Doanh thu lao dốc, nợ nần mà không thể huy động vốn từ cổ đông
Vneco hoạt động trong lĩnh vực kỹ thuật, xây lắp, cung cấp thiết bị trọn gói, chuyển giao công nghệ và đầu tư các dự án về nguồn điện, hệ thống lưới điện cho ngành điện, công nghiệp và hạ tầng. Doanh nghiệp cổ phần hóa 2005 và đưa cổ phiếu lên niêm yết HoSE vào 2007.
Là doanh nghiệp đầu ngành xây lắp điện, Vneco được các công ty chứng khoán đánh giá cao triển vọng trong thời gian tới khi nhu cầu xây dựng mới và sửa chữa đường dây cao thế và trạm biến áp của Việt Nam tăng mạnh.
Đặc biệt là sau khi Quy hoạch điện 8 được phê duyệt, nhu cầu đầu tư nâng cấp hạ tầng lưới điện rơi vào khoảng 11% tổng nhu cầu vốn của ngành điện giai đoạn 2021 – 2030, tương đương 1,48 tỷ USD mỗi năm; 7% giai đoạn 2031 – 20250, tương đương 1,74 tỷ USD mỗi năm.Dự án đường dây 500 kV mạch 3 kéo dài (Quảng Trạch – Phố Nối) với tổng đầu tư 23.000 tỷ đồng đang được cơ quan quản lý thúc đẩy dự kiến triển khai các tháng cuối năm 2023 và hoàn thành trong tháng 6/2024. Chứng khoán MBS đánh giá VNE là một trong những doanh nghiệp hưởng lợi khi dự án này được triển khai, đảm nhận khâu thi công.
Dù vậy, kết quả kinh doanh nửa đầu năm của Vneco giảm mạnh. Doanh thu giảm 64% xuống 475 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu hoạt động xây lắp điện giảm 79%, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ giảm 30%. Do vậy, lãi ròng giảm phân nửa xuống 3,2 tỷ đồng.
Công ty lý giải một số công trình còn tiếp tục vướng các thủ tục đền bù giải phóng mặt bằng thi công, tiền thanh toán từ các chủ đầu tư về chậm ảnh hưởng đến việc chậm giải ngân thanh toán vốn cho nhà thầu, nhà cung cấp vật tư, thiết bị… Vì vậy, công ty đã không đẩy nhanh được tiến độ thi công các công trình để nghiệm thu kịp thời với các chủ đầu tư, doanh thu giảm mạnh.
Doanh nghiệp có đầu tư các dự án bất động sản như dự án Phú Mỹ Thượng, dự án Vneco.DC tại 64, 66 Hoàng Văn Thái, TP Đà Nẵng; dự án các căn nhà tại Nguyễn Đình Chính, Nguyễn Thị Minh Khai, TP.HCM. Tuy nhiên, do chính sách thắt chặt tín dụng, các dự án bất động sản của Vneco chỉ dừng ở mức hoàn thiện thủ tục, không mở bán sản phẩm.
Dự án điện gió Thuận Thiên Phong gồm 8 tuabin mới COD 5/8 tuabin, doanh thu năm 2022 đạt 88 tỷ đồng, đảm bảo chi trả lãi và các chi phí phát sinh.Về tình hình tài chính, tổng công ty có khoản nợ vay hơn 1.700 tỷ đồng, tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu 1,7 lần. Do vậy, chi phí lãi vay là chi phí lớn nhất ngốn gần hết lợi nhuận của doanh nghiệp với 70 tỷ đồng, tăng 33% so với nửa đầu năm 2022.
Trong năm 2022, doanh nghiệp có kế hoạch chào bán cổ phiếu cho cổ đông tăng vốn để giảm bớt áp lực nợ. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT cho biết đã trình hồ sơ tăng vốn và phát hành cổ phiếu thưởng lên UBCK, nhưng do vướng vụ án bà Hứa Thị Phấn mà Vneco là bên có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan nên chưa thực hiện được.
Cụ thể, tổng công ty có phát sinh hợp đồng hợp tác đầu tư với bà Ngô Kim Huệ từ 2007 nhưng việc hợp tác không thành công. Đến năm 2010, bà Huệ đã trả lại tổng công ty số tiền 400 tỷ đồng, bao gồm 310 tỷ gốc và 90 tỷ lãi vay. Tuy nhiên, trong 400 tỷ đồng bà Huệ chuyển trả công ty thì có 200 tỷ liên quan đến vụ án bà Hứu Thị Phấn. Bản án yêu cầu công ty trả 200 tỷ đồng cho Ngân hàng Xây dựng Việt Nam. Đến ngày 8/2/2022, Cục thi hành án dân sự Thành phố Đà Nẵng đã ban hành quyết định hoãn thi hành án đối với Vneco.
Được biết, bà Hứa Thị Phấn, cựu cố vấn cấp cao HĐQT Ngân hàng Đại Tín (TrustBank) đã qua đời từ đầu năm 2023 sau khi bị toà án các cấp tuyên buộc thi hành bản án 30 năm tù và bồi thường hơn 18.000 tỷ đồng.
