Ngày pháp luật

Chuyên gia: Cơ hội hướng tới nguồn thu khổng lồ cho GSM từ thị trường tỉ USD

Phúc Vinh

Cùng với việc khcởi động chiến lược “Go Green Global” với điểm đến đầu tiên là thị trường Lào, taxi Xanh SM có nhiều cơ hội trở thành “gà đẻ trứng vàng” của GSM đồng thời mang tới tiềm năng đột phá cho các đối tác, đặc biệt là VinFast.

Tiềm năng trăm tỉ đô của thị trường gọi xe

Khi những chiếc xe màu xanh Cyan của taxi Xanh SM chính thức lăn bánh ở Lào (ngày 9/11), nhiều người mới nhận ra, hãng taxi điện Việt Nam mới chỉ chưa đầy… 7 tháng tuổi. Sự chỉn chu, chuyên nghiệp và bài bản của Xanh SM mang tới cảm giác tin cậy cho người dùng không kém những thương hiệu đã nhiều năm gây dựng và phát triển.

Xanh SM chính thức khai trương dịch vụ tại Lào hôm 9/11
Xanh SM chính thức khai trương dịch vụ tại Lào hôm 9/11

Tuy nhiên, trước chiến lược “Go Global” của GSM, nhiều ý kiến vẫn đặt ra câu hỏi rằng, liệu bước đi ấy có dựa trên những toan tính nghiêm túc để cạnh tranh và tồn tại trong thị trường xe công nghệ không? Đơn giản bởi thị trường khu vực hiện đã quá chật hẹp và phần lớn miếng bánh đã thuộc về những ông lớn công nghệ.

Trái ngược với lo lắng này, ông Nguyễn Thành Nhân, chuyên gia phân tích dữ liệu của Công ty Khai thác và Phân tích dữ liệu kinh tế Việt Nam cho rằng, hãng gọi xe Việt đang đang có những bước đi khôn ngoan.

Thực tế, thị trường gọi xe công nghệ rộng lớn hơn tưởng tượng của người dùng rất nhiều. Sau đại dịch, dịch vụ gọi xe đã hồi phục mạnh mẽ. Chỉ tính riêng Đông Nam Á, nơi GSM vừa khởi đầu với Lào, quy mô thị trường khu vực này năm 2022 đã là 22 tỉ USD và dự kiến sẽ tăng lên tới 39 tỉ USD vào năm 2025, theo nghiên cứu của Statista. Nếu tính trên quy mô toàn cầu, doanh thu của thị trường gọi xe trong năm nay dự kiến lên tới 154 tỉ USD. Con số này sẽ vượt mốc 202 tỉ USD trong vòng 4 năm nữa, đồng nghĩa tốc độ tăng trưởng hàng năm lên tới hơn 7% - tỉ lệ mong ước với bất kì lĩnh vực nào.

Xanh SM sớm tiến quân ra nước ngoài mở ra cơ hội đón đầu làn sóng chuyển đổi sang xe điện của các dịch vụ gọi xe.
Xanh SM sớm tiến quân ra nước ngoài mở ra cơ hội đón đầu làn sóng chuyển đổi sang xe điện của các dịch vụ gọi xe.

Trong thị trường đang ăn nên làm ra ấy, theo ông Nhân, xu hướng điện hóa đang nở rộ trong ngành xe dịch vụ. 31% số xe của dịch vụ gọi xe Grab ở Singapore hiện đã là xe điện hoặc xe kết hợp xăng và điện. Grab cũng đang rục rịch kế hoạch mở rộng hệ thống xe điện tới các nước trong khu vực, bao gồm Việt Nam. Tương tự, Uber hay Gojek cũng đang đã công bố việc chuyển đổi sang sử dụng xe xanh vào năm 2030.

“Doanh thu của các hãng như Grab, Gojek vẫn tăng trưởng mạnh. Điều đó cho thấy dịch vụ gọi xe chưa hề tới điểm bão hòa và vẫn còn nhiều dư địa cho những hãng gọi xe có tầm nhìn, sự đầu tư nghiêm túc như Xanh SM”, ông Nguyễn Thành Nhân nói.

Với tiềm năng rất lớn của thị trường, việc taxi Xanh SM sớm tiến quân ra nước ngoài được đánh giá là sẽ giúp hãng taxi Việt đón đầu được làn sóng. Đặc biệt, thị trường Lào vốn có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam, cùng với sự cởi mở về chính sách với xe điện sẽ giúp Xanh SM sớm có chỗ đứng vững tại đây, từ đó có những bước đi tiếp theo.

Cơ hội đột phá cho Taxi Xanh SM và VinFast

Trong khi thị trường quốc tế là mảnh đất màu mỡ mà GSM chắc chắn sẽ khai thác rất mạnh mẽ thời gian tới đây thì theo các chuyên gia, ngay tại sân nhà, với tốc độ tăng trưởng vũ bão của lĩnh vực gọi xe công nghệ, Xanh SM cũng đang nắm giữ tiềm năng lớn để trở thành “gà đẻ trứng vàng” cho GSM.

Tại Việt Nam, số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, đây là một trong những lĩnh vực hiếm hoi giữ được mức tăng trưởng bình quân khủng, lên tới 30-35%/năm trong suốt giai đoạn từ năm 2015 tới nay.

