Ngày pháp luật

"Có lẽ Việt Nam không muốn hóa rồng" - Ông Đỗ Cao Bảo chia sẻ ý kiến về việc tăng giờ làm thêm

Giang Phạm (Tổng hợp)

Cùng nghe chia sẻ của ông Đỗ Cao Bảo về đề xuất tăng giờ làm thêm từ 300 lên 400 giờ/năm.

Vài ngày gần đây, vấn đề giảm thời giờ làm việc bình thường và tăng khung giờ làm thêm trở thành tâm điểm của các tranh luận trên nghị trường khi Quốc hội thảo luận về dự thảo bộ luật Lao động sửa đổi.

Một trong những vấn đề được tranh luận nhiều nhất là đề xuất giảm thời giờ làm việc bình thường xuống 44 giờ/tuần thay vì 48 giờ/tuần như hiện nay. Và vấn đề tăng giờ làm thêm tối đa lên 400 giờ/năm thay vì 300 giờ cũng nhận được những ý kiến tranh luận sôi nổi tại nghị trường.

"Có lẽ Việt Nam không muốn hóa rồng" - Ông Đỗ Cao Bảo chia sẻ ý kiến về việc tăng giờ làm thêm - Ảnh 1

Tăng giờ làm thêm từ 300 lên 400 giờ/năm - liệu có nên?

Chia sẻ về vấn đề này, có người ủng hộ, có người lại phản đối. Rất nhiều ý kiến được đưa ra, như Bí thư TPHCM - Nguyễn Thiện Nhân có nói: để tăng năng suất thì phải đầu tư công nghệ, máy móc và hướng tới giảm giờ làm chứ không phải ngược lại, nới khung thời gian làm thêm lên 400 giờ/năm. Nếu duy trì mức làm thêm tối đa 300 giờ/năm như hiện nay, ông Nhân tính toán, có nghĩa là trung bình người lao động phải làm thêm 6 giờ mỗi tuần, tức mỗi ngày phải làm thêm 1 tiếng, duy trì liên tục 9 giờ làm việc mỗi ngày cả 12 tháng. Câu hỏi đặt ra là, nếu tăng số giờ làm lên như vậy thực tế người lao động có vui vẻ, có đủ sức khỏe để tự nguyện làm thêm không?

Cũng về chủ đề này, ông Đỗ Cao Bảo - Phó Giám đốc Tập đoàn FPT đã chia sẻ nhận định của mình trên trang FB cá nhân. 

"Có lẽ Việt Nam không muốn hóa rồng" - Ông Đỗ Cao Bảo chia sẻ ý kiến về việc tăng giờ làm thêm - Ảnh 2

Ảnh chụp màn hình chia sẻ của Phó Tổng giám đốc FPT Đỗ Cao Bảo

Nguyên văn chia sẻ của ông Đỗ Cao Bảo:

CÓ LẼ VIỆT NAM KHÔNG MUỐN HOÁ RỒNG

Quốc hội đang thảo luận có nên nâng số giờ làm thêm tối đa từ 200 giờ lên 300 giờ một năm hay không.

Quan sát các cuộc tranh luận trên nghị trường, trên báo chí và trên mạng xã hội, tôi có cảm tưởng rằng có lẽ Việt Nam chúng ta không muốn hoá rồng và không thể hoá rồng, có lẽ Việt Nam chúng ta sẽ không thể trở thành quốc gia giàu có.

Hãy xem người Nhật Bản, người Singapore, người Hàn Quốc, người Đài Loan, những quốc gia châu Á giàu có nhất, những quốc gia châu Á đi từ đói nghèo lên giàu có và văn minh, những con rồng châu Á họ đang lao động và làm việc thế nào?

Nhật Bản, là cường quốc kinh tế số 3 thế giới, đã vươn lên vượt nhiều quốc gia Âu Mỹ từ 30-40 năm nay, hiện tại số giờ làm thêm của họ đang là 45 giờ một tháng, 360 giờ một năm.

Số giờ làm thêm tối đa của Đài Loan là 54 giờ một tháng, 648 giờ một năm. Hàn Quốc vừa mới giảm số giờ làm thêm một tuần từ 28 giờ xuống 12 giờ một tuần (tức giảm từ khoảng 1200 giờ xuống 550 giờ một năm).

Singapore, quốc gia giàu có thứ 2 châu Á, thứ 7 thế giới thế mà số giờ làm thêm tối đa của họ vẫn đang là 72 giờ một tháng, hơn 800 giờ một năm.

Đất nước chúng ta đang nghèo hơn Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore rất nhiều, con người không thông minh hơn họ, bước vào kinh tế thị trường sau họ, năng lực cạnh tranh quốc gia thua xa họ, thế mà số giờ làm thêm mới chỉ bằng 25% đến 55% của họ, nay muốn nâng lên có 35% đến 80% của họ thôi mà đã không thể nâng nổi.

Cách đây hơn 3 năm khi tôi viết bài nói người Việt Nam lười lao động, rất nhiều bạn phản đối quyết liệt, cố chứng minh rằng người Việt Nam chăm chỉ lắm. Chăm chỉ gì mà thời gian làm việc thêm mới chỉ làm bằng 1/4, 1/2 họ đã kêu mệt, kêu cần nghỉ ngơi, cần tái tạo sức lao động. Đấy chưa kể là trong giờ làm việc chính còn ngồi tán gẫu, đọc báo, đi uống cafe.

Thực tế cuộc sống đã chỉ ra rằng hầu hết những người thành đạt, giàu có đều là những người làm việc chăm chỉ nhất, cường độ cao nhất. Rất nhiều người trong số đó, làm việc 12h, thậm chí 14h một ngày, 7 ngày trong tuần, hoàn toàn tự nguyện, trong suốt nhiều năm liền, không cần trả công. Đối với họ làm việc là một niềm hứng khởi, một niềm vui, một niềm đam mê, họ làm việc quên cả thời gian, quên cả ngày tháng.

Lịch sử cũng đã chứng minh rằng những quốc gia đi từ đói nghèo lên thịnh vượng, những quốc gia châu Á hoá rồng đều phải trải qua giai đoạn dăm chục năm, thậm chí cả trăm năm lao động chăm chỉ nhất, với cường độ cao nhất.

Giàu nghèo phần lớn là do cách nghĩ, thái độ với lao động, thái độ với các vấn đề xã hội của mỗi người mà ra cả.

Với cách nghĩ ấy, với thái độ ấy mà mong muốn Việt Nam hoá rồng, Việt Nam trở thành quốc gia giàu có thì tôi không tin.

Có vẻ như, vấn đề này vẫn còn gây tranh cãi. Liệu rằng việc quy định thời gian làm thêm giờ lên tối đa 400 giờ/năm sẽ đáp ứng đông đảo nguyện vọng của công nhân, nhằm kiếm thêm thu nhập để trang trải cuộc sống hay không?

Và lộ trình tăng giờ làm thêm này có là cơ hội để các doanh nghiệp tìm kiếm các hợp đồng kinh tế mang lại nguồn thu cho doanh nghiệp. Cùng với đó, nếu điều luật được thông qua, việc tăng thêm giờ lao động lên 400 giờ/năm cần phải có điều khoản khống chế thời gian lao động làm thêm tối đa trong tháng, thậm chí là trong tuần thì có được đáp ứng đủ? Đây thực sự vẫn là bài toán cần được cân nhắc thật kĩ. 

Tin Cùng Chuyên Mục