Ngày pháp luật

Chương trình thiện nguyện “Sống yêu thương”: Lan tỏa lòng nhân ái và sẻ chia đến cộng đồng

Ngọc Anh

Ngày 10/4/2024, Ban Doanh nhân & Pháp luật (DN&PL) - Báo Pháp luật Việt Nam, với sự đồng hành của các doanh nghiệp, doanh nhân, nhà hảo tâm sẽ tổ chức chương trình thiện nguyện “Sống yêu thương” - tới thăm và tặng quà Trung tâm Chăm sóc người khuyết tật Hà Nội (Thuỵ An, Ba Vì, Hà Nội) và 23 hộ gia đình đặc biệt khó khăn tại xã Vân Hoà, Ba Vì, Hà Nội. Sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 16 năm ra mắt ấn phẩm DN&PL (4/4/2008 - 4/4/2024).

Chương trình thiện nguyện “Sống yêu thương” do Ban DN&PL (Báo Pháp luật Việt Nam) khởi xướng, với sự đồng hành của rất nhiều doanh nghiệp, doanh nhân, nhà hảo tâm sẽ diễn ra vào ngày 10/4/2024. Chương trình sẽ trao các phần quà bao gồm tiền mặt và các sản phẩm với tổng giá trị gần 250 triệu đồng tới Trung tâm Chăm sóc người khuyết tật Hà Nội và 23 hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại xã Vân Hoà, Ba Vì, Hà Nội.

Chương trình thiện nguyện “Sống yêu thương”: Lan tỏa lòng nhân ái và sẻ chia đến cộng đồng - Ảnh 1

Trung tâm Chăm sóc người khuyết tật Hà Nội là đơn vị sự nghiệp công lập với chức năng là tiếp nhận, quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng người khuyết tật trên địa bàn thành phố Hà Nội bao gồm: Người khuyết tật không nơi nương tựa, không tự lo được cuộc sống; Người khuyết tật cần sự bảo vệ khẩn cấp; Trẻ em khuyết tật không có nguồn nuôi dưỡng.

​Hiện Trung tâm đang quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng 315 người khuyết tật. Trong đó có 150 người khuyết tật và 165 trẻ em khuyết tật. Đa phần người khuyết tật và trẻ khuyết tật khi tiếp nhận vào Trung tâm đều có hoàn cảnh đặc biệt, không có gia đình, người thân. Các trường hợp được nuôi dưỡng tại Trung tâm bao gồm người bại não, bại liệt và mắc hội chứng Down, khuyết tật đặc biệt nặng không tự phục vụ được bản thân… Đơn vị thường xuyên phải đưa các cụ già và cháu nhỏ khuyết tật của trung tâm đi khám bệnh định kỳ, chạy thận, điều trị tại bệnh viện nên đòi hỏi công tác chăm sóc, nuôi dưỡng đặc biệt, cán bộ phải trực 24/24h.

Ông Phùng Công Lợi - Giám đốc Trung tâm chăm sóc người khuyết tật Hà Nội chụp ảnh cùng các cháu ở trung tâm.
Ông Phùng Công Lợi - Giám đốc Trung tâm chăm sóc người khuyết tật Hà Nội chụp ảnh cùng các cháu ở trung tâm.

Ông Phùng Công Lợi - Giám đốc Trung tâm Chăm sóc người khuyết tật Hà Nội chia sẻ: “Số lượng người tiếp nhận vào trung tâm ngày càng tăng lên, nhiều người mắc bệnh hiểm nghèo, bệnh mãn tính, trẻ em bị bại não, bại liệt, Down, đa dị tật. Do đó, nhu cầu về dinh dưỡng, dịch vụ khám chữa bệnh, văn hóa văn nghệ, thể thao, nhu cầu vật dụng sinh hoạt hàng ngày của người khuyết tật là rất bức thiết. Mặt khác, giá cả thị trường ngày càng tăng lên, khối lượng công việc nặng trong khi viên chức, người lao động lại biến động giảm. Do vậy, mặc dù trung tâm có nguồn kinh phí thường xuyên từ Nhà nước nhưng cũng mới chỉ đủ đáp ứng các nhu cầu cơ bản nhất của người khuyết tật tại đây”.

Chương trình thiện nguyện “Sống yêu thương”: Lan tỏa lòng nhân ái và sẻ chia đến cộng đồng - Ảnh 2

​“Chương trình thiện nguyện lần này của Ban DN&PL (Báo Pháp Luật Việt Nam) đồng hành cùng các nhà hảo tâm, nhà tài trợ đã mang đến cho người khuyết tật và trẻ em khuyết tật của Trung tâm những tình cảm và phần quà tặng giá trị, thiết thực, góp phần làm vơi đi những thiệt thòi, giúp họ có được cuộc sống tốt đẹp hơn. Chương trình cũng sẽ tạo sức lan tỏa để nhiều người biết đến. Đây chính là động lực để động viên cán bộ, nhân viên trung tâm tiếp tục cố gắng hơn nữa, dành tâm huyết để chăm sóc, nuôi dưỡng các cụ già và các cháu trong ngôi nhà chung của mình” - ông Phùng Công Lợi cảm động nói.

Bên cạnh Trung tâm Chăm sóc người khuyết tật Hà Nội, cũng trong khuôn khổ chương trình, Ban DN&PL và các nhà hảo tâm sẽ ghé thăm và trao quà cho 23 hộ gia đình đặc biệt khó khăn tại xã Vân Hoà, huyện Ba Vì, TP.Hà Nội.

