Ngày pháp luật

Chuyên gia Nhật giám sát việc xuất khẩu vải thiều Việt Nam

Thành Trung

(Doanhnhan.vn) – Các chuyên gia sẽ không phải cách ly 14 ngày để trái vải được xuất khẩu đúng yêu cầu của Nhật.

Ngày mai 3/6, các chuyên gia về kiểm dịch thực phẩm Nhật Bản sẽ sang Việt Nam, trực tiếp kiểm tra, giám sát công tác kiểm dịch và xử lý lô vải xuất khẩu đi Nhật.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết sẽ xem xét và cho phép chuyên gia kiểm dịch thực vật của Nhật Bản được áp dụng cơ chế đặc biệt: không phải áp dụng thời gian cách ly bắt buộc 14 ngày tại khách sạn để trái vải của Việt Nam được phép xuất khẩu như yêu cầu của phía Nhật Bản. Tuy nhiên, cơ quan này cũng nhấn mạnh sẽ phối hợp các địa phương trong việc phòng dịch khi các chuyên gia biện pháp đảm bảo an toàn, phòng, chống dịch trong thời gian chuyên gia kiểm dịch thực vật Nhật Bản làm việc.

Động thái này nhằm đảm bảo tính thời vụ, thời gian và khối lượng vải xuất khẩu không bị ảnh hưởng lớn. Thời gian thu hoạch vải dự kiến chỉ kéo dài trong tháng 6.

Sau 5 năm đàm phán, vải tươi của Việt Nam lần đầu tiên được Nhật Bản chấp thuận nhập khẩu theo con đường chính ngạch với yêu cầu chặt chẽ về vùng trồng, đóng gói, xử lý. Tuy nhiên, do dịch bệnh Covid - 19, cuối tháng 4, phía Nhật Bản cho biết khó có thể cử chuyên gia trực tiếp sang Việt Nam để kiểm tra, công nhận hệ thống xử lý, khử trùng quả vải tươi. Vì vậy, việc xuất khẩu quả vải tươi Việt Nam suýt lỡ hẹn trong năm nay.

Theo quy định từ phía Bộ Nông – Lâm – Ngư nghiệp Nhật Bản (MAFF) thì chỉ những lô vải được chuyên gia nước này kết luận đã xử lý thành công mới được phép đưa đi xuất khẩu. Để xuất sang Nhật Bản, quả vải ở Bắc Giang đã phải trải qua một quá trình cực kỳ nghiêm ngặt từ khâu chăm bón, thu hoạch, vận chuyển... Quả lép, quả kẹ được cắt tỉa loại bỏ thường xuyên, đảm bảo tiêu chuẩn 25 - 30 quả/kg, độ ngọt đạt trên 18 độ brix. Sau thu hái, vải được đưa ngay tới nhà máy để làm mát, khử khuẩn, tiệt trùng đóng gói.

Năm 2020, tỉnh Bắc Giang có trên 28.000 ha vải, sản lượng ước đạt hơn 160.000 tấn, tăng 10.000 tấn so với 2019. 

Tin Cùng Chuyên Mục