Ngày pháp luật

Chuyện khởi nghiệp của CEO công nghệ từng không biết đến Internet

Theo Hồng Dung/VnExpress

Tuổi thơ khó khăn là động lực để Parnell khởi nghiệp, trở thành CEO của ứng dụng esports 700 triệu đôla Mỹ, dù lớn lên không biết đến Internet.

Con đường trở thành nhà sáng lập một startup công nghệ của Delane Parnell có sự khác biệt lớn so với những người khác. "Tôi lớn lên mà không biết Internet hay lập trình gì hết, vì có mạng đâu mà biết", anh nhớ lại.

Parnell sinh ra và lớn lên tại Seven Mile, Detroit – khu vực nổi tiếng với sự hoành hành của các băng nhóm tội phạm. Trường trung học địa phương phải lắp đặt cả máy quét kim loại để kiểm soát việc sử dụng súng. Cha của Parnell bị giết vài tháng trước khi anh chào đời, còn anh trai thì qua đời vì bệnh tật. Suốt 12 năm đầu đời, cậu nhóc Parnell phải sống cùng một người bạn nghiện hút của gia đình, còn mẹ anh thì phải chật vật kiếm sống. ''Hầu hết những người bạn thơ ấu của tôi, hoặc là chết, hoặc là đang ở tù'', Parnell chia sẻ.

Vì vậy, startup của Parnell - PlayVS - ký kết được một trong những thỏa thuận quan trọng nhất ngành game khiến cho nhiều người kinh ngạc.

Theo Liên đoàn Hiệp hội Trung học Quốc gia Mỹ (NFHS), vào tháng 9/2018, esport - thể thao điện tử sẽ chính thức được công nhận. Khi quy định có hiệu lực, startup của Parnell sẽ trở thành nơi cung cấp nền tảng online để tổ chức, tổng hợp số liệu cũng như stream các cuộc thi, giải đấu...

Chuyện khởi nghiệp của CEO công nghệ từng không biết đến Internet - Ảnh 1

 Declan Parnell trong văn phòng của mình tại Los Angeles.

Tuổi thơ khó khăn

Khi chia sẻ về thời thơ ấu của mình, Parnell không oán trách quá khứ, anh nói: "Tôi không lớn lên trong một môi trường gia đình lý tưởng cho lắm".

13 tuổi, Parnell chuyển về sống với mẹ và bà giúp cậu nhóc có chân làm việc tại cửa hàng điện thoại di động MetroPCS ở Detroit. Công việc đầu tiên của Parnell là lau sàn, đếm hàng tồn kho và dần dà, cậu nhóc Parnel học cách bán điện thoại. Parnell nhớ lại: "Lúc đó, tôi chưa nhận ra, song kinh nghiệm bán hàng ở MetroPCS đã trở thành một phần không thể thiếu của cuộc đời tôi".

Ở vị trí mới, Parnell dành hơn 40 tiếng mỗi tuần trong cả năm học để làm việc, bất chấp cuối tuần hay ngày nghỉ, và thường xử lý đống bài tập trên trường ngay tại cửa hàng. "Nếu tôi không đi làm và để cho bản thân bận rộn sau giờ học, thì con đường duy nhất bị rủ rê vào băng đảng. Tôi không muốn sống cuộc đời đó", Parnel giải thích.

Sau vài năm, Parnell dành đủ tiền để mở một cửa hàng điện thoại. Tình hình kinh doanh phát đạt giúp anh mở rộng quy mô, cho tới khi trở thành ông chủ của ba cửa hàng tại Detroit vào năm 17 tuổi.

Parnell còn có tiền giúp một người bạn của gia đình thành lập công ty cho thuê xe hơi. Anh chia sẻ: "Toàn bộ khoảng thời gian đó, tôi chỉ tâm niệm duy nhất một điều, đó là phải làm sao giàu lên nhanh nhất có thể, để giúp cả gia đình thoát khỏi cảnh sống khi ấy".

Năm 2011, anh tốt nghiệp trung học rồi đăng ký học tại Đại học Michigan. Tuy nhiên, do không thể cân bằng giữa việc học và việc làm, anh đã bỏ ngang chỉ sau một học kỳ. Cùng lúc đó, Parnell biết đến Groupon - một startup công nghệ có trụ sở tại Chicago. 

''Tôi cực kỳ bị thu hút với câu chuyện khởi nghiệp của Groupon, cũng như cách họ ứng dụng phần mềm để giúp mô hình kinh doanh cửa hàng truyền thống giữ chân khách hàng. Tôi say mê công nghệ từ đó'', anh nói. Khi được bạn tặng vé tham gia diễn đàn dành cho startup tại San Francisco, Parnell đã tận dụng cơ hội để làm quen với bất cứ ai mình gặp.

