Ngày pháp luật

Chương Mỹ - Hà Nội: Người dân bức xúc trước việc cưỡng chế của UBND xã Tiên Phương

Sinh Nguyễn

Mơi đây, báo Pháp luật Việt Nam nhận được đơn của bà Nguyễn Thị Tâm (trú tại Tiên Lữ - Tiên Phương – Chương Mỹ - Hà Nội) kêu cứu về việc chính quyền địa phương tổ chức tiến hành phá dỡ trang trại chăn nuôi của gia đình bà, khiến gia đình bà thiệt hại rất lớn về tài sản.

 Tháo dỡ hay phá dỡ ?

Theo nội dung phản ánh của bà Tâm, từ năm 2005, vợ chồng bà Tâm thuê đất của ông Tống Quang Hải  (Đội 3- Đồng Nanh – xã Tiên Phương) để chăn nuôi và đào ao thả cá. Gia đình bà Tâm đã bỏ công sức, tiền bạc ra để san nền đất, xây dựng nhà xưởng để chăn nuôi gà gia công theo hợp tác với Công ty cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam – Chi nhánh số 2 tại Hà Nội.

Đến năm 2011, gia đình bà được ký hợp đồng thuê đất trực tiếp với UBND xã nhưng chỉ được thuê với diện tích 4.497 m2 (theo Hợp đồng kinh tế số 08/HĐKT ngày 25/06/2011) với mức khoán sản không thay đổi. Phần diện tích hơn 2.000 m2 mà gia đình bà vẫn thuê của ông Hải và nộp khoán sản cho địa phương thông qua ông Hải.

Lúc đó vì mong muốn ổn định phát thiển kinh tế nông thôn nên cũng không để ý là hợp đồng UBND xã cho thuê với thời hạn có vỏn vẹn 02 năm. Vì vậy mà sau khi ký hợp đồng kinh tế với UBND xã thì vẫn yên tâm thực hiện kinh doanh và tiếp tục đầu tư công sức, huy động tiền của một số bạn bè, anh em để mở rộng, phát triển chăn nuôi.

Sau 02 năm, khu vực trước đây là ao chum, thùng hố mà gia đình bà Tâm thuê của UBND xã đã có cơ ngơi với 02 nhà kho, 01 chuồng lợn cùng với nhiều cây cối có giá trị kinh tế. Đặc biệt tại đây, gia đình bà Tâm đã xây dựng 02 trại gà với mô hình công nghệ chăn nuôi khép kín với tiêu chuẩn kĩ thuật tiên tiến, được đầu tư hàng tỉ đồng. Hiện nay, 02 trang trại của bà có hơn 10.000 con gà đạt tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm quốc tế.

Chương Mỹ - Hà Nội: Người dân bức xúc trước việc cưỡng chế của UBND xã Tiên Phương - Ảnh 1

 Đoàn cưỡng chế thay vì tháo dỡ thì đã phá dỡ toàn bộ tài sản của bà Tâm

Đến năm 2012, UBND huyện Chương Mỹ có chủ trương thực hiện phương án dồn điền đổi thửa gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong sản xuất nông nghiệp. UBND xã Tiên Phương đã xây dựng kế hoạch thực hiện công tác này và tiến hành thanh lý hợp đồng thuê đất của gia đình bà.

Mặc dù gia đình bà Tâm đã tốn rất nhiều công sức, tiền bạc để tôn tạo, đầu tư phát triển kinh tế trên khu vực đất được giao. Thế nhưng khi tiến hành thanh lý hợp đồng thuê đất, UBND xã đã không xem xét đến cả quá trình xây dựng mô hình kinh doanh chăn nuôi gà của gia đình bà từ năm 2005 gây khó khăn cho gia đình bà nên đã nhiều lần bà làm đơn kiến nghị chính quyền sở tại  xem xét tạo điều kiện cho gia đình bà tiếp tục được thuê đất để mưu sinh và trả nợ ngân hàng.

Đến ngày 24/10/2018, UBND xã Tiên Phương ra thông báo số 91/TB-UBND gửi gia đình bà Tâm với nội dung yêu cầu di chuyển vật nuôi, cây trồng; tháo dỡ các công trình xây dựng, thu dọn, di chuyển công cụ, dụng cụ sản xuất, vật liệu ra khỏi khu vực đất để phục vụ công tác cưỡng chế.

Trước thông báo trên của chính quyền, gia đình bà Tâm chưa biết di dời số tài sản của gia đình mình đi đâu. Thì đến 7h30’ ngày 08/11/2018, đoàn cưỡng chế của UBND huyện Chương Mỹ đã đến tổ chức, thi hành cưỡng chế các công trình của gia đình bà Tâm.

Theo kế hoạch tổ chức cưỡng chế số 125/KH-UBND của UBND xã Tiên Phương ngày 22/10/2018, giai đoạn 1 của việc cưỡng chế đối với gia đình bà Tâm được thực hiện vào ngày 8/11/2018 thì tổ cưỡng chế sẽ chỉ tháo dỡ, thu dọn di chuyển toàn bộ các công trình xây dựng và cây trồng ra khỏi vị trí đất vi phạm theo quyết định cưỡng chế.

