Ngày pháp luật

Cơ hội cho doanh nghiệp phát triển ngành công nghiệp đường sắt

Ngành đường sắt đang bước vào giai đoạn phát triển mạnh mẽ, đặc biệt với Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, các tuyến đường sắt liên vận quốc tế và quy hoạch mạng lưới đường sắt đô thị tại các thành phố lớn. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp trong nước quan tâm, đầu tư phát triển về công nghiệp đường sắt.

Cơ hội cho doanh nghiệp phát triển ngành công nghiệp đường sắt - Ảnh 1

Xây dựng công nghiệp đường sắt đồng bộ

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 106/NQ-CP về Kế hoạch triển khai Nghị quyết số 172/2024/QH15 ngày 30/11/2024 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Theo đó, kế hoạch được ban hành nhằm cụ thể hóa các chính sách, giải pháp được Quốc hội thông qua bằng các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành, để có đầy đủ hành lang pháp lý, tạo thuận lợi trong quá trình triển khai, huy động các nguồn lực thực hiện dự án.

Cùng đó hướng dẫn về nghĩa vụ, quyền hạn của các bên tham gia thực hiện hợp đồng theo hình thức hợp đồng EPC (chủ đầu tư, nhà thầu/tổng thầu EPC, tư vấn giám sát); Quy định chi tiết, hướng dẫn về quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết vùng phụ cận ga đường sắt tốc độ cao. Nghị định quy định về tiêu chí lựa chọn tổ chức, doanh nghiệp Nhà nước được giao nhiệm vụ hoặc tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam được đặt hàng cung cấp dịch vụ, hàng hóa công nghiệp đường sắt.

Bộ Xây dựng cũng đề xuất xây dựng, ban hành quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về danh mục dịch vụ, hàng hóa công nghiệp đường sắt được giao nhiệm vụ cho tổ chức, doanh nghiệp Nhà nước hoặc đặt hàng cho tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam.

Theo ông Trần Thiện Cảnh - Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam, Bộ Xây dựng, nhu cầu sản phẩm công nghiệp đường sắt tập trung ở 4 nhóm: Thứ nhất là công nghiệp xây dựng hạ tầng đường sắt gồm hạ tầng dưới ray như cầu, đường, hầm và kiến trúc nhà ga, sản xuất vật liệu là ray, ghi, tà vẹt; Thứ hai là đầu máy, toa xe; Thứ ba là hệ thống thông tin, tín hiệu cho đường sắt hiện hữu và đường sắt điện khí hóa; Thứ tư là hệ thống điện sức kéo, gồm đường truyền, trạm biến áp, cấp điện cho phương tiện.

Về quy hoạch đường sắt, ông Trần Thiện Cảnh cho biết, thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, mạng lưới đường sắt quốc gia Việt Nam gồm 16 tuyến (tăng 9 tuyến), dài 4.802km (tăng 2.362km); Giai đoạn đến năm 2050 gồm 25 tuyến, dài 6.354km (tăng 1.552km). Nhu cầu phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt, đối với nhóm công nghiệp xây dựng hạ tầng đường sắt cần cung cấp 28,7 triệu mét ray; 11.680 bộ ghi; 46 triệu thanh tà vẹt. Nhóm đầu máy toa xe đối với khổ đường 1.435mm, đến năm 2030 cần 250 đầu máy, 1.760 toa xe, năm 2045 cần 2.000 đầu máy, 10.144 toa xe.

Mở rộng cơ hội cho doanh nghiệp Việt

Ông Nguyễn Danh Huy - Thứ trưởng Bộ Xây dựng đánh giá: “Hiện nay, trình độ, năng lực của doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể đảm đương được về mặt công nghệ, thi công các hạng mục thuộc phần hạ tầng các dự án đường sắt mới; Liên doanh nước ngoài tham gia với tỷ lệ nhất định ở các hệ thống điều khiển, điện, đầu máy, toa xe…” .

Nhiều doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực cơ khí, xây lắp, viễn thông, thép, công nghiệp ô tô như Tập đoàn Hòa Phát, Thaco, Công ty Trung Chính… chia sẻ, luôn sẵn sàng nguồn lực để tham gia thị trường công nghiệp đường sắt.

Ông Trần Đình Long - Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát  khẳng định quyết tâm sẵn sàng tham gia vào “sân chơi” phát triển ngành công nghiệp đường sắt Việt Nam, đóng góp hiệu quả vào các dự án trọng điểm quốc gia. Theo ông Trần Đình Long, Tập đoàn Hòa Phát sẽ tham gia cung ứng thép cho các dự án trọng điểm như đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng cũng như hoàn thành mục tiêu 3.000km đường bộ cao tốc và Cảng hàng không Quốc tế Long Thành.

Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát chia sẻ niềm tin mãnh liệt vào những nỗ lực của Chính phủ. “Đây là tiền đề rất tốt cho tương lai phát triển huy hoàng, xán lạn của Hòa Phát những năm tới. Điều này phù hợp với định hướng được Chính phủ đề ra là kết hợp công - tư, không phân biệt Nhà nước hay tư nhân”.

Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả Nguyễn Minh Giang chia sẻ, để thực hiện mục tiêu tham gia các dự án đường sắt, Tập đoàn Đèo Cả đã hợp tác với các trường đại học để tuyển sinh đào tạo nhân lực chất lượng cao với mô hình hợp tác gồm đặt hàng tại nguồn và đào tạo tại chỗ, đẩy mạnh đào tạo đội ngũ công nhân, kỹ sư, nhà quản lý. Đơn vị cũng tổ chức các chương trình công tác nước ngoài, nghiên cứu thực tiễn quá trình đào tạo lĩnh vực đường sắt, đường sắt đô thị, tích cực thúc đẩy hợp tác với các đối tác quốc tế có kinh nghiệm về đường sắt tốc độ cao như Nhật Bản, Trung Quốc… để chuyển giao công nghệ và các giải pháp kỹ thuật tiên tiến, đồng thời nghiên cứu để “bản địa hóa” công nghệ và thiết bị, sao cho phù hợp với điều kiện, nhu cầu của thị trường Việt Nam.

Nhằm đóng góp vào sự phát triển của ngành công nghiệp đường sắt, ông Phạm Trường Tùng - Giám đốc cao cấp Kỹ thuật - Công nghệ, Công ty CP Công nghiệp Thaco chia sẻ: Thaco xác định đây không chỉ là dự án kinh doanh mà còn là sự đóng góp vào sự phát triển công nghiệp đường sắt Việt Nam. Từ đây, Thaco định hướng tham gia sản xuất toa xe và cung ứng linh kiện, thiết bị trên toa xe. Để thực hiện, Thaco sẽ đầu tư nâng cấp nhà xưởng, đào tạo đội ngũ chuyên gia; Hợp tác với doanh nghiệp quốc tế có năng lực để tiếp nhận chuyển giao công nghệ…

Các doanh nghiệp cũng đề xuất, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách cụ thể để khuyến khích doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư. Chẳng hạn như thông qua hình thức chỉ định thầu, đặt hàng (cam kết bao tiêu sản phẩm đầu ra) để lựa chọn nhà đầu tư/doanh nghiệp Việt thực hiện dự án đầu tư, nhận chuyển giao công nghệ, nghiên cứu, ứng dụng và tổ chức sản xuất, cung cấp dịch vụ, hàng hóa cho dự án. Cùng với đó, miễn thuế nhập khẩu nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được trong suốt thời gian thực hiện dự án; Áp dụng ưu đãi đầu tư theo dự án sản xuất sản phẩm công nghệ cao.

Tin Cùng Chuyên Mục