Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) vừa công bố một số kết quả kinh doanh những tháng đầu năm 2019.
Theo đó, tính đến ngày 31/7/2019, tổng dư nợ cho vay của Agribank đạt trên 1 triệu tỷ đồng, trong đó tỷ trọng cho vay nông nghiệp nông thôn chiếm trên 70% tổng dư nợ.
Ngoài ra, dư nợ cho vay tiêu dùng tại Agribank đang tăng mạnh khi đạt gần 220.000 tỷ đồng với trên 1 triệu khách hàng , chiếm tỷ trọng 22% dư nợ cho vay.
Tính đến hết tháng 7/2019, tổng thu nhập của Agibank đạt 70.759 tỷ đồng, tăng 11.627 tỷ đồng, tương đương hơn 20% so với cùng kỳ năm 2018.
Tổng chi phí trước thuế đạt 62.559 tỷ đồng, tăng 8.503 tỷ đồng, tương đương hơn 16% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó chi phí hoạt động tín dụng tăng 19,6%.
Lợi nhuận trước thuế đạt 8.200 tỷ đồng (sau khi tạm phân bổ các khoản phải trích), tăng 127% so với cùng kỳ năm trước.
Kế hoạch năm 2019, Agribank đặt mục tiêu lợi nhuận 10.000 tỷ đồng. Như vậy, 7 tháng đầu năm 2019, Agribank đã hoàn thành 82% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Agribank cũng đặt kế hoạch tổng tài sản tăng 10% so với năm 2018, tức khoảng 1,4 triệu tỷ đồng.
Theo Agribank, vấn đề chính của ngân hàng hiện nay là khó khăn tăng vốn để chuẩn bị cổ phần hoá khi vốn điều lệ hiện nay chỉ gần 30.500 tỷ đồng, thấp nhất trong nhóm "Big 4" ngân hàng thương mại.
Một vấn đề nữa của ngân hàng này là quy mô Tài sản Có rủi ro tăng mạnh (70-80.000 tỷ đồng mỗi năm) khi tỷ trọng cho vay nông nghiệp nông thôn trên 70% tổng dư nợ và cho vay không có tài sản bảo đảm đang gia tăng, khi áp dụng Nghị định 116 của Chính phủ (sửa đổi Nghị định 55) có hiệu lực từ cuối 2018 đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho khách hàng vay vốn không có tài sản đảm bảo.
Kết thúc năm 2018, tổng tài sản của Agribank đạt 1,3 triệu tỷ đồng; nguồn vốn đạt gần 1,2 triệu tỷ đồng; quy mô tín dụng và đầu tư đạt trên 1,2 triệu tỷ đồng.