Thị trường thế giới
Cơn hoảng loạn của giá dầu đầu tuần qua đã làm thị trường chứng khoán chao đảo một vài phiên. Tuy nhiên, thị trường đã ngay lập tức lấy lại đà trong những phiên cuối tuần nhưng cũng chưa bù đắp được mức giảm mạnh ở phiên bị ảnh hưởng từ giá dầu.
Do vậy, phần lớn các thị trường đều giảm điểm trong tuần vừa qua, mức giảm nhiều nhất thuộc về các thị trường Đông Nam Á như Philippines, Singapore, Indonesia,…
Thị trường chứng khoán Mỹ trong tuần qua, Dow Jones cũng đã sụt 1,9%, S&P 500 giảm hơn 1%, Nasdaq Composite mất 0,2% từ đầu tuần đến nay. Đó là tuần sụt giảm đầu tiên trong 3 tuần trên Phố Wall.
Vẫn có rất nhiều nhà đầu tư hiện tại đang đồng ý quan điểm nền kinh tế báo hiệu sự suy giảm lớn hơn nhiều so với định giá các cổ phiếu trên sàn chứng khoán. Tuy nhiên, kể từ cuối tháng 3 và đầu tháng 4 cho tới nay, nhiều thị trường đã có mức phục hồi đáng ngạc nhiên, điều mà trước đó hầu như không ai dự đoán được sự hồi phục hình chữ V trong thị trường chứng khoán.
Chỉ số chứng khoán toàn cầu phục hồi gần 25% kể từ đáy, cả 2 chỉ số chính của thị trường chứng khoán Mỹ là Dow Jones và S&P500 đã tăng 30%, thị trường chứng khoán Châu Âu cũng có mức phục hồi gần 23%, chứng khoán khu vực Châu Á - Thái Bình Dương cũng có mức phục hồi gần 19%. Điều đáng ngạc nhiên là thị trường Trung Quốc chỉ phục hồi từ mức đáy hơn 6%, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng có mức phục hồi khá ấn tượng khi có tới 3 tuần tăng liên tiếp với mức gần 20%.
Thị trường trong nước
Thị trường trong nước có sự điều chỉnh sau 3 tuần liên tiếp tăng điểm, tuy nhiên đã có sự hồi phục ở 3 phiên cuối tuần. Hỗ trợ đà tăng là các mã cổ phiếu vốn hóa lớn trong bối cảnh dòng tiền tham gia bùng nổ. Tín hiệu tích cực lúc này là chính phủ Việt Nam đã kiểm soát dịch tốt và bắt đầu gỡ bỏ cách ly xã hội.
Chuỗi tăng 19/22 phiên liên tiếp vừa qua cũng chính là thành quả tốt trong đại dịch, sau chuỗi giảm mạnh khiến chỉ số VN-Index mất 27,3% kể từ đầu năm và rơi vào thị trường giá xuống (bear market), thị trường đã thu hẹp đà giảm cùng biên độ dao động khi vượt ngưỡng 700 điểm. Mức giảm 1,64% trong tuần vừa qua cũng là tuần hạ nhiệt sau 3 tuần tăng liên tiếp, tuy vậy nhóm Smallcap vẫn duy trì được sắc xanh.
Một số các nhóm cổ phiếu chính hưởng lợi từ giá dầu giảm đều tăng điểm trong tuần vừa qua, trong đó phải kể đến các nhóm ngành như dịch vụ, hóa chất, sản xuất và phân phối điện, xây dựng và VLXD, thực phẩm đều tăng trên 3,5%.
