Các vấn đề khiến kiểm toán đưa ra ý kiến ngoại trừ liên quan đến số dư tiền mặt tồn quỹ lớn bất thường và việc xác định giá trị hợp lý của các khoản đầu tư tài chính sẵn sàng để bán (AFS), đáng chú ý là những vấn đề này đã tồn tại từ các kỳ báo cáo trước.
Cụ thể, trong phần cơ sở của ý kiến kiểm toán ngoại trừ, UHY nêu rõ hai vấn đề chính:
Thứ nhất, về số dư tiền mặt tồn quỹ trung bình trong năm 2024: Kiểm toán viên ghi nhận số dư này vào khoảng 62 tỷ đồng. Đáng chú ý, số tiền mặt này có xu hướng được công ty nộp vào tài khoản ngân hàng hoặc tiền gửi có kỳ hạn vào cuối mỗi quý và sau đó được rút về nhập quỹ tiền mặt vào những ngày đầu quý sau (ví dụ, ngày 02/01/2025 có 7 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng được nhập quỹ). UHY cho biết đã không nhận được các giải trình hợp lý từ CSI về việc duy trì số dư quỹ tiền mặt lớn như vậy và do đó không thể đánh giá được ảnh hưởng của vấn đề này đến BCTC.
Tại ngày 31/12/2024, BCTC kiểm toán của CSI ghi nhận gần 43 tỷ đồng tiền và tương đương tiền, trong đó tiền gửi ngân hàng là gần 27 tỷ đồng và có một khoản tiền gửi có kỳ hạn 16 tỷ đồng tại BIDV.
Thứ hai, về giá trị hợp lý của tài sản tài chính sẵn sàng để bán (AFS): Tại ngày 31/12/2024, CSI ghi nhận khoản mục này với giá trị 32,4 tỷ đồng (bằng với đầu năm), bao gồm 18,2 tỷ đồng đầu tư vào CTCP Đầu tư Quốc tế Galaxy Việt Nam và 14,2 tỷ đồng đầu tư vào CTCP Công nghệ Noah. Đây đều là các công ty chưa niêm yết. UHY cho biết đã không thu thập được các tài liệu thích hợp để xác định giá trị hợp lý của các khoản đầu tư này tại ngày báo cáo, dẫn đến không thể đánh giá được giá trị cũng như ảnh hưởng tiềm ẩn đến BCTC.
Phía CSI ghi nhận trong thuyết minh BCTC rằng giá trị hợp lý của khoản đầu tư vào Galaxy Việt Nam và Noah lần lượt là gần 18,2 tỷ đồng và hơn 14 tỷ đồng (giảm nhẹ so với giá gốc). Công ty giải thích không thể xác định giá trị hợp lý một cách đáng tin cậy do không có giá niêm yết và không thu thập được BCTC kiểm toán/soát xét của các đơn vị nhận đầu tư. Do đó, CSI xác định giá trị hợp lý theo phương pháp vốn chủ sở hữu dựa trên BCTC do các đơn vị này tự lập.
Giải trình quen thuộc, vấn đề cũ chưa được giải quyết
Trong văn bản giải trình ngày 27/03, CSI cho biết việc duy trì quỹ tiền mặt lớn trong năm 2024 là do chờ đợi triển khai một số kế hoạch kinh doanh. Công ty khẳng định đã sử dụng vốn hiệu quả hơn trong 6 tháng cuối năm, phân bổ vào tự doanh (45 tỷ), ủy thác đầu tư (35 tỷ), cấp margin và ứng trước (20 tỷ, trong đó 16 tỷ đang gửi kỳ hạn), và chi phí vận hành (khoảng 13 tỷ).
Về các khoản đầu tư AFS, CSI tái khẳng định việc đầu tư là đúng quy định và do các công ty nhận đầu tư chưa niêm yết, chưa đại chúng nên không có BCTC soát xét để đánh giá giá trị hợp lý.
Tuy nhiên, đây không phải lần đầu CSI đối mặt với ý kiến ngoại trừ này. BCTC soát xét bán niên 2024 cũng bị UHY ngoại trừ vì lý do tương tự, thậm chí số tiền mặt tồn quỹ trung bình khi đó lên tới 121 tỷ đồng. Quan trọng hơn, UHY đã từng có văn bản phúc đáp, nhấn mạnh việc không chấp nhận giải trình của CSI về số dư tiền mặt lớn và không thể xác định giá trị hợp lý của khoản đầu tư AFS.
Trước đó nữa, BCTC kiểm toán năm 2023 do VAE thực hiện cũng đã nêu các vấn đề tương tự, với số tiền mặt trung bình năm 2023 là 127 tỷ đồng và ghi nhận các công ty được CSI góp vốn đang hoạt động cầm chừng.
Lỗ năm thứ hai liên tiếp, phát sinh lỗ lũy kế
Về kết quả kinh doanh, năm 2024 tiếp tục là một năm khó khăn của CSI khi công ty báo lỗ ròng gần 15 tỷ đồng. Đây là năm thứ hai liên tiếp công ty ghi nhận lợi nhuận âm.
Nguyên nhân thua lỗ được CSI lý giải là do thị trường chứng khoán năm 2024 tiềm ẩn nhiều rủi ro, thanh khoản thấp, tốc độ tăng trưởng khách hàng chậm, giá trị giao dịch sụt giảm mạnh. Điều này khiến doanh thu hoạt động chỉ đạt gần 12 tỷ đồng, không đủ bù đắp chi phí hoạt động (hơn 11 tỷ đồng) và chi phí quản lý doanh nghiệp (hơn 13 tỷ đồng).
Với hai năm thua lỗ liên tiếp, tại thời điểm 31/12/2024, Chứng khoán CSI đã chính thức ghi nhận lỗ lũy kế hơn 2 tỷ đồng trên bảng cân đối kế toán.