Những ngày qua, dư luận cả nước “dậy sóng” trước những hình ảnh ông Đoàn Ngọc Hải, Phó Chủ tịch UBND Quận 1, TP.HCM, dẫn đầu các lực lượng chức năng xuốnghiện trường, kiên quyết dẹp bỏ những hành vi lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường vốn bấy lâu nay đã ngập trong cảnh “nhà nhà đua lấn, người người đua chiếm”.
Có nhiều ý kiến xuôi - ngược khác nhau, nhưng tựu trung lại, giờ thì có thể nói ông Hải - với câu chuyện “đòi” lại vỉa hè cho người đi bộ - đã mang một “làn gió mới” đầy sinh khí thổi vào đời sống xã hội, lùa vào những ngóc ngách quan liêu, trì trệ của bộ máy công quyền, khơi dậy niềm tin của người dân về tính công bằng, nghiêm minh của pháp luật cũng như bản chất của một Nhà nước của dân, do dân, vì dân...
Dư luận đã nói rất đúng, cái vỉa hè chốn đô thị bấy lâu nay đã bị “cướp đoạt”. Nhưng, ai “cướp” và “cướp” của ai? Thì người dân cả thôi. Chỉ có điều, tình trạng “cướp đoạt” vỉa hè trở nên phổ biến, rộng khắp, đâu cũng có thì lại có nguyên nhân sâu xa ở chỗ pháp luật không nghiêm, cơ quan công quyền chưa tận trách nhiệm.
Thế nên, đột nhiên thấy một ông phó chủ tịch quận lặn lội xuống hiện trường, mạnh mẽ và dứt khoát “dẹp đi”, “đập bỏ ngay”, ai cũng thấy “lạ”. Thật hài hước, đại diện công quyền muốn làm hết trách nhiệm, muốn pháp luật được thi hành cho nghiêm lại thành “chuyện lạ” trước bàn dân thiên hạ thì mới biết, cái sự “quen” vi phạm, xâm hại, thậm chí “cướp” kia đã sâu dày đến mức nào!
Tôi không tán thành với ý kiến ai đó nói rằng không nên dùng những từ ngữ như “đòi lại”, “chiếm lại”, “giành lại” vỉa hè. Bởi lẽ, thực sự vỉa hè từ lâu đã bị chiếm dụng, lấn chiếm, tranh đoạt mất rồi; người đi bộ hoặc là phải luồn lách trên cái vỉa hè đã “nát bươm” đó hoặc đành nhào xuống lòng đường và đồng nghĩa với việc tính mạng không được đảm bảo trước dòng xe cộ nườm nượp.
Nếu không ra tay “giành lại” như ông Đoàn Ngọc Hải đang thừa hành thực hiện, hỏi đến ngày nào vỉa hè mới được “tự nguyện” trả lại cho người đi bộ? Hay là người ta sẽ “thừa thắng xông lên” chiếm luôn cả lòng đường?
Rõ ràng, cái sự ra tay của ông Hải không phải là hành động cá nhân tự phát, không nhằm tô hồng bôi đỏ cho danh dự cá nhân ông ấy mà hơn thế, đó là hành động có trách nhiệm của đại diện chính quyền với quyền lợi của số đông người dân đang bị xâm hại, là sự thể hiện tính công bằng, nghiêm minh của pháp luật.
Xa hơn, lớn hơn nữa, việc làm của chính quyền Quận 1 mà ông Hải là một người đại diện chính là lập lại trật tự giao thông, trả vỉa hè về đúng chức năng của nó (chứ không phải là phần “giá trị kiếm thêm" của riêng ai đó), trả lại trật tự giao thông bình thường, trả lại hiệu lực điều chỉnh bình thường của các quy định pháp luật.
Hành động đó là vì việc chung, vì lợi ích chung chứ nhất định không có tính vị kỷ, "làm oai làm màu" như một vài người vẫn dè bỉu...
