Sau phiên đáo hạn phái sinh, xu hướng của VN30 gây ra lo lắng cho nhà đầu tư nếu không thể giữ được vùng 1.520 điểm. 2 vệt gợn chính là GAS và HPG cùng điều chỉnh gây áp lực lên xu hướng ngắn hạn của chỉ số.
Với nhà đầu tư ở nhóm Midcap và Penny, điều này có thể chưa kích hoạt bán ra nhưng nếu VN30 bước vào xu hướng giảm thì họ cũng khó yên tâm giải ngân tiếp. Do đó, VN30 phải giữ được xu hướng kể cả đang là chỉ số tăng chậm nhất thị trường.
Các mã lớn khác cần phải lấp vào khoảng trống do GAS và HPG để lại và Ngân hàng đã tham gia giải cứu nhưng chưa tạo được hiệu ứng lan tỏa sang các nhóm ngành khác. Thép, Dầu khí vẫn khá bi quan trong khi Bất động sản ngả hẳn sang sắc đỏ.
Tại nhóm Dầu khí, tổn thất cũng lớn với các mã PVD, PVS, BSR, OIL, PVT, PLX,... trong khi đó sắc đỏ cũng bao trùm lên các cổ phiếu Thép như HSG, NKG, TLH, SMC, POM,... Nhóm Chứng khoán, sau 2 phiên tăng nóng nhanh chóng bị chốt lời ở các mã VND, VCI, FTS, ORS, thậm chí SSI trong phiên chiều cũng đã có thời điểm "phơi" giá sàn...
Thậm chí ngay đầu phiên chiều, nhiều cổ phiếu trong VN30 đã dúi xuống và kích hoạt nhà đầu tư bán tháo nhiều cổ phiếu. Dù đã thu hẹp lại biên độ giảm nhưng nhà đầu tư đã tổn thất không ít khi giá trị giao dịch lại lập kỷ lục.
Hàng loạt cổ phiếu lớn như GVR, BVH, VHM, VNM, PLX,.... cũng bị “đạp sâu” trong đó GVR, BVH, POW đều đã có lúc chạm sàn trong khi VHM cũng có thời điểm về ngay mức giá 80.000 đồng/cổ phiếu.
VN-Index chốt phiên giảm 17,48 điểm (-1,19%) xuống 1.452,35 điểm và đi ngược hẳn với các chỉ số tăng mạnh tại châu Á. HNX-Index cũng mất đến 14,76 điểm (-3,15%) xuống 453,97 điểm trong khi UpCOM-Index chỉ giảm nhẹ 0,28 điểm (-0,25%) xuống 113,24 điểm.
Thanh khoản thị trường lập kỷ lục với tổng giá trị giao dịch đạt 56.337 tỷ đồng trong đó giá trị khớp lệnh đạt 54.399 tỷ đồng, tăng 34,4% so với phiên trước. Riêng giá trị giao dịch trên HoSE cũng lên mức cao kỷ lục với 23.322 tỷ đồng và tăng 19,9% so với phiên trước. Khối ngoại bán ròng hơn 800 tỷ đồng trên HoSE và tập trung vào các mã như HPG, VPB, VNM...