Hầu hết các nhóm cổ phiếu chủ chốt đã thoát đáy từ 10,2% đến 39,4%, các nhóm cổ phiếu đảo chiều tăng tốt từ mức đáy là: bảo hiểm (34,7%), bán lẻ (39,4%), XD và VLXD (30,4%), hóa chất (30,4%), hay dịch vụ (35,5%),…
Trong tuần qua, sàn HSX có 159 cổ phiếu tăng, 207 cổ phiếu giảm và 17 cổ phiếu không đổi, 5 cổ phiếu hỗ trợ VNIndex gồm GAB tăng 8,83% (góp 2,67 điểm), VNM tăng 3,52% (góp 1,74 điểm), HPG tăng 6,76% (góp 1,1 điểm), HVN tăng 5,8% (góp 0.61 điểm), POW tăng 5,64% (góp 0,34 điểm).
Các cổ phiếu khiến VN-Index giảm điểm mạnh nhất gồm VHM giảm 5,11% (giảm 3,35 điểm), VIC giảm 3.23% (giảm 2,99 điểm), VCB giảm 3,5% (giảm 2,65 điểm), VRE giảm 9,43% (giảm 1,66 điểm) và BID giảm 3,74% (giảm 1.61 điểm).
Ngoài ra, một xu hướng không mấy khả quan bao phủ lên nhóm cổ phiếu ngân hàng ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận lẫn suy giảm lợi nhuận trong quý I/2020 là việc biên lợi nhuận gộp mảng tín dụng suy giảm đáng kể do chi phí huy động (thể hiện qua chi phí lãi) tăng cao hơn doanh thu tín dụng (thể hiện qua thu nhập lãi). Điều này nhiều khả năng là do ảnh hưởng từ các động thái hạ lãi suất liên tiếp dưới sự chỉ đạo từ Ngân hàng Nhà nước.
Về xu hướng dòng tiền
Dòng tiền mới đổ vào thị trường, thanh khoản tuần vừa qua tiếp tục bùng nổ so với tuần trước đó, giá trị khớp lệnh bình quân đạt trên 3.804 tỷ đồng, cao hơn với mức bình quân kể từ đầu năm cho tới nay. Trong khi đó, tổng giá trị giao dịch đạt trên 4.436 tỷ đồng, tăng hơn 0,6% so với tuần trước đó. Tăng mạnh nhất là thanh khoản nhóm Midcap với mức tăng 20,2% tiếp đến là nhóm Smallcap với mức tăng 11,6%, ngoài ra các nhóm index còn lại đã giảm nhiệt.
Dù khối nội “vùng lên” tạo nên thanh khoản và thúc đẩy đà tăng của thị trường chứng khoán từ đầu tháng 4, nhưng xu hướng giao dịch của nhà đầu tư trong nước vẫn chưa thoát khỏi “cái bóng” của nhà đầu tư ngoại. Tâm lý và động thái mua bán của nhà đầu tư nội vẫn bị ảnh hưởng bởi tâm lý vào - ra thị trường của khối ngoại. Trong trường hợp dịch bệnh trên phạm vi toàn cầu chưa hết phức tạp, có khả năng khối ngoại còn tiếp tục bán ròng.
Về giao dịch của khối ngoại
Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng sang tuần thứ 13 liên tiếp trên sàn HSX bất chấp thị trường tăng mạnh hay quay đầu điều chỉnh. Tổng khối lượng bán ròng toàn thị trường đạt gần 86 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị bán ròng hơn 1.700 tỷ đồng, tăng gần 31% so với tuần trước.
Trên sàn HNX, khối ngoại mua ròng mạnh nhất ART với khối lượng 948.200 cổ phiếu, giá trị tương ứng 2,27 tỷ đồng. Tiếp theo là SPP được mua ròng 310.800 cổ phiếu, giá trị tương ứng 0,15 tỷ đồng. Cổ phiếu PVS dẫn đầu danh mục bán ròng mạnh về giá trị, đạt 40,55 tỷ đồng, tiếp theo là SHB bị bán ròng 27,77 tỷ đồng. Tuy nhiên, xét về khối lượng, cổ phiếu HUT bị bán ròng mạnh nhất với giá trị 12,58 tỷ đồng.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, cuối năm 2019, tổng giá trị danh mục đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam của khối nhà đầu tư nước ngoài đạt khoảng 36,4 tỷ USD, tăng 11,6% so với cuối năm 2018. Theo tính toán sơ bộ, hiện giá trị danh mục của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam khoảng 700.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 30 tỷ USD, tức là giảm khoảng 17,5% so với cuối năm 2019.
