Tại buổi tọa đàm "Bất động sản Việt Nam 2020 - 2021: Sẵn sàng chu kỳ mới" vừa diễn ra, Tổng thư ký Hội môi giới bất động sản Việt Nam, ông Nguyễn Văn Đính cũng tin tưởng rằng bất động sản là kênh đầu tư sinh lời tốt, an toàn và có dư địa lớn nhất.
"Thị trường trong suốt nhiều năm qua, chưa có cuộc khủng hoảng nào khiến bất động sản giảm giá. Ngược lại, bất động sản tăng đều, bình quân từ 5-7%. Ngoài ra, bất động sản cũng có khả năng sinh lợi khi khai thác kinh doanh để gia tăng thêm lãi", ông này nói.
Tuy nhiên, trước khi quyết định đầu tư vào bất động sản, ông Đính cho rằng điều quan trọng nhất là nhà đầu tư cần biết mình có bao nhiêu tiền trong túi.
“Bất động sản chỉ dành cho người nhiều tiền. Nếu ít tiền và phải sử dụng đòn bẩy tài chính thì tôi khuyên chưa nên tham gia vì chưa thể biết tình hình dịch Covid đến khi nào mới được kiểm soát”, ông Đính khuyến nghị.
Nếu có ít tiền thì nên gửi tiết kiệm vào ngân hàng vì an toàn và dễ sinh lợi bởi lãi suất ngân hàng vẫn ổn. Nếu có nhiều tiền hơn một chút, nhà đầu tư có thể xem xét đến nhiều kênh như vàng, chứng khoán. Còn với bối cảnh hiện nay, nếu thực sự nhiều tiền thì mới nên đầu tư vào bất động sản.
TS. Nguyễn Đức Hưởng, Nguyên Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank cũng cho rằng, sau chứng khoán, vàng, chắc chắn sẽ đến lúc sốt đất. Đầu tư vào đất chỉ có lãi. Tuy nhiên, theo ông, với nhà đầu tư cá nhân, dù ít tiền hay nhiều tiền thì ông Hưởng vẫn khuyến nghị đầu tư vào đất, kèm theo đó là tính đến yếu tố an toàn pháp lý của các dự án.
“Từng nhiều năm làm ngân hàng, tôi không khuyên dùng đòn bẩy, tôi cũng không nói tỷ lệ bao nhiêu, với tỷ lệ 70% được vay tối đa. Nhưng nếu bất động sản đó cho thuê thu được trả được tiền lãi ngân hàng và dư ra một chút thì tại sao không? Chúng ta phải biết sợ rủi ro, nhưng quản trị được rủi ro thì siêu lợi nhuận”, ông Hưởng chia sẻ.
Tại hội thảo, ông Đặng Văn Quang, Giám đốc JLL Việt Nam tiết lộ, hiện nay ở Việt Nam số lượng triệu phú tiền USD, dựa trên con số công khai, số lượng người có từ 1 triệu USD khoảng trên 12.000 người. Và 90% số lượng này đều trực tiếp hoặc gián tiếp kinh doanh bất động sản.
Đặc biệt trong nhóm 100 người giàu nhất Việt Nam, tức là có trên 30 triệu USD, con số liên quan trực tiếp đến kinh doanh bất động sản là 99,1%, và con số này cũng cần phải được suy ngẫm.
Đánh giá về tiềm năng thị trường, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC cho rằng, về lâu dài bất động sản vẫn là kênh hấp dẫn nhất và có khả năng sinh lời cao nhất. Bản thân FLC không lo ngại mảng bất động sản, mà là du lịch, hàng không.
"Nếu nhà đầu tư bất động sản thua lỗ chẳng qua là theo phong trào. Tức là nhiều người đầu tư vào rồi vài tháng đã muốn rút ra ngay thì chắc chắn sẽ thua lỗ", ông Quyết lý giải và cho rằng, nếu đầu tư theo cách đó thì 90% là thất bại.
Theo ông, với quy trình thủ tục pháp lý hiện nay, việc hoàn thiện dự án bất động sản gặp rất nhiều khó khăn. Ví dụ với bất động sản đô thị, từ khâu lên dự án cho đến khi đưa ra thị trường, hoàn thiện điện đường trường trạm…, quy trình phải mất ít nhất 3 - 4 năm, với điều kiện luân chuyển tiền một cách có hệ thống. Doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ khó mà theo được với quy trình này.
“Với điều kiện khó khăn như vậy từ nay đến sang năm, vậy sản phẩm ra thị trường sẽ rất ít? Mặt khác, qua hai làn sóng dịch Covid, tôi vẫn chưa thấy dấu hiệu giảm giá hay bán phá giá nào cả. Bởi vậy, tôi tin rằng những năm tới, chắc chắn thị trường bất động sản còn rất nhiều lợi thế”, Chủ tịch Tập đoàn FLC nói.