Chương trình thiện nguyện “Sống yêu thương”: Lan tỏa lòng nhân ái và sẻ chia đến cộng đồng - Ảnh 3

Vân Hòa là một xã miền núi của huyện Ba Vì cách trung tâm huyện khoảng 20 km. Toàn xã có 12.926 nhân khẩu, với 3.110 hộ, có 2 dân tộc Kinh và Mường cùng chung sống trong đó dân tộc Mường chiếm khoảng 48%. Đời sống nhân dân chủ yếu dựa vào trồng trọt và chăn nuôi nên cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn. Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, của các cấp, các ngành, trong những năm qua đã tạo mọi điều kiện giúp nhiều hộ có hoàn cảnh khó khăn vươn lên từng bước thoát nghèo, tuy nhiên, hiện nay toàn xã vẫn còn 23 hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, thuộc diện hộ nghèo.

Chia sẻ suy nghĩ về hoạt động thiện nguyện lần này, ông Nguyễn Phi Long - Phó Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã Vân Hoà khẳng định: “Chương trình “Sống yêu thương” của Ban DN&PL (Báo pháp luật Việt Nam) là một chương trình ý nghĩa dành cho các hộ nghèo của địa phương. Đây quả thực là những tấm lòng vàng rất đáng trân trọng mà Báo Pháp luật Việt Nam và các doanh nghiệp, nhà hảo tâm đã ưu ái cho địa phương nói chung và các hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nói riêng.

Tôi cho rằng, đối với các hộ nghèo trên địa bàn thì tất cả những hỗ trợ cho họ về vật chất và tinh thần dù ít hay nhiều đều rất đáng quý trọng. Trong chương trình thiện nguyện lần này của Báo Pháp luật Việt Nam và các nhà hảo tâm với số lượng quà lớn cùng tình cảm trân thành của tất cả các anh, chị sẽ là món quà vô giá đối với địa phương, đặc biệt là các hộ nghèo. Chắc chắn đây sẽ là động lực lớn để các hộ có thêm nghị lực để vươn lên. Thay mặt cho các hộ có hoàn cảnh khó khăn, thay mặt cho nhân dân và cán bộ địa phương xã Vân Hòa, tôi xin được trân trọng cảm ơn tình cảm đặc biệt mà Ban DN&PL (Báo pháp luật Việt Nam) và các doanh nghiệp, hảo tâm đã dành cho chúng tôi”.

Chương trình “Sống yêu thương” sẽ mở đầu cho chuỗi hoạt động thiện nguyện của Ban DN&PL trong năm 2024. Sự kiện là dịp để Ban DN&PL (Báo Pháp luật Việt Nam) phát huy hơn nữa trách nhiệm trong việc thắt chặt quan hệ giữa báo chí với nhân dân cũng như giữa doanh nghiệp và cộng đồng. Từ đó, tiếp tục lan tỏa thông điệp ý nghĩa, nhân ái và sẻ chia tới với độc giả.

TS.Vũ Hoài Nam - Tổng biên tập Báo Pháp luật Việt Nam.
TS.Vũ Hoài Nam - Tổng biên tập Báo Pháp luật Việt Nam.

TS.Vũ Hoài Nam - Tổng biên tập Báo Pháp luật Việt Nam bày tỏ: “Chương trình thiện nguyện “Sống yêu thương” là một hoạt động ý nghĩa nhằm lan tỏa tinh thần đoàn kết, “lá lành đùm lá rách” truyền thống của người dân Việt Nam. Bên cạnh công tác chuyên môn, thông qua hoạt động thiện nguyện như chương trình lần này, các phóng viên, nhà báo của Ban DN&PL nói riêng và Báo Pháp luật Việt Nam nói chung sẽ có cơ hội trực tiếp đóng góp một phần nhỏ, chung sức xoa dịu phần nào nỗi đau của nhiều hoàn cảnh kém may mắn. Đây cũng là dịp để các nhà báo cảm nhận rõ hơn về những khó khăn của đồng bào, ý thức được tầm quan trọng và trách nhiệm lan tỏa thông điệp cao đẹp tới bạn đọc. Để chương trình có thể diễn ra thành công, Báo Pháp luật Việt Nam trân trọng cảm ơn sự đồng hành của các doanh nghiệp và nhà hảo tâm. Sự chia sẻ kịp thời, đúng lúc đã thể hiện tinh thần trách nhiệm với xã hội cũng như tấm lòng đáng quý mà các nhà hảo tâm đã mang đến cho chương trình”.

 

Đồng hành cùng chương trình thiện nguyện “Sống yêu thương” là các doanh nghiệp, doanh nhân, trong đó có: Công ty TNHH Kim Lâm, Công ty CP Bất động sản WonHomes, Tập đoàn Karofi Việt Nam, Công ty CP Sản xuất Thương mại Xuất nhập khẩu Ngân Hà, Quỹ Next - G Foundation, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (Tập đoàn TH), Công ty Cổ phần Giáo dục quốc tế Haru, Công ty TNHH Dược phẩm Hoa Linh, Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ WMA, Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Hoàng Mai, Công ty TNHH Minh Trung, Công ty TNHH Sản xuất Nhựa Việt Nhật, Công ty PCCC Tiến Đạt, Chủ tịch Câu lạc bộ Văn hóa Áo dài Việt Nam - NTK Hoàng Ly, Doanh nhân Khúc Lan Phương - TGĐ Công ty TNHH Phát triển Thương mại ERATON… và các nhà hảo tâm cũng như tập thể phóng viên, nhà báo của Báo Pháp luật Việt Nam.

 

Tin Cùng Chuyên Mục