Quy mô thị trường gọi xe công nghệ tại Việt Nam theo tính toán của Google Temasek Bain & Company ước đạt 3 tỉ USD vào năm 2022 và thậm chí có thể lên tới 5 tỉ USD vào năm 2025. Với dân số trẻ, cởi mở với công nghệ, Việt Nam đang là “thiên đường” của các hãng gọi xe công nghệ. Nghiên cứu của Black Box Research chỉ ra, Việt Nam ghi nhận tỉ lệ người dùng ứng dụng gọi xe lên tới 69%, cao nhất so với các nước trong khu vực. Tỉ lệ này tại Singapore là 64%, trong khi Malaysia là 41% và Thái Lan khoảng 38%.

Dàn xe VinFast VF 5 Plus được Xanh SM sử dụng tại Lào.
Dàn xe VinFast VF 5 Plus được Xanh SM sử dụng tại Lào.

Bởi thế, nếu tiếp tục giữ được tốc độ phủ sóng khủng, với liên tiếp các cột mốc như 6 triệu lượt khách chỉ sau hơn 5 tháng ra đời, phủ sóng thần tốc tại 20 tỉnh thành…, Xanh SM sẽ vẽ lại miếng bánh thị phần vốn đang bị các doanh nghiệp công nghệ lớn nắm giữ trước đó.

Thực tế, trong cuộc đua của Xanh SM, cả ở Việt Nam và quốc tế, như chuyên gia giao thông Vũ Anh Tuấn từng phân tích, Taxi Xanh SM nắm lợi thế lớn với xuất phát điểm là một hãng taxi sử dụng 100% hệ thống xe điện của VinFast và 100% là xe mới, trong đó có những dòng xe ở phân khúc cao cấp hơn hẳn các phương tiện thường chạy dịch vụ.

“GSM có thể kiểm soát tốt dịch vụ nhờ việc chủ động được nguồn phương tiện chất lượng cao từ nhà cung cấp VinFast. Điều này các hãng gọi xe khác không thể làm được do họ phụ thuộc hoàn toàn vào phương tiện của các đối tác tài xế”, ông Vũ Anh Tuấn nhận định.

Bên cạnh chất lượng phương tiện, theo các chuyên gia, điều mà nhiều hãng gọi xe công nghệ “kém xa” GSM còn là sự đồng bộ về chất lượng dịch vụ và nhân sự. Thông qua hệ thống nhân sự cơ hữu cũng như cung cấp hoàn toàn về phương tiện, GSM đảm bảo kiểm soát đồng đều chất lượng dịch vụ. Đây là lợi thế khác biệt của hàng xe này so với các ứng dụng gọi xe khác khi sự ràng buộc duy nhất giữa đội ngũ tài xế và hãng gọi xe chỉ là dùng chung ứng dụng và chia sẻ lợi nhuận. Hành vi của tài xế, chất lượng của các chuyến đi của các nền tảng gọi xe thông dụng dù được quản lý bằng cách… chấm điểm cũng vô cùng lỏng lẻo.

Thực tế, rất nhiều kêu ca từ người dùng đã được nêu lên trong những năm qua, đặc biệt là những phản ánh về những chuyến xe đi ẩu, lạng lách, xe thiếu phương tiện an toàn, mất vệ sinh… thậm chí đã có hành vi cư xử thiếu văn hóa, hay “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với hành khách.

Đó là lý do khi Xanh SM và dàn xe điện của VinFast xuất hiện, rất nhiều người dùng ngay lập tức là lựa chọn chuyển đổi phương tiện di chuyển. Những chiếc xe an toàn, chất lượng, cùng đội ngũ tài xế được đào tạo bài bản, chất lượng dịch vụ 5 sao do GSM đảm bảo quản lý nghiêm ngặt và đồng nhất đã thuyết phục được hàng vạn khách hàng.

Ở góc độ thị trường, với quan hệ đối tác toàn diện và đồng hành giữa GSM và VinFast, giới chuyên gia cho rằng, nếu tận dụng tốt cơ hội, GSM có thể là điểm sáng trên bản đồ gọi xe của khu vực và thế giới, cùng với đó là nguồn thu khổng lồ.

Ngược lại, thương hiệu xe điện VinFast cũng có cơ hội để vượt lên phía trước khi người dùng ở các thị trường sẽ có cơ hội được trải nghiệm xe điện, từ dịch vụ taxi của GSM. Từ những trải nghiệm ban đầu, xe điện VinFast với những lợi thế riêng sẽ dần chiếm được niềm tin của khách hàng sử dụng dịch vụ gọi xe Xanh SM và giúp thay đổi thói quen của người tiêu dùng theo hướng bền vững hơn. Xét ở góc độ kinh doanh, dịch vụ taxi điện của GSM có thể coi là cách làm marketing sáng tạo, đem lại lợi ích cho không chỉ doanh nghiệp mà cả người dùng cuối.

“Đó không chỉ là câu chuyện hướng đến doanh thu khổng lồ cho GSM, mà còn là cách làm marketing độc đáo, cách ông Phạm Nhật Vượng và VinFast thể hiện sự quyết liệt, giúp xe điện đến gần hơn với người dùng, không chỉ tại Việt Nam mà cả thế giới”, ông Nguyễn Thành Nhân đánh giá.

Tin Cùng Chuyên Mục