Ở thị trường trong nước, dòng vốn đầu tư quốc tế qua kênh ETF đã trở lại mua ròng nhẹ trong tuần vừa qua nhờ quỹ VFMVN30, kể từ đầu năm cho tới nay dòng vốn qua kênh ETF bị rút khoảng 50,4 triệu USD, chủ yếu tập trung ở 2 quỹ VanEck và FTSE Vietnam.
Đối với TTCK Việt Nam, những diễn biến tích cực nhất đã diễn ra trong phần lớn thời gian của tháng 4 và chỉ số VN-Index cũng đã phục hồi hơn 22% kể từ đáy. Chỉ số VN-Index đã có tín hiệu tạo đỉnh ngắn hạn về điểm số và thanh khoản sau khi chạm các vùng kháng cự mạnh của Fibonacci và MA50.
Mặc dù giảm điểm sau 3 tuần tăng liên tiếp nhưng hệ số tăng/giảm ở mặt bằng cố phiếu vẫn khá tích cực, bên cạnh đó thanh khoản tập trung ở các mã tăng vẫn lớn hơn thanh khoản tập trung ở các mã giảm.
Kịch bản khả dĩ cho tuần sau là thị trường đi vào vùng phân hóa ở cổ phiếu, chỉ số chỉ dao động trong biên độ hẹp và tăng/giảm nhẹ. Qua đó tạo một vùng dao động kỹ thuật ngắn hạn trước khi xu hướng mưới được hình thành. Tuy vậy, nhà đầu tư cũng nên chuẩn bị kịch bản khi thị trường để mất ngưỡng 750 điểm, hiện TTCK toàn cầu vẫn trong nhịp dao động mạnh bên cạnh là biến động của thị trường dầu mỏ.
Dòng tiền ngoại trong thời gian vừa qua đã rút ra ở hầu hết các thị trường và đặc biệt rút mạnh tại khu vực Emerging Market. Do vậy, xu hướng rút vốn tại Việt Nam phần nào do ảnh hưởng của làn sóng này. Có một điểm đáng chú ý, đó là khi một lượng tiền lớn bị rút ra, thị trường sẽ cần rất nhiều thời gian để bù lấp lại khoảng trống về thanh khoản và vốn hóa.
Chiến lược đầu tư
Chốt lời dần các danh mục cổ phiếu trading ngắn hạn, duy trì trạng thái thận trọng cũng như nên có sẵn các kịch bản để ứng xử phù hợp bất kể thị trường đi theo chiều hướng nào khi tình hình dịch bệnh trên toàn cầu chưa được kiểm soát triệt để.
Hạn chế mua đuổi trong những phiên tăng giá và sử dụng tỷ lệ margin cao, tuân thủ chặt chẽ quy tắc cắt lỗ để bảo toàn trạng thái tài khoản. Nhà đầu tư trung hạn và dài hạn khuyến nghị tiếp tục nắm giữ danh mục và có thể tận dụng những nhịp điều chỉnh trong phiên để tích lũy thêm cổ phiếu cơ bản tốt và triển vọng tăng trưởng tích cực trong cả năm sau khi dịch bệnh qua đi.
Cơ hội đầu tư
Nhóm cổ phiếu midcap và các cổ phiếu trong nhóm ETF, các cổ phiếu được hưởng lợi từ việc giá dầu giảm, các cổ phiếu thực phẩm thiết yếu và nhóm cổ phiếu được hưởng lợi từ đầu tư công… Ưu tiên các ngành có mức độ tập trung của dòng tiền cao, thanh khoản tốt như: xây dựng và vật liệu xây dựng, thực phẩm, bán lẻ, công nghệ, SX&PP điện, Dược phẩm, săm lốp...
Nguồn: MBS