Vài năm trở lại đây, các dịch vụ chuyển tiền trực tuyến đã giúp khách hàng thuận tiện hơn trong việc giao dịch, mua bán. Cùng với sự phát triển của công nghệ, khách hàng có thể chuyển tiền trên máy ATM hay ứng dụng Ebanking của ngân hàng.
Tuy nhiên, đi cùng với sự tiện ích thì không ít trường hợp khách hàng rơi vào tình huống trớ trêu là ghi nhầm số tài khoản, dẫn đến chuyển tiền sai người và gặp nhiều khó khăn khi muốn lấy lại. Trong trường hợp phát hiện sớm, khách hàng thường gọi điện đến ngân hàng để yêu cầu hỗ trợ lấy lại, thế nhưng do quy định và cơ chế xử lý của các ngân hàng khác nhau nên người chuyển tiền cũng gặp nhiều trở ngại.
Theo quy định tại các ngân hàng, khi phát hiện chuyển nhầm tiền, khách hàng phải đến quầy giao dịch của ngân hàng thông báo để được hướng dẫn giải quyết. Trường hợp chuyển nhầm tiền do lỗi của nhân viên ngân hàng thì ngân hàng có trách nhiệm liên hệ để lấy lại số tiền chuyển nhầm hoặc ứng tiền trả cho khách hàng.
Nếu lỗi chuyển nhầm do khách hàng, ngân hàng chỉ hỗ trợ liên hệ với người nhận nhầm chứ không thể tự ý trừ tài khoản khi chưa được chủ tài khoản cho phép. Trường hợp không liên hệ được hoặc chủ tài khoản nhận nhầm cố tình không hợp tác, khách hàng có thể làm đơn yêu cầu công an vào cuộc hoặc khởi kiện ra tòa.
Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SB Law cho biết, tình trạng chuyển tiền nhầm vào tài khoản người khác diễn ra khá nhiều trong thời gian qua, việc xử lý lấy lại tài sản thì vô cùng khó khăn.
Theo khoản 1, điều 579 Bộ luật dân sự 2015: “Người chiếm hữu, người sử dụng tài sản của người khác mà không có căn cứ pháp luật thì phải hoàn trả cho chủ sở hữu; nếu không tìm được chủ sở hữu thì phải giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền”. Như vậy, hành vi nhận tiền do người khác chuyển nhầm mà không trả lại là hành vi vi phạm pháp luật. Theo đó, người vi phạm có thể bị phạt hành chính và truy cứu trách nhiệm hình sự.
Cũng theo luật sư Nguyễn Thanh Hà, về xử phạt hành chính, người không trả lại tiền chuyển nhầm tài khoản có thể bị phạt tiền từ 1.000.000 - 2.000.000 đồng nếu sử dụng trái phép số tiền người khác chuyển nhầm; Phạt từ 2.000.000 – 5.000.000 đồng nếu chiếm giữ trái phép tài sản của người khác.
Ngoài ra, trong nhiều trường hợp, người không trả lại tiền chuyển nhầm tài khoản có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chiếm giữ trái phép tài sản quy định tại Điều 176 Bộ luật hình sự năm 2015. Theo đó, người có hành vi vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 - 50.000.000 đồng và bị phạt tù cao nhất là 5 năm tù.
Tội sử dụng trái phép tài sản quy định tại Điều 177 Bộ luật Hình sự năm 2015: khi sử dụng số tiền bị chuyển nhầm trái phép sẽ bị phạt tiền lên đến 100 triệu đồng và bị phạt tù cao nhất là 7 năm tù giam.
Với những hình phạt trên, luật sư Hà cho rằng, việc người nhận được tiền chuyển nhầm nếu không trả lại rõ ràng đã vi phạm pháp luật. Nếu có bằng chứng chứng minh rằng phía chủ sở hữu số tiền chuyển nhầm hoặc cơ quan có trách nhiệm đã có yêu cầu trả lại số tiền, người nhận được tiền biết nhưng vẫn cố tình không trả lại hoặc tiêu xài số tiền đó thì người nhận được tiền đã có dấu hiệu vi phạm tội chiếm giữ trái phép tài sản theo Điều 176 BLHS năm 2015.
Nếu người vi phạm bị xử lý hình sự về tội danh này thì ngoài hình phạt tù, người vi phạm sẽ phải trả lại, bồi thường cho chủ sở hữu số tiền bị chiếm đoạt.
“Trường hợp người nhận được tiền chuyển nhầm chiếm giữ, sử dụng tiền khi chủ sở hữu và cơ quan chức năng chưa có động thái đòi lại tiền, hoặc có đòi lại nhưng do nhiều nguyên nhân về phương tiện, cách thức liên lạc... dẫn đến người nhận được tiền không hề biết. Trường hợp này, việc làm của người nhận được tiền chưa đủ yếu tố để cấu thành tội phạm mà chỉ là vi phạm nghĩa vụ dân sự hoàn trả lại tài sản mình chiếm hữu không có căn cứ pháp luật - theo Điều 579 Bộ luật dân sự năm năm 2015.
Theo đó, người có hành vi chiếm hữu, sử dụng tài sản không có căn cứ pháp luật phải hoàn trả lại chủ sở hữu hoặc bàn giao cho cơ quan chức năng có thẩm quyền. Nếu chiếm giữ, sử dụng thì người đó sẽ phải hoàn lại và bồi thường các thiệt hại phát sinh cho chủ sở hữu”, luật sư Nguyễn Thanh Hà cho hay.
Tại dự thảo thay thế nghị định 101 về thanh toán không dùng tiền mặt đang được đưa ra lấy ý kiến, Ngân hàng Nhà nước đưa ra quy định cho phép các ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán được quyền phong tỏa tài khoản người nhận khi phát hiện nhầm lẫn, sai sót.
Theo các ngân hàng, đây là quy định cần thiết và khi chính thức được ban hành sẽ giúp khách hàng lấy lại số tiền chuyển nhầm dễ dàng hơn. Tuy nhiên, theo các NH, cần có hướng dẫn chi tiết vì phân biệt thế nào là khoản tiền chuyển nhầm để thực hiện phong tỏa theo yêu cầu của người chuyển thực sự không dễ. Bởi thực tế, có trường hợp chuyển nhầm tiền do ghi sai số tài khoản hoặc do nhân viên ngân hàng gõ sai số. Cũng có nhiều trường hợp bản chất là tranh chấp tài sản. Ví dụ, hai bên thỏa thuận chuyển khoản đặt cọc tiền để mua xe, mua nhà nhưng sau đó không đi đến thỏa thuận nên bên mua "vỡ kèo", đến báo với ngân hàng là chuyển nhầm tiền…