Ngành xây dựng đang trải qua giai đoạn đầy khó khăn dưới áp lực kép từ dịch Covid-19 và sự leo thang của giá vật liệu xây dựng (VLXD). Tiêu cực được phản ánh rõ trên kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành trong đó Công ty cổ phần Coteccons (mã CK: CTD) cũng không ngoại lệ, thậm chí mức độ ảnh hưởng có phần nặng nề hơn.
Lợi nhuận tụt dốc kéo theo cổ phiếu CTD trên thị trường cũng liên tục chìm sâu. Từ trung tuần tháng 3 đến nay, cổ phiếu này gần như chỉ giảm qua đó trôi dần về vùng đáy 1 năm. Cùng với sự đi xuống về mặt thị giá, thanh khoản của CTD cũng dần “teo tóp” và chưa có dấu hiệu thu hút dòng tiền trở lại.
Hiện CTD đang giao dịch quanh mức 55.000 đồng/cổ phiếu, giảm gần 35% so với đỉnh từ đầu năm và đã đánh mất toàn bộ thành quả của đợt sóng bắt đầu cuối tháng 10/2020, thời điểm Kusto chính thức nắm quyền tại Coteccons.
Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021 diễn ra mới đây, ban lãnh đạo Coteccons đã có những đối đáp toàn bộ vấn đề liên quan đến xung đột, nghi vấn "thâu tóm"… cũng như công bố các kế hoạch kinh doanh tham vọng trong tương lai. Dù vậy, nhà đầu tư dường như đã không còn “mặn mà” với cổ phiếu này.
Còn điều gì đáng lo ngại hơn sự leo thang giá vật liệu xây dựng?
Thị trường vật liệu xây dựng thời gian qua chứng kiến nhiều “cơn sốt” giá, gây ảnh hưởng nặng nề lên các nhà thầu. Đặc biệt, giá thép thậm chí còn tăng không thấy đỉnh do lo ngại thiếu hụt nguồn cung trong khi nhu cầu thế giới tăng cao cho mục tiêu phục hồi kinh tế sau đại dịch. Thép hiện chiếm tỷ trọng lớn với khoảng 20% đầu vào của các công trình.
Trước nguy cơ vỡ trận, Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) cũng đã có văn bản kiến nghị Văn phòng Chính phủ sớm chỉ đạo các bộ, ngành liên quan kiểm tra triệt để nguyên nhân khiến giá thép tăng đột biến. Tuy nhiên với quan hệ cung cầu như hiện tại, rất khó để giá thép có thể hạ nhiệt trong ngắn hạn.
Điều đáng nói là ban lãnh đạo Coteccons có vẻ không mấy bận tâm đến vấn đề này. Phát biểu tại ĐHĐCĐ thường niên 2021, ông Micheal Trần cho biết “chắc chắn có ảnh hưởng về giá nhưng không phải mối lo ngại quan trọng nhất”. Vậy điều gì mới thực sự đáng lo ngại nhất với Coteccons lúc này khi giá nguyên vật liện đang ăn mòn đáng kể lợi nhuận của doanh nghiệp?
Quý 1/2021, Coteccons ghi nhận doanh thu giảm 28% so với cùng kỳ, xuống còn 2.563 tỷ đồng. Giá vốn không giảm tương ứng khiến biên lãi gộp bị co lại còn 4,67% tương đương lợi nhuận gộp giảm 38% còn 120 tỷ đồng.
Sau khi trừ các chi phí, Coteccons lãi ròng gần 55 tỷ đồng, giảm 55% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là mức lợi nhuận thấp nhất nhà thầu xây dựng này từng ghi nhận trong một quý kể từ khi thành lập.
Năm 2021, Coteccons đặt mục tiêu doanh thu đạt 17.413 tỷ đồng, tăng 20% so với thực hiện năm 2020. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất dự kiến tăng nhẹ 2% lên mức 340 tỷ đồng. Như vậy sau 3 tháng đầu năm, Coteccons đã lần lượt thực hiện được 15% kế hoạch doanh thu và 16% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.