Chiều ngày 9/11, Diễn đàn đầu tư Việt Nam 2024 (Vietnam Investment Forum 2024) với chủ đề “Theo dấu dòng tiền” đã được tổ chức tại TP HCM.
Với mong muốn cung cấp cái nhìn tổng quan về những điểm nhấn vĩ mô tiền tệ trong năm 2024, cùng các chính sách điều hành và triển vọng dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong năm tới, các chuyên gia đã cùng thảo luận vấn đề "Kinh tế vĩ mô trong nước và quốc tế tác động đến dòng vốn vào thị trường chứng khoán quý IV/2023 - 2024".
Nhìn vào 10 tháng đầu năm, bức tranh kinh tế đang phủ một màu xám: tín dụng co hẹp, bất động sản gần như đóng băng, người dân dành phần lớn thu nhập chi trả lãi vay khiến tiêu dùng suy yếu.
Trước bức tranh trên, ông Nguyễn Xuân Thành, Chuyên gia kinh tế, Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright chỉ ra rằng, có mấy động lực chính tác động đến tăng trưởng kinh tế hai tháng cuối năm và nhìn rộng hơn là năm 2024.
Theo ông Thành, điều đầu tiên ta cần nhìn vào đó là sự tích cực từ yếu tố xuất khẩu đã phục hồi và tăng trưởng. So với tháng 10 năm ngoái, xuất khẩu của tháng 10 năm nay tăng hơn 5,9%. Cùng với đó, hàng tồn kho giảm xuống, các đơn hàng đã có trở lại, đặc biệt là ở thị trường Mỹ.
Hai nền kinh tế có sự sụt giảm xuất khẩu sâu nhất đầu năm nay là Việt Nam và Đài Loan đều cùng phục hồi.
Dù nhìn vào năm 2024 còn nhiều bất trắc, đặc biệt là với tăng trưởng toàn cầu nhưng ông Thành cho rằng, chúng ta vẫn sẽ có sự tăng trưởng trong xuất khẩu, từ 5 - 7% chứ không âm như năm nay.
Động lực tích cực thứ hai mà ông Thành muốn nhắc đến đó là việc giải ngân vốn đầu tư công từ cuối năm 2023 đến sang năm sau. Tuy nhiên, do giải ngân vốn đầu tư công luôn có độ trễ khoảng 5 tháng nên trong quý I gần như không giản ngân được. Thời điểm quý III, quý IV mới là lúc "tiền ra".
Tốc độ giải ngân vốn đầu tư công năm nay đã cao hơn năm ngoái và do độ trễ của đầu tư công nên con số 32 tỷ USD sẽ ra tác động đến kinh tế vào cuối năm nay đầu năm sau.
Bên cạnh đó, động lực đến từ xuất khẩu phục hồi, đơn hàng quay trở lại sẽ giúp lao động khu công nghiệp quay trở lại, tạo cú hích cho tiêu dùng. Theo ông Thành, nếu Quốc hội thông qua việc giảm thuế VAT 2% cũng là cú hích tiếp theo cho 6 tháng đầu năm 2024.
Bên cạnh những động lực, ông Thành cũng lo ngại áp lực tỷ giá USD lên thị trường chứng khoán. Cụ thể, áp lực tỷ giá khiến Ngân hàng Nhà nước phải phát hành tín phiếu gây mất thanh khoản ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán nhưng kỳ hạn của tín phiếu chỉ có 28 ngày đến giờ đã đáo hạn và đã bơm tiền trở lại.
Đồng USD khó đã lên giá mạnh nữa không gây áp lực đến chính sách tiền tệ mở rộng tạo dư địa cho NHNN duy trì chính sách tiền tệ mở rộng, lãi suất đã đáy nhưng nếu duy trì được trong cả năm 2024 sẽ là tín hiệu tích cực.
Nói thêm về chính sách tiền tệ trong thời gian tới, vị chuyên gia kinh tế này cho biết, định hướng chính sách của Ngân hàng Nhà nước là luôn muốn duy trì chính sách tiền tệ hỗ trợ cho tăng trưởng bởi áp lực cho giai đoạn 2024 - 2025 là lấy lại đà tăng trưởng kinh tế để đạt mục tiêu cả nhiệm kỳ. Các chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ đều ưu tiên hỗ trợ tăng trưởng.
Tất nhiên mong muốn của nhà điều hành là như thế nhưng có làm được không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Hiện tất cả ngân hàng trung ương đều điều hành chính sách theo hướng “dò đường” với tự tin rất thấp, khả năng mắc sai lầm rất cao, kể cả Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed).
Năm nay tín dụng có thể tăng 11% so với mục tiêu 14%, mục tiêu của năm sau là tăng 14 - 15% để hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng 6,5% trở lên. Việc duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng phải duy trì nhưng hoàn toàn có thể đảo chiều khi chịu áp lực hai yếu tố: tỷ giá và lạm phát.
Trong điều kiện bình thường, Ngân hàng Nhà nước sẽ cố gắng để không tăng lãi suất điều hành nhưng nếu xuất hiện sức ép thì buộc phải thay đổi để thích ứng.