Tuy nhiên, tại buổi cưỡng chế, tổ cưỡng chế lại huy động máy móc, nhân công tiến hành phá dỡ toàn bộ tài sản bao gồm 01 nhà kho, 01 chuồng lợn, 02 nhà cấp 4 là nơi gia đình bà Tâm dựng để trông nom trại gà. Việc phá dỡ dẫn đến toàn bộ công trình, tài sản bị phá hỏng hoàn toàn, không thể tái sử dụng nếu như gia đình bà Tâm có nơi khác để xây dựng.

Đứng trước tài sản bị hư hỏng hoàn toàn, bà Tâm xót xa nói: “Việc thu hồi, cưỡng chế của chính quyền xã đối với gia đình tôi đã có đơn khiếu nại và đang được cấp trên thụ lý và giải quyết. Mặc dù chưa có kết luận từ cấp trên, nhưng UBND xã vẫn tiến hành cưỡng chế. Khi tổ cưỡng chế tiến hành cưỡng chế gia đình tôi không hề gây cản trở lực lượng chức năng.  

Thế nhưng, tổ cưỡng chế lại không làm đúng theo thông báo cưỡng chế của chính quyền. Theo thông báo tháo dỡ, họ chỉ tháo dỡ các công trình của gia đình tôi và di chuyển đến nơi khác mà thôi. Nhưng không hiểu sao họ lại dùng máy móc để cào đổ hết mọi thứ, cây cối họ cưa tận gốc. Như vậy thì gia đình tôi làm sao có thể sử dụng lại được, toàn bộ tài sản của gia đình tôi bây giờ đứng trước nguy cơ mất trắng. Gia đình tôi không biết kiếm kế sinh nhai bằng cái gì, rồi còn khoản nợ cả tỉ bạc của ngân hàng chúng tôi không biết lấy gì mà trả.”

Tổ chức cưỡng chế “nóng vội”

 Trao đổi với phóng viên, bà Tâm cho biết, trước quyết định cưỡng chế số 251/QĐ-CCXP ngày 30/10/2017 của UBND xã Tiên Phương và Kết luận số 312/KL-UBND ngày 26/7/2018 của Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ về việc trả lời, giải quyết nội dung tố cáo, gia đình bà đã làm đơn khiếu nại, tố cáo đến UBND Thành phố Hà Nội để xem xét giải quyết.

Chương Mỹ - Hà Nội: Người dân bức xúc trước việc cưỡng chế của UBND xã Tiên Phương - Ảnh 2

Bà Nguyễn Thị Tâm trước tài sản bị phá không thể nào tái sử dụng 

Ngày 10/9/2018, UBND Thành phố Hà Nội có thông báo số 864/TB-UBND và  Quyết định số 4784/QĐ-UBND do Phó chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Văn Sửu ký. Theo nội dung của 02 văn bản này, vụ việc gia đình bà Tâm khiếu nại sẽ được chuyển đến Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn kiểm tra, xác minh và báo cáo với Chủ tịch UBND Thành phố.

Mặc dù sự việc vẫn đang trong quá trình xem xét chưa có kết luận chính thức, thì lẽ ra UBND xã Tiên Phương cũng như gia đình bà Tâm cần phải chờ kết luận của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhưng UBND xã Tiên Phương vẫn tiến hành cưỡng chế. Điều này khiến gia đình bà Tâm và các cá nhân những người tham gia góp vốn để chăn nuôi bức xúc, chịu nhiều thiệt hại và đứng trước nguy cơ phá sản.

Trước việc cưỡng chế trên, bà Tâm đặt câu hỏi: “phải chăng việc tiến hành cưỡng chế của UBND xã Tiên Phương là còn nóng vội và chưa đúng quy định của pháp luật?”

Được biết, khu vực đất được giao cho gia đình bà Tâm quản lý và sử dụng sẽ được thu hồi và giao cho 7 hộ gia đình khác để tiếp tục sử dụng với mục đích nông nghiệp. Thế nhưng, việc giao đất cho 7 hộ gia đình này của UBND xã đang vấp phải sự phản đối của người dân địa phương. Bà Tâm cũng cho rằng việc giao đất này không minh bạch, khi việc thực hiện chính sách dồn điền đổi thửa của UBND xã Tiên Phương đã không tiến hành gắp phiếu theo hướng dẫn số 29 ngày 14/5/2012 của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Hà Nội mà tự phân chia cho 07 hộ dân tại thôn Quyết Tiến.

Qua khảo sát thực tế tại địa phương, được biết tình trạng cho thuê đất, giao đất tương tự tình trạng gia đình bà Tâm còn tồn đọng không phải ít. Nếu chính quyền sở tại không có phương án rà soát, hướng dẫn người dân thực hiện sử dụng đất kinh doanh theo đúng quy định của pháp luật thì vô hình trung đã đẩy người dân vào thế bị vi phạm khiến họ kinh doanh không ổn định, ảnh hưởng quyền và lợi ích hợp pháp của họ.