Chủ tịch HĐQT Vneco chia sẻ trong bối cảnh nợ vay nhiều, chi phí lãi vay tăng cao, quá trình thu hồi vốn chậm, tổng công ty tiến hành tái cấu trúc lại hoặc khai thác tài sản để không, đàm phán hợp tác với đốc tác nước ngoài để tìm nguồn vốn rẻ. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cân nhắc và nghiên cứu phát hành cổ phiếu riêng lẻ bổ sung vốn hoạt động.
Cổ đông lớn thoái vốn, lãnh đạo bị bán giải chấp liền có nữ đại gia mua vào
Mới đây, nhà đầu tư La Mỹ Phượng thông báo đã mua 4,3 triệu cổ phiếu VNE của Tổng công ty cổ phần Xây dựng điện Việt Nam (Vneco, HoSE: VNE) vào ngày 23/10. Qua đó, khối lượng sở hữu nâng lên 9,5 triệu đơn vị, tương ứng tỷ lệ 11,63% vốn.
Đồng thời, ông Smit Cheancharadpong (Thái Lan) thông báo đã bán ra đúng lượng cổ phiếu trên vào ngày 23/10 và không còn là cổ đông của Vneco.Phiên ngày 23/10 ghi nhận cổ phiếu VNE có giao dịch thỏa thuận khối lượng 4,32 triệu đơn vị, trị giá 32,2 tỷ đồng. Mã chứng khoán VNE đã có 13 phiên giảm giá liên tiếp từ vùng 11.600 đồng/cp xuống 6.040 đồng/cp với 7 phiên giảm sàn liên tiếp. Điều này khiến 2 lãnh đạo của doanh nghiệp bị bán giải chấp cổ phiếu.
Ngày 25/10, ông Nguyễn Anh Tuấn – Chủ tịch HĐQT bị bán giải chấp 1,4 triệu cổ phiếu và ngày 24/10 bị bán 33.000 cổ phiếu. Qua đó, khối lượng cổ phiếu ông Tuấn nắm giữ giảm từ 3,8 triệu đơn vị (4,69%) xuống 2,4 triệu đơn vị (2,94%).
Không chỉ bị bán thụ động, lãnh đạo này cũng đã đăng ký bán ra thêm 409.010 cổ phiếu để tái cấu trúc khoản đầu tư từ ngày 30/10 đến 17/10. Nếu giao dịch thành công, ông Tuấn sẽ giảm sở hữu xuống 2 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 2,44%.
Cùng với đó, CTCP Malblue – tổ chức liên quan đến Chủ tịch HĐQT đã và đang liên tục bán ra hàng triệu cổ phiếu VNE. Cụ thể, Malblue đã bán 4,6 triệu cổ phiếu VNE từ 13/9 đến 3/10. Doanh nghiệp đăng ký bán tiếp 3,6 triệu cổ phiếu từ 12/10 đến 9/11. Nếu giao dịch thành công, Malblue sẽ giảm sở hữu từ 11,1 triệu đơn vị xuống 2,9 triệu đơn vị, tỷ lệ 12,28% vốn xuống 3,2% vốn. Mục tiêu là để tái cấu trúc khoản đầu tư.
Vào ngày 17/10, ông Trần Quang Cần, Phó Chủ tịch HĐQT cũng bị công ty chứng khoán bán giải chấp 391.500 cổ phiếu. Sau giao dịch, ông Cần còn sở hữu 6,7 triệu cổ phiếu, chiếm 8,19% vốn.
Ngoài ra, ông Trần Văn Huy, Phó Tổng giám đốc cũng vừa bán ra 100.000 cổ phiếu từ ngày 19/9 đến 13/10 để giải quyết nhu cầu tài chính cá nhân. Sau giao dịch, ông Huy còn sở hữu 4.500 cổ phiếu VNE.
Như vậy, còn lượng lớn cổ phiếu VNE từ các cổ đông lớn và người nội bộ bán ra chưa xác định được danh tính cổ đông mới thay thế.
Quay trở lại nữ đại gia mới "thâu tóm" lượng lớn cổ phiếu VNE - bà La Mỹ Phượng là Tổng giám đốc của Công ty 4 Oranges Co., Ltd – công ty sơn trang trí hàng đầu tại thị trường Việt Nam và là một trong nhà sản xuất sơn lớn nhất Đông Nam Á. Doanh nghiệp có nhiều thương hiệu sơn lớn khác như SONBOSS, SPEC, OEXPO, EXPO và MYKOLOR.Công ty 4 Oranges Co., Ltd được giới thiệu là doanh nghiệp có vốn nước ngoài, đầu tư vào thị trường Việt Nam từ 2004 với nhà máy sản xuất tại khu công nghiệp Đức Hòa 1 Hạnh Phúc, thuộc huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, Việt Nam.
La Mỹ Phượng không phải là cái tên xa lạ trên thị trường chứng khoán. Giai đoạn 2020 – 2021, nhà đầu tư này nổi tiếng với phong cách đầu tư “mua là thành cổ đông lớn” của loạt doanh nghiệp có cổ phiếu trà đá như Chứng khoán BOS (ART), Năng lượng và Bất động sản MCG (UPCoM: MCG), Chứng khoán SBS (UPCoM: SBS), Chứng khoán Đầu tư Tài chính Việt Nam (HNX: VIG). Cho đến nay, bà Phượng vẫn là cổ đông lớn của các doanh nghiệp trên.