Thị trường chứng khoán Việt Nam những ngày đầu năm 2025 chứng kiến sự hồi phục đáng kể, và nhóm cổ phiếu cảng biển là một trong những điểm sáng. Trong đó, SGP của Cảng Sài Gòn nổi lên như một "hiện tượng" khi liên tục tăng giá mạnh.
Cụ thể, phiên giao dịch ngày 5/2/2025, thị trường chứng khoán đã có một phiên giao dịch "xanh" trên cả 3 sàn. Các chỉ số VN-Index, HNX-Index và UPCOM-Index đều tăng. Đáng chú ý, nhóm cổ phiếu ngành cảng biển đã có một phiên giao dịch "thăng hoa" và là động lực giúp UPCOM-Index tăng điểm. Trong đó, các mã cổ phiếu ngành này đã tăng đáng kể, đơn cử như TOS của CTCP Dịch vụ biển Tân Cảng tăng kịch trần 15%, MVN của VIMC tăng 9,1%, PHP của Cảng Hải Phòng tăng 7,5% và SGP của CTCP Cảng Sài Gòn tăng 7,1%. Từ mức giá 26.300 đồng/cổ phiếu (giữa tháng 1/2025), SGP đã "leo" một mạch lên gần 38.000 đồng/cổ phiếu, với nhiều phiên tăng điểm ấn tượng.
Báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2024 ghi nhận doanh thu thuần của Cảng Sài Gòn đạt 292 tỷ đồng, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, do giá vốn hàng bán tăng, lợi nhuận gộp không có sự thay đổi, giữ nguyên ở mức hơn 93 tỷ đồng. Hệ quả là lợi nhuận sau thuế của SGP giảm tới 35,3%, chỉ còn 44,6 tỷ đồng.
Nếu xét cả năm 2024, bức tranh kinh doanh của Cảng Sài Gòn có phần "lệch pha" hơn. Doanh thu thuần đạt 1.106 tỷ đồng, tăng 17,4% so với năm 2023. Thế nhưng, lợi nhuận sau thuế lại giảm tới 42%, chỉ còn 172,3 tỷ đồng. Đáng chú ý, kết quả kinh doanh hợp nhất có sự khác biệt lớn so với kết quả của riêng công ty mẹ. Năm 2024, công ty mẹ Cảng Sài Gòn ghi nhận doanh thu 971 tỷ đồng (tăng 13,6%) và lợi nhuận sau thuế 265,56 tỷ đồng (giảm 15%).
Cơ cấu tài sản và nguồn vốn của Cảng Sài Gòn tại ngày 31/12/2024 ghi nhận tổng tài sản đạt 5.719,8 tỷ đồng, tăng 6,6% so với đầu năm, với sự gia tăng đáng kể ở các khoản tiền và tương đương tiền (tăng 30,6%, đạt 510 tỷ đồng), đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (tăng 38,89%, đạt 350,1 tỷ đồng) và phải thu về cho vay ngắn hạn (tăng 216,6%, lên 202 tỷ đồng). Tài sản dài hạn vẫn chiếm tỷ trọng lớn, bao gồm các khoản phải thu dài hạn (756 tỷ đồng), tài sản cố định (1.719 tỷ đồng) và đầu tư tài chính dài hạn (1.306 tỷ đồng). Về phía nguồn vốn, tổng nợ phải trả của Cảng Sài Gòn là 2.829 tỷ đồng (tăng hơn 12% so với đầu năm), trong đó, khoản phải trả ngắn hạn khác chiếm 403 tỷ đồng và phải trả dài hạn khác lên tới 1.781 tỷ đồng.