Trong bối cảnh đâu đâu cũng có những hành vi vi phạm, trái pháp luật; đến chỗ nào cũng thấy sự nể nang, né tránh, “mũ ni che tai” thì thật dễ hiểu khi hình ảnh, hành động của ông Hải cũng khiến nhiều người “không thích”. Nhưng đất nước này, xã hội này, cộng đồng này đã từ lâu trông ngóng những công chức như ông Hải, chờ mong những hành động quyết liệt như ông Hải.
Tình trạng quan liêu, né tránh, “giơ cao đánh khẽ” hòng đỡ mất lòng, mất quan hệ... đã quá nhiều, khiến dư luận nhân dân vô cùng trông ngóng những cán bộ, công chức sâu sát, thực tế, dám xông xáo vì quyền lợi chung chính đáng của số đông người dân, của chung Nhà nước.
Tình trạng “vô pháp vô thiên”, xem thường kỷ cương pháp luật, thậm chí công nhiên chà đạp lên kỷ cương pháp luật... lại càng khiến người dân khao khát những hành động kiên quyết duy trì kỷ cương, dứt khoát lập lại trật tự, “việc công thì cứ phép công mà làm”.
Chẳng lẽ cứ để mãi những vỉa hè không đúng là vỉa hè, kỷ cương chỉ là hình thức, pháp luật chỉ là... trên giấy? Chẳng lẽ cán bộ, công chức thừa hành nhiệm vụ cứ phải “né” người vi phạm để khỏi mất lòng, mất phiếu bầu, mất ghế? Và chẳng lẽ đành lòng ngồi nhìn đất nước này, xã hội này, cộng đồng này cứ bước chậm dần đến cảnh tranh đoạt trong rối loạn, lùng nhùng?
Ông Đoàn Ngọc Hải trầm tư, lặng lẽ trong cuộc họp của TP.HCM về vấn đề... vỉa hè. Ảnh: Infonet.
... Nhưng giờ đây, hình ảnh đọng lại nhất trong nhiều người không phải là lúc ông Đoàn Ngọc Hải vung tay chỉ đạo dẹp hàng quán, tường vách, mái che... lấn chiếm vỉa hè mà chính là hình ảnh ông ngồi trầm tư, lặng lẽ trong cuộc họp của TP.HCM về vấn đề... vỉa hè.
Có lẽ, ông chưa hài lòng vì những nỗ lực, cố gắng của mình và cộng sự chưa thể đưa lại 100% các vỉa hè thuộc phạm vi Quận 1 được thông thoáng... Có lẽ, ông thấy nặng lòng, băn khoăn khi những hành động của mình dẫu nghìn tiếng khen vẫn thấp thoáng tiếng chê... Hay là hẳn ông đã nhìn thấy, sức cản, độ ỳ, thói quan liêu... còn dầy nặng quá trong chính bộ máy của mình?
Dẫu thế nào, thì chắc chắn ông Hải cũng không cô đơn. Hành động, lời nói của ông có con mắt của dân soi vào, mà dân thì chẳng nhìn nhầm người, hiểu nhầm hành động nào bao giờ. Hành động, lời nói của ông Hải không chỉ hợp lòng dân mà còn thuận ý Đảng bởi có ý chí phấn đấu, gương mẫu trong công tác; không né tránh trách nhiệm, thiếu trách nhiệm, trung bình chủ nghĩa, làm việc qua loa, đại khái, kém hiệu quả; có ý thức hết lòng vì nước, vì dân, làm tròn chức trách, nhiệm vụ được giao...
Tôi tin - như đông đảo nhân dân tin - hình ảnh, hành động của ông Đoàn Ngọc Hải là hình ảnh, hành động của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quận 1 quyết tâm, nỗ lực đổi mới, gắn lời nói với hành động, nói đi đôi với làm; là hình ảnh, hành động tiêu biểu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP.HCM tiên phong “đi trước về sau” trong trách nhiệm nặng nề là “đầu tàu”, “mũi nhọn” của cả nước.
Những người như ông Hải không bao giờ đơn độc. Chẳng có bất cứ ý kiến, dư luận nào có thể vùi lấp được những hình ảnh, hành động, lời nói hết lòng vì dân, vì nước.../.