Bén duyên với công nghệ và esport

Trở về Detroit, Parnell tổ chức một sự kiện tương tự và mời những người ngày hôm đó anh đã làm quen. Sự kiện của Parnell đạt được một số thành công nhất định. Anh mời được cả nhà sáng lập của một số startup khá nổi tiếng trong cộng đồng đến tham dự như Charles Adler của Kickstarter hay Alexis Ohanian của Reddit.

Chuyện khởi nghiệp của CEO công nghệ từng không biết đến Internet - Ảnh 2

 Trang web của PlayVs.

Thời gian tiếp, Parnell bắt đầu lấn sân sang công nghệ, dành vài tháng tại một quỹ đầu tư mạo hiểm và một năm tại startup công nghệ sợi quang. Khi uy tín cùng mạng lưới quan hệ tăng dần, Parnell tìm kiếm  tư vấn từ một số doanh nhân, như Amanda Lewan và David Anderson - đồng sáng lập của Bamboo, một trong những startup cung cấp không gian làm việc chung lớn nhất Detroit.

Bước ngoặt tiếp theo là vào tháng 3/2017, Parnell gặp một người bạn là nhà đầu tư Suzy Ryoo và Peter Pham. Hai bên cùng trò chuyện về ý tưởng kinh doanh và nhận ra đều có niềm đam mê thể thao điện tử. Sau đó, Peter Pham đề nghị Parnell mở một công ty tại Los Angeles và anh sẽ là nhà đầu tư. Vài tuần sau, cả hai cùng một số nhà đầu tư nữa cùng bàn bạc và đi đến quyết định tạo ra một nền tảng thể thao điện tử cho học sinh trung học.

Tiếp xúc nhiều với các công ty công nghệ đưa Parnell đến với game và thể thao điện tử - ngành công nghiệp mới mẻ nhưng có tính cạnh tranh cao. Nhận thấy tiềm năng phát triển của lĩnh vực này, năm 2015, anh xin thôi việc và xây dựng một đội tuyển thi đấu game Call of Duty (đội này sau đó được anh bán lại cho một đơn vị dẫn đầu trong làng thể thao điện tử).

Năm 2015, theo nghiên cứu, 72% học sinh tại Mỹ chơi game, trong đó 84% là các nam sinh. NFHS nhận thấy cơ hội để biến những đứa trẻ chỉ chơi game một mình thành các đội thi đấu trong môi trường học đường.

Mark Koski - CEO của NFHS Network - cho biết: "Thông qua nghiên cứu, chúng tôi thấy có nhiều học sinh chơi game hơn chơi thể thao. Esport sẽ là một cách để chúng tôi thu hút học sinh cũng như giúp giáo dục các em".

Hè năm ngoái, NFHS bắt đầu tìm kiếm những công ty có thể hỗ trợ xây dựng và phát triển các giải đấu esport trong trường học. Đó cũng là thời điểm mà Parnell đang hoàn thiện nền tảng của mình và liên kết với các trường. Thông qua một người bạn, Parnell liên hệ được với Koski. Phần trình bày sản phẩm của anh đã thuyết phục hội đồng và mở đường cho hợp đồng lớn đầu tiên của PlayVS.

''Họ có một nền tảng tốt và cùng mục tiêu với chúng tôi. Chúng tôi ấn tượng với niềm đam mê, nhiệt huyết và những gì họ làm hướng đến học sinh", Koski cho biết.

Theo Koski, khoảng 18 đến 20 bang sẽ tổ chức một giải vô địch eSports vào đầu năm 2019. Các bang còn lại cũng sẽ sớm tham gia tổ chức. Ông cũng cho biết NFHS kì vọng ít nhất 25.000 học sinh sẽ tham gia trong mùa giải đầu tiên.

Chi phí tổ chức từ PlayVS cho mỗi trường sẽ ở mức 16 USD/ tháng đối với một học sinh. Như vậy, doanh thu của PlayVS ước tính sẽ đạt 2 triệu USD vào năm đầu tiên. eSports sẽ giúp thêm khoảng một triệu học sinh vào khoảng 12 triệu người hiện đang tham gia các hoạt động và thể thao ở trường trung học.

Trong vòng gọi vốn Series A, PlayVs được đầu tư 50 triệu đôla Mỹ. Cuối năm 2018, công ty của Parnell được định giá đến 700 triệu đôla Mỹ. Hiện tại, startup có 15 nhân sự và dự kiến sẽ tăng lên thành 35 người vào cuối năm. Parnell hy vọng một ngày nào đó, anh sẽ có thể chu cấp cho mẹ, cô và các anh chị em họ hàng.

Theo thống kê của công ty nghiên cứu thị trường Newzoo, khoảng 335 triệu người đã xem hoặc chơi eSports trong năm 2017, tăng 19% so với năm trước. Newzoo dự đoán nền kinh tế eSports toàn cầu sẽ tăng 38% lên 906 triệu đôla trong năm 2018.

Tin Cùng Chuyên Mục