Chủ tịch Hòa Bình Nguyễn Hữu Đường cho biết ông không thích vàng, nhưng lại thích xây dựng các công trình dát vàng