CTCP Chứng khoán VPS (OTC: VPSS) công bố tài liệu trình ĐHĐCĐ năm 2023 về mục tiêu kinh doanh, phương án tăng vốn điều lệ và dự kiến chia cổ tức bằng tiền cho cổ đông nắm giữ cổ phần ưu đãi trong đợt phát hành năm 2017 và 2018.
Trong tài liệu, VPS đặt kế hoạch lãi trước thuế 2023 đi lùi 21% so với thực hiện năm 2022, đạt 800 tỷ đồng. Công ty sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động kinh doanh cốt lõi, đảm bảo tăng trưởng bền vững, mở rộng mạng lưới khách hàng và liên tục nghiên cứu các sản phẩm dịch vụ mới. Nghiên cứu các giải pháp về công nghệ; tự động hóa và tối ưu trong hầu hết mảng nghiệp vụ hỗ trợ vận hành nói chung, nâng cấp năng lực quản trị rủi ro…
Chia cổ tức bằng tiền cho cổ phần ưu đãi phát hành năm 2017 và 2018
VPS sẽ phân phối gần 152 tỷ đồng từ 796 tỷ đồng lãi sau thuế (sau khi trích quỹ) để chia cổ tức bằng tiền cho cổ đông nắm giữ cổ phần ưu đãi, được phát hành năm 2017 (50 triệu cổ phiếu) và năm 2018 (203 triệu cổ phiếu). Tỷ lệ cổ tức 6% cho mỗi đợt.
Tăng vốn điều lệ thêm gần 189 tỷ đồng
Về phương án tăng vốn điều lệ, VPS muốn phát hành 18,8 triệu cp cho cổ đông hiện hữu, với tỷ lệ 16.82:1 (cổ đông sở hữu 16.82 cp phổ thông sẽ được hưởng thêm 1 cp phát hành thêm). Dự kiến vốn điều lệ Công ty sẽ tăng lên mức 5.888 tỷ đồng.
Nguồn vốn có được từ đợt phát hành dùng để bổ sung vốn điều lệ và tăng cường năng lực tài chính của Công ty.
Thời gian thực hiện theo quyết định của HĐQT.
Về kết quả kinh doanh quý 4/2022, lợi nhuận sau thuế giảm 62% so với cùng kỳ năm trước cùng hàng loạt các chỉ tiêu doanh thu ghi nhận không mấy khả quan.
Cụ thể, doanh thu hoạt động của VPS trong kỳ đạt 1.412 tỷ đồng, giảm 51% so với cùng kỳ với gần như toàn bộ các mảng kinh doanh đều ghi nhận sự sụt giảm so với cùng kỳ năm 2021.
Doanh thu hoạt động từ nghiệp vụ môi giới vẫn là mảng đóng góp nhiều nhất với 550 tỷ đồng, giảm mạnh 50% so với cùng kỳ.
Thực tế, dù vẫn giữ “ngôi vương” nhưng so với quý liền trước, thị phần của VPS đã giảm ở cả ba sàn. Trên sàn HoSE , thị phần của công ty giảm mạnh từ 18,71% xuống còn 14,81%. Còn ở sàn HNX, thị phần giảm 0,81%.
Mảng đóng góp lớn thứ 2 trong doanh thu hoạt động là lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) cũng giảm 57%, đạt 514 tỷ đồng. Mảng tư vấn tài chính doanh thu kỳ này chỉ đạt 7 tỷ đồng, giảm 93%. Doanh thu lưu ký là mảng hiếm hoi có tăng trưởng với mức tăng 15% lên 16,3 tỷ đồng. Chi phí hoạt động của VPS cũng giảm hơn 52% so với cùng kỳ, xấp xỉ 1.121 tỷ đồng.
Kết quả, VPS báo lãi sau thuế quý 4/2022 đạt 74 tỷ đồng, giảm 62% so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế cả năm 2022, doanh thu hoạt động Công ty ở mức 8.44 ngàn tỷ đồng, giảm so với mức 9.5 ngàn tỷ đồng năm 2021. Chi phí hoạt động chiếm 82% doanh thu hoạt động và giảm 14% so với năm trước. Do đó, lợi nhuận gộp hoạt động kinh doanh Công ty không có sự thay đổi đáng kể so với năm 2021, đạt gần 1.700 tỷ đồng.
Chi phí tài chính là bộ phận chiếm giá trị lớn nhất ở mức 591,6 tỷ đồng, giảm 16% so với năm trước. Năm 2022, chi phí lãi vay của Công ty giảm xuống còn 560 tỷ đồng so với 698 tỷ đồng năm 2021, tương đương giảm gần 20%.
Cả năm 2022, VPS báo lãi trước thuế gần hơn 1 ngàn tỷ đồng, tăng nhẹ 1% so với năm trước. Sau khi trừ thuế, lãi ròng VPS đạt 803,9 tỷ đồng, tăng 1% so với năm 2021.
Tại thời điểm 31/12/2022, tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) giảm 25% so với đầu năm xuống còn gần 19.8 ngàn tỷ. Các khoản cho vay đạt 6.100 tỷ đồng, giảm 42% so với thời điểm đầu năm.
Tổng tài sản Công ty tại thời điểm cuối năm 2022 đạt hơn 20.200 tỷ, trong khi nợ phải trả đạt hơn 11.700 tỷ. Hai khoản mục này giảm lần lượt 25% và 38% so với năm 2021.