Sự giống nhau về bản chất
Theo luật Tổ chức tín dụng hiện nay (năm 2010 và sửa đổi năm 2017), hoạt động ngân hàng được định nghĩa là việc kinh doanh, cung ứng thường xuyên một hoặc một số nghiệp vụ như: nhận tiền gửi, cấp tín dụng, cung ứng dịch vụ thanh toán qua tài khoản. Trong đó, cấp tín dụng bao gồm các nghiệp vụ như: cho vay, chiết khấu, cho thuê tài chính…
Với nghiệp vụ cho vay, có thể thực hiện thông qua các hình thức như cho vay tín chấp, cho vay thế chấp, cho vay cầm cố, cho vay khác…
Như vậy, xét về mặt bản chất, hoạt động cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính, công ty cầm đồ hiện nay cũng không khác gì hoạt động ngân hàng ở các hoạt động cho vay tín dụng, cầm cố. Chỉ có sự khác biệt phân khúc khách hàng dưới chuẩn, những người không đủ điều kiện tiếp cận với nguồn vốn ngân hàng do các yêu cầu khắt khe để hạn chế rủi ro.
Trong đó, do có sự phù hợp với nhu cầu của thị trường, mảng cho vay cầm cố đang phát triển mạnh hơn cả với hoạt động của các công ty, cửa hàng cầm đồ. Nhìn vào các hoạt động cho vay cầm cố tài sản ấy, dù không phải là các tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật, nhưng các công ty, cửa hàng cầm đồ cũng đang tổ chức hoạt động ngân hàng theo như các quy định của luật.
Nghị định 96/2016/NĐ-CP cũng nêu rõ, cầm đồ là kinh doanh dịch vụ cho vay tiền, mà người vay tiền phải có tài sản hợp pháp mang đến cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ để cầm cố. Như vậy cũng không khác mấy khi lý giải về hoạt động ngân hàng với việc cho vay cầm cố.
Nói về vấn đề này, PGS.TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả cho rằng, hoạt động cho vay của ngân hàng thì có tiêu chí chặt chẽ hơn, còn hoạt động cầm đồ thì các quy định lại tương đối dễ chịu, thoải mái nhưng đổi lại đó là người vay phải chịu lãi suất cao.
“Hoạt động này cũng thực hiện chức năng, vai trò của ngân hàng. Đặc biệt là hiện nay với khách hàng khó khăn, không đáp ứng được tiêu chuẩn của ngân hàng lại có nhu cầu rất lớn. Hoạt động cầm đồ mở ra phân khúc này lại đáp ứng được cho phân khúc mà ngân hàng không đáp ứng được, như vay nóng, vay ngắn, vay gấp…”, PGS.TS Ngô Trí Long phân tích.
Ngoài ra, ông Long cũng cho rằng, việc dễ vay với lãi suất cao thì hoạt động này cũng có rủi ro rất lớn ở khả năng thanh toán, mức độ chi trả của người vay cầm đồ. Bởi lẽ, nhiều người còn không tính đến khả năng trả nợ, chỉ vay lấy được và kết quả là phải chịu mất tài sản.
Những nút thắt về pháp lý
Như đã nói trên, cho vay cầm đồ thực chất là cho vay tiền có bảo đảm bằng tài sản cầm cố, là một hình thức cấp tín dụng có bản chất giống với hoạt động ngân hàng. Theo Luật Tổ chức tín dụng, đây là một hành vi chưa được cho phép, nhưng các luật chung về kinh doanh và các luật khác liên quan lại không cấm hoạt động cầm đồ.
Cụ thể, theo Luật Doanh nghiệp năm 1999, Luật Doanh nghiệp năm 2005, Luật Doanh nghiệp năm 2014 đều nêu rõ, các doanh nghiệp có quyền kinh doanh các ngành, nghề mà pháp luật không cấm. Luật Đầu tư năm 2005 không cấm hoạt động kinh doanh cầm đồ và không quy định hoạt động cầm đồ là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện. Nhưng Luật Đầu tư 2014 hiện hành quy định hoạt động cầm đồ là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện nhưng không quy định rõ điều kiện gì.
Đến khi Nghị định 96/2016/NĐ-CP được ban hành, hướng dẫn thực hiện Luật Doanh nghiệp năm 2014 và Luật Đầu tư năm 2014 đã quy định cầm đồ là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh, trât tự. Vì vậy, hoạt động kinh doanh cầm đồ cũng đã có các quy định, điều kiện đảm bảo hợp động theo pháp luật.
Như vậy, hoạt động cầm đồ vẫn chỉ còn có nút thắt liên quan đến luật Tổ chức tín dụng và nút thắt này cũng liên tục được nhắc tới trong các buổi hội thảo liên quan đến tài chính tiêu dùng. Nhiều ý kiến cho rằng, để khắc phục chỉ bằng một trong hai kịch bản, hoặc lựa chọn kịch bản khai tử dịch vụ cầm đồ hoặc lựa chọn sửa đổi điểm 2, điều 8 của Luật Tổ chức tín dụng cho phù hợp.
Tuy nhiên, với sự phát triển của thị trường, hoạt động cung cấp khoản vay thông qua cầm cố tài sản đang đáp ứng được một nhu cầu rất lớn của phân khúc dưới chuẩn. Hơn nữa, với sự phát triển của các công ty cầm đồ kiểu mới với vốn đầu tư nước ngoài, hoạt động cho vay cầm đồ cũng đang hướng tới sự minh bạch, công khai trong kinh doanh.
Nêu quan điểm về vấn đề này, luật sư Nguyễn Trinh Đức – Công ty IPIC cũng cho rằng điểm khác biệt nhất giữa các công ty cầm đồ kiểu mới so với các cửa hàng cầm đồ truyền thống là sự minh bạch, công khai trong hoạt động kinh doanh và sự chuyên nghiệp trong cung cách phục vụ khách hàng.
Các công ty cầm đồ kiểu mới hướng tới việc phát triển theo mô hình hệ thống chuỗi và luôn mong muốn được hoạt động công khai để tăng độ nhận diện thương hiệu, do đó, sẽ rất khó có trường hợp một cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ được khai trương mà cơ quan nhà nước quản lý không nắm được thông tin.
Bên cạnh đó, các công ty này cũng rất công khai, minh bạch và tuân thủ quy định pháp luật trong các vấn đề liên quan đến biểu lãi phí, hợp đồng, hồ sơ với khách hàng. Đặc biệt, sổ sách kế toán, hóa đơn chứng từ sẽ phải lập và quản lý một cách rõ ràng, từ đó giúp cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện quản lý dễ dàng hơn, hạn chế tình trạng trốn thuế làm thất thu ngân sách Nhà nước.
“Trong khi đó, một số đối tượng có thể lợi dụng hình thức cửa hàng cầm đồ truyền thống để hoạt động chui lủi ngoài tầm kiểm soát của các cơ quan nhà nước, núp bóng “tín dụng đen”, nhập nhằng trong vấn đề lãi, phí. Ngoài ra, việc kê khai về các giao dịch cho vay cầm cố phát sinh tại một số cửa hàng truyền thống đôi khi không được thực hiện một cách trung thực, cố tình khai báo gian dối nhằm mục đích trốn thuế”, luật sư Đức cho biết.
Bên cạnh đó, ông Đức cũng cho rằng, với các công ty cầm đồ kiểu mới, nhân viên được đào tạo bài bản hơn. Các công ty này cũng có hệ thống chăm sóc khách hàng nhằm giải đáp các thắc mắc và giải quyết các phản ánh, khiếu nại của khách hàng một cách kịp thời, giúp khách hàng cảm thấy được tôn trọng và thực sự hài lòng khi sử dụng dịch vụ tại các công ty này.