Gã khổng lồ gọi xe Trung Quốc Didi vừa cho biết sẽ bắt đầu hủy niêm yết tại Mỹ và lên kế hoạch chuyển sang niêm yết tại Hong Kong, theo CNBC. Lãnh đạo của Didi cho biết, họ đã cân nhắc cẩn thận trước khi đi đến quyết định này.
Thông báo của Didi được đưa ra chưa đầy 24 giờ sau khi Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) thống nhất quy định cho phép cơ quan này hủy niêm yết cổ phiếu của công ty nước ngoài không tuân thủ thông lệ về kế toán tại Mỹ.
Một tuần trước, cổ phiếu của Didi cũng giảm mạnh khi có thông tin cho rằng cơ quan chức năng Trung Quốc đã yêu cầu lãnh đạo công ty xây dựng kế hoạch hủy niêm yết tại Mỹ vì lo ngại những dữ liệu nhạy cảm sẽ bị rò rỉ.
Lần đầu niêm yết tại Mỹ cách đây chưa đầy 6 tháng, hiện cổ phiếu Didi giao dịch tại 7,8 USD/cổ phiếu, giảm 44% so với mức giá IPO vào ngày 30/6.
Quyết định này của Didi cũng gây ảnh hưởng tới SoftBank và Uber - hai nhà đầu tư đang sở hữu 30% cổ phần tại Didi, theo FactSet. Cổ phiếu SoftBank tại Nhật Bản đã giảm 2,5% trong ngày 3/12 sau thông tin này.
Didi là ứng dụng gọi xe lớn nhất tại Trung Quốc, nắm giữ nhiều thông tin về các tuyến đường và người dùng. Trước đó, Didi đã khiến các nhà quản lý nước này phẫn nộ khi tiến hành IPO tại Mỹ trong khi chưa giải quyết được các vấn đề an ninh mạng còn tồn đọng.
“Tôi cho rằng Bắc Kinh đã phát đi thông điệp rõ ràng, họ không còn muốn công ty công nghệ Trung Quốc niêm yết tại thị trường chứng khoán Mỹ nữa, bởi việc này đặt họ dưới sự quản lý của giới chức trách Mỹ”, ông Aaron Costello, người đứng đầu phục trách khu vực châu Á tại Cambridge Associates nhận định.
Ông Costello hy vọng tất cả công ty công nghệ Trung Quốc niêm yết tại Mỹ sẽ chuyển sang niêm yết tại sàn Hong Kong.
Trong năm qua, chính phủ Bắc Kinh đã có hàng loạt động thái siết chặt quản lý với các hãng công nghệ khổng lồ.
Cuối năm ngoái, IPO của Ant Group - công ty công nghệ tài chính của tập đoàn Alibaba, đã bị đình chỉ ngay trước thềm lên sàn. Bắc Kinh sau đó cũng đưa ra hàng loạt các quy định mới từ siết chặt luật chống độc quyền trên các nền tảng internet cho tới luật bảo vệ dữ liệu. Ngay cả Alibaba hay công ty giao đồ ăn Meituan cùng nhiều hãng công nghệ khác đều phải lĩnh phạt chống độc quyền.
“Đây thực sự là một phần trong kế hoạch của chính phủ Trung Quốc. Họ không còn thoải mái với việc Mỹ có quyền tài phán với hãng công nghệ Trung Quốc khi đưa ra quy định cũng như vấn đề về an ninh dữ liệu”, chuyên gia của Cambridge Associates nhận định.