Ngày pháp luật

Chủ tịch VCCI: Doanh nghiệp phải tự cứu mình!

Thanh Thanh

Kiến nghị một loạt giải pháp mới hỗ trợ doanh nghiệp (DN) đang khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trước thềm Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với địa phương tổ chức vào ngày 10/4, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), TS Vũ Tiến Lộc không quên lưu ý, trước tiên DN phải tự cứu mình…

Gần 35 nghìn DN rút lui khỏi thị trường 

Theo Chủ tịch VCCI, dịch bệnh đang là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng suy giảm của DN. Trong 3 tháng đầu năm, cả nước đã có tới gần 35 nghìn DN rút lui khỏi thị trường. “Đây là con số kỷ lục từ trước đến nay. Và lần đầu tiên sau hàng thập kỷ, số lượng DN rút lui khỏi thị trường lớn hơn số DN đăng ký thành lập mới...” - TS Lộc nhận xét.

Kết quả khảo sát nhanh mới đây của VCCI cho thấy tác động của đại dịch đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của DN là rất nghiêm trọng. Có tới gần 85% DN trong mẫu khảo sát cho biết dịch bệnh đã làm cho thị trường tiêu thụ của họ bị thu hẹp, gần 60% DN cho rằng dịch bệnh khiến họ thiếu vốn và đứt dòng tiền cho kinh doanh, trên 40% DN cho biết đại dịch gây thiếu nguồn cung nguyên liệu, 43% DN phải thu hẹp quy mô lao động do thiếu việc làm. 82% DN cho rằng doanh thu năm 2020 sẽ bị sụt giảm so với năm 2019. Và có tới 30% DN dự báo có thể tụt giảm tới 30-50% và 22% sẽ tụt giảm trên 50%.

Chủ tịch VCCI: Doanh nghiệp phải tự cứu mình! - Ảnh 1
TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI

Đặc biệt, nếu tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, có tới gần 30% số DN chỉ có thể duy trì hoạt động được không quá 3 tháng, 50% DN chỉ trụ được nửa năm. Trên 75% số DN sẽ phải thu hẹp quy mô lao động và có tới gần 10% số DN phải giảm quy mô lao động tới 50% so với hiện nay. Chỉ có chưa đầy 1% số DN gia tăng lao động. Hệ lụy của xu hướng này sẽ là hàng triệu lao động sẽ có nguy cơ mất việc làm trong những tháng tới đây.

Khảo sát của VCCI cũng cho thấy, 73% số DN đã kịp thời có chính sách hỗ trợ người lao động trong khủng hoảng. Trên 60% DN đã áp dụng phương thức làm việc linh hoạt về thời gian cho một bộ phận lao động, 46% DN không cắt giảm lao động nhưng giảm giờ làm, 42% DN tranh thủ thời gian dịch bệnh để đào tạo lại nhân lực, 41% DN tổ chức làm việc tại nhà. Chỉ khoảng 20% DN cho biết đã buộc phải cắt giảm lao động, chấm dứt hợp đồng lao động và 21% DN cho biết đã phải cắt giảm lương để không phải cắt giảm lao động.

“Đó là những ứng xử linh hoạt đầy trách nhiệm. Chưa ai dự báo được khi nào thì dịch bệnh sẽ qua, nhưng một điều chắc chắn là hệ lụy, ảnh hưởng của dịch bệnh tới nền kinh tế sẽ còn kéo dài và không thể khắc phục được ngay khi dịch bệnh kết thúc và khó khăn với DN còn chất chồng trước mắt…” - Chủ tịch VCCI nhận định.

DN cần làm gì lúc này?

Theo Chủ tịch VCCI, cộng đồng DN vui mừng đón nhận và đánh giá cao sự chỉ đạo kịp thời, hiệu quả của Thủ tướng; sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương hỗ trợ tích cực cộng đồng DN vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, trước những diễn biến ngày càng phức tạp của dịch Covid-19 và khó khăn của DN ngày càng gia tăng, VCCI đã tiến hành khảo sát nhanh tình hình DN và đã tổ chức họp trực tuyến với lãnh đạo của gần 100 hiệp hội DN trong và ngoài nước để nắm bắt tình hình thực hiện các Chỉ thị của Thủ tướng, ảnh hưởng mới của dịch Covid-19 tới hoạt động của DN và những đề xuất, kiến nghị tiếp theo của cộng đồng DN. 

Về phía cộng đồng DN, Chủ tịch VCCI cho rằng, các DN cần theo dõi sát tình hình, phải tự cứu mình, tiếp tục phát huy các sáng kiến, các giải pháp để tiếp tục trụ vững và phát triển. Ông gợi ý, đây là lúc các DN cần thực hiện tái cấu trúc DN, trong đó tập trung xem xét các điều kiện để đổi mới tổ chức sản xuất, đổi mới công nghệ, cơ cấu lại thị trường, tổ chức lao động để tăng hiệu quả, tăng năng lực cạnh tranh; nhanh chóng thực hiện chuyển đổi số và hướng tới các chuẩn mực quốc tế trong quản trị DN; thực hiện tiết kiệm, cắt giảm chi phí, giảm giá thành.

“Đây là biện pháp có hiệu quả và có thể làm ngay để đối mặt với khó khăn về nguồn cung và thị trường tiêu thụ, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa, DN siêu nhỏ, hộ kinh doanh. Cần rà soát lại toàn bộ các chi phí và thực hiện giảm, cắt giảm các chi phí đến mức tối đa có thể…” - Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.

Cùng với đó, đây cũng là lúc DN đào tạo và đào tạo lại nhân viên để đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển DN trong hiện tại và tương lai – công việc mà do hạn chế về thời gian mà trước đây DN còn lơ là chưa thực hiện; xây dựng hệ thống trả lương linh hoạt (có thể thấp hơn mức tối thiểu vùng trong thời gian dịch bệnh); tăng cường liên kết thông qua các chuỗi cung ứng và mạng lưới các hiệp hội DN ngành hàng và địa phương, phát triển thị trường nội bộ và hợp tác với nhau vươn ra thị trường thế giới.

Đặc biệt, DN cần chuẩn bị tích cực các nền tảng cho giai đoạn phát triển bền vững sau đại dịch và nền tảng quan trọng nhất là ý chí và tinh thần khởi nghiệp của doanh nhân.

Trước thềm Hội nghị, VCCI kiến nghị một loạt giải pháp ngắn hạn và dài hạn. Trong số 36 giải pháp ngắn hạn, có 5 giải pháp vừa phối hợp thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh và duy trì sản xuất kinh doanh; 5 giải pháp về chính sách tài khóa; 3 giải pháp về chính sách tín dụng; 5 giải pháp về chính sách lao động, tiền lương, công đoàn: 2 chính sách hỗ trợ một số lĩnh vực bị thiệt nặng nề bởi dịch Covid-19: 3 giải pháp về cải cách thủ tục hành chính; 5 giải pháp về tổ chức thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Chính phủ; 2 giải pháp về sự chung tay của người lao động và người tiêu dùng và 6 giải pháp về phía cộng đồng DN.

Tin Cùng Chuyên Mục