đến nay.
Có điểm đáng chú ý. Giai đoạn chuyển tiếp chính sách trên, giới hạn tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn bất ngờ được nới rất rộng, từ 30% lên tới 60% vào cuối 2014. Vậy, có hay không và có bao nhiêu khoản lẽ ra là nợ xấu được cơ cấu, gia hạn thành nợ trung dài hạn, để rồi đến nay lần lượt nhận về và phản ánh ở xu hướng tăng lên.
Thêm nữa, đã qua kỳ hạn 5 năm đối với những khoản nợ xấu đầu tiên bán sang Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), chúng đáo hạn, những khoản vẫn không xử lý được và các ngân hàng phải nhận về, ghi nhận chính thức trên sổ sách.
Cùng hướng đó, một loạt ngân hàng đã đủ sức chủ động mua lại toàn bộ nợ xấu đã bán cho VAMC. Nợ xấu tăng lên cũng một phần tự sự chủ động này.
Ở khía cạnh tích cực, nợ xấu đã và đang ghi nhận đúng thực chất hơn trên sổ sách các nhà băng qua các phần đáo hạn và nhận về nói trên, nhưng phần lớn thành viên vẫn kiểm soát được tỷ lệ dưới 3%, thậm chí chỉ quanh 1%... Tỷ lệ này đã xác thực hơn trước rất nhiều.
Nhìn trực diện về con số tuyệt đối, quy mô nợ xấu tại BIDV, VietinBank, Vietcombank… có thể gây hoảng hốt, nhưng đây lại là những nơi tỷ lệ kiểm soát ở mức thấp, chỉ khoảng 1,4 - 1,7% và thực chất hơn trước. Con số tuyệt đối lớn do quy mô tổng dư nợ lớn và thị phần lớn.
Điểm tích cực nữa là, nợ xấu nhận về và tăng lên, nhưng hệ thống đã chủ động cân đối được, qua trích lập dự phòng thể hiện trên báo cáo tài chính, thay vì trước đây không đủ sức mà phải gửi đi hoặc cơ cấu lại.
Do đã chủ động trích lập dự phòng, nợ xấu không có nghĩa là bị mất hẳn đi. Ngân hàng có triển vọng xử lý thu hồi và hạch toán vào lợi nhuận. Như tại Vietcombank những năm gần đây đều đặn thu về mỗi năm trên dưới 2.000 tỷ từ nợ xấu, hay ở Techcombank 9 tháng đầu năm nay lợi nhuận cũng có phần lên tới 817 tỷ thu từ nợ đã xóa…
Và còn một điểm từng gây tranh cãi những năm trước: cơ chế "phòng đau mắt đỏ" trong nợ xấu. Nó từng được diễn giải, một người bị đau mắt đỏ, cả nhà phải nhỏ thuốc phòng. Cơ chế mới quy định một doanh nghiệp có khoản nợ xấu thì tất cả các khoản vay của họ, tại bất cứ ngân hàng nào cũng phải chuyển thành nợ xấu.
Cơ chế trên đáng chú ý hiện nay, gộp một bộ phận khoản vay không trực tiếp là nợ xấu thành nợ xấu. Và cũng không loại trừ cả tình huống, doanh nghiệp sau khi được cơ cấu nợ, bán sang VAMC, các khoản vay mới đang tốt nhưng do khoản vay cũ sau cơ cấu đến đáo hạn vẫn chưa được xử lý khiến những khoản vay mới cũng thành nợ xấu.
Đặc điểm đó dễ loang ra trong hệ thống, khi mà nhiều doanh nghiệp vẫn thường có những khoản vay tại các ngân hàng khác nhau, gối đầu các khoản vay cũ lẫn mới, theo đặc điểm sản xuất kinh doanh có những dự án khác nhau, thuộc những phân khúc khác nhau.