Theo tờ trình của Thanh tra Chính phủ, Luật Thanh tra được Quốc hội thông qua vào ngày 14/11/2022 với nhiều nội dung mới liên quan đến cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành.
Thông qua báo cáo trước hội đồng thẩm định, cơ quan soạn thảo đánh giá việc ban hành Nghị định quy định về cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành là cần thiết nhằm quy định chi tiết các điều, khoản được giao trong Luật Thanh tra.
Việc xây dựng dự thảo Nghị định đảm bảo 03 quan điểm, nguyên tắc: thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước và các quy định của Luật Thanh tra 2022, quy định chi tiết và đầy đủ những nội dung mà Quốc hội giao Chính phủ hướng dẫn thi hành tại Luật Thanh tra về thanh tra chuyên ngành; góp phần giải quyết những bất cập đặt ra trong thực tiễn và đảm bảo sự thống nhất trong tổ chức các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành; có cơ cấu, bố cục hợp lý, nội dung khả thi, đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Ngay sau khi được giao chủ trì xây dựng Nghị định, Thanh tra Chính phủ đã thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập với thành phần là đại diện Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ cùng các cơ quan liên quan khác. Ban soạn thảo cùng Tổ biên tập đã khẩn trương triển khai các hoạt động cần thiết để xây dựng dự thảo.
Dự thảo Nghị định có kết cấu gồm 05 chương với tổng số 43 điều, xoay quanh 06 nội dung cơ bản: (1) phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng; (2) thành lập Thanh tra Cơ yếu; Thanh tra Bảo hiểm xã hội Việt Nam; Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ; Thanh tra sở; (3) cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành; (4) hoạt động thanh tra của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và việc thực hiện kết luận thanh tra chuyên ngành; (5) sửa đổi, bãi bỏ các Nghị định liên quan đến cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành; (6) điều khoản chuyển tiếp.
Tại phiên họp thẩm định, các Đại biểu tham dự đã thảo luận, cho ý kiến về nội dung dự thảo Nghị định. Thông qua trao đổi, nhiều Đại biểu đại diện các Bộ, ngành đặc biệt bày tỏ mối quan tâm chung tới vấn đề cơ cấu tổ chức thanh tra đơn vị.
Thay mặt cơ quan soạn thảo, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm cảm ơn các đại biểu đã tích cực đóng góp ý kiến tại phiên họp thẩm định. Đồng thời, đại diện cơ quan soạn thảo hứa tiếp thu một cách nghiêm túc các ý kiến đóng góp để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Nghị định trong thời gian tới.
Mục đích của Luật Thanh tra, theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh, nhằm chuyên nghiệp hóa công tác thanh tra chuyên ngành tại các Bộ, ngành. Do đó, Thứ trưởng bày tỏ sự hoan nghênh các đại biểu tham gia hội đồng thẩm định đã tích cực đóng góp ý kiến tại phiên họp chiều nay. Bên cạnh đó, Thứ trưởng đề nghị các thành viên hội đồng tiếp tục đóng góp ý kiến thẩm định cho đơn vị soạn thảo trong thời gian tới.
Thứ trưởng cơ bản nhất trí với các quy định hiện có trong dự thảo. Tuy nhiên, Thứ trưởng lưu ý cơ quan soạn thảo cần tiếp tục thực hiện cụ thể hóa các tiêu chí được nêu trong dự thảo để dự thảo Nghị định quy định về cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành bám sát hơn nữa với bối cảnh thực tiễn.