Ngày 27/11, tại TPHCM, Văn phòng đại diện tại TPHCM Cục Sở hữu trí tuệ, Tổng Cục quản lý thị trường và công ty Vina CHG đã tổ chức diễn đàn chống hàng giả, bảo vệ thương hiệu doanh nghiệp (DN) trong thời kỳ công nghiệp 4.0.
Số liệu từ Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, 10 tháng qua, đơn vị này đã phát hiện gần 80.000 vụ liên quan đến hàng giả, hàng lậu, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ (tăng 7% so với năm 2017). Trong đó có những vụ nổi cộm, gây xôn xao dư luận như vụ Con Cưng, giả thuốc chống ung thư…
Đánh giá về lực lượng chức năng trong cuộc chiến chống hàng giả, hàng lậu, ông Trương Văn Ba cho rằng, lực lượng chức năng đã có nhiều cố gắng, nỗ lực thông qua số vụ phát hiện, xử phạt những năm sau nhiều hơn năm trước. Tuy nhiên, ông cho rằng lực lượng chức năng khi tiếp nhận nguồn tin cần kiểm tra, xác minh; phải nắm vững địa bàn và đồng hành cùng DN làm ăn chân chính.
'Lấy ví dụ như trường hợp Con Cưng nghi tráo mác sản phẩm, sau khi có kết luận của cơ quan chức năng, doanh nghiệp này giảm doanh thu chỉ còn 1/3. Tất cả hệ thống ngân hàng đóng băng toàn bộ tài khoản của Con Cưng. Người tiêu dùng quay lưng. Do đó cần phải kỹ lưỡng, cẩn trọng trong quá trình kiểm tra, kết luận', ông Ba nói.
Người tiêu dùng tìm hiểu cách phân biệt hàng thật - hàng giả
Mũ bảo hiểm "nhái" được sản xuất y chang hàng thật
Ông Trương Văn Ba cũng cho biết, tại TPHCM, 1 cán bộ quản lý thị trường phải quản lý tới 3.000 DN. Do đó có đi cả năm cũng không kiểm tra, quản lý hết số lượng này. Không chỉ lực lượng mỏng, mà cả công cụ quản lý, giám sát cũng rất thiếu.
“Trong quá trình kiểm tra, chúng tôi phát hiện có doanh nghiệp (DN) Việt sang nước láng giềng đặt làm sản phẩm của mình nhưng chất lượng kém hơn, sau đó đưa về nước tiêu thụ” – ông Trương Văn Ba, Phó chánh văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia cho biết.
Nói về việc chống hàng giả thời 4.0, ông Thân Đức Công, phụ trách Cục nghiệp vụ Tổng Cục quản lý thị trường nhìn nhận vấn đề này đang ngày càng phức tạp, gian nan, khó khăn trong khâu tiếp cận.
“Từ năm 2017 đến tháng 9/2018, đơn vị đã kiểm tra trên 30.000 vụ, phạt hành chính trên 100 tỷ đồng, giá trị hàng hóa tịch thu gần 1.000 tỷ. Buôn bán, kinh doanh hàng giả gây ảnh hưởng rất lớn đến xã hội, quyền lợi người dân. Do đó cần phải xử lý nghiêm theo quy định pháp luật” – ông Công nhấn mạnh.
Cục Quản lý thị trường TPHCM tiêu hủy hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng
Nhiều câu hỏi đặt ra hàng xách tay có phải là hàng giả không? Ông Thân Đức Công cho rằng, chưa thể khẳng định 100% đó là hàng giả. Bởi đây là những mặt hàng nhập khẩu hợp pháp hoặc không hợp pháp, do chính người kinh doanh mua ở nước ngoài đem về Việt Nam tiêu thụ. Do đó khẳng định hàng xách tay đều kém chất lượng thì không đủ căn cứ, mà cần phải kiểm tra cụ thể.
Kinh doanh online, bán hàng trên các trang thương mại điện tử đang là xu thế của DN thời 4.0. Tuy nhiên, việc trà trộn hàng giả, hàng lậu vào hình thức kinh doanh này không phải là không có. Cái khó là làm sao để phát hiện, khi phát hiện rồi thì xử phạt như thế nào?
Bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó cục trưởng Cục thương mại điện tử và kinh tế số cho hay, đã nhận diện được hành vi vi phạm hàng giả, hàng lậu, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ thông qua nhãn hiệu, giá trị…
“Ví dụ như đồng hồ Rolex thật có giá cả trăm triệu đồng, nhưng một số trang bán hàng online chỉ bán với giá vài triệu đồng; hoặc bột nêm thật sẽ có nêu đầy đủ các thành phần, còn bột nêm giả thì không. Tương tự như DN dùng tên miền na ná cũng khiến chúng tôi hoài nghi và sẽ tiến hành kiểm tra” – bà Huyền dẫn chứng.
Kinh doanh online vẫn gây nhiều khó khăn trong việc kiểm tra, xử phạt với ngành chức năng
Về cách thức xử phạt, bà Huyền chia sẻ, phối hợp với cơ quan chức năng. Nhưng cách thức hiện nay vẫn là tuyên truyền, vận động người tiêu dùng không mua, sử dụng hàng giả, hàng lậu. Trong năm 2017, Cục thương mại điện tử và kinh tế số đã thanh kiểm tra, phát hiện 300 vụ vi phạm, phạt hành chính hơn 300 tỷ đồng.
Phản hồi về ý kiến cho rằng, cuộc chiến chống hàng giả thời 4.0 rất “mong manh”. Ông Trần Giang Khuê, Phó trưởng văn phòng đại diện tại TPHCM Cục Sở hữu trí tuệ khẳng định: “Mong manh hay không thì cần phải nhìn lại”.
Theo ông Khuê, kỷ nguyên số thời 4.0 buộc các DN phải chủ động, áp dụng công nghệ để phòng và chống hàng giả. Đúng là kinh doanh online “nay đăng, mai gỡ” khiến cơ quan chức năng càng thêm khó kiểm soát. Nhưng những thông tin này đều được lưu vết, quan trọng là chúng ta có kiểm soát, xử phạt được hay không mà thôi.
“Những sever (máy chủ) không nằm ở Việt Nam mà nằm ở nước ngoài. Do đó bắt buộc phải quản lý tổ chức trung gian, nơi cung cấp dịch vụ để từ đó quản lý được việc kinh doanh của DN, các nhân. Như vậy công tác phòng và chống kinh doanh, tiêu thụ hàng giả, hàng lậu thời 4.0 mới có hiệu quả” – ông Khuê nói.
"Thương mại điện tử tại Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ với 25%/năm, tổng giá trị giao dịch đạt khoảng 6,2 tỷ USD. Thế nhưng tỷ lệ thanh toán trực tuyến mới có 3%. Bản chất vẫn là niềm tin của người tiêu dùng"- Bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó cục trưởng Cục thương mại điện tử và kinh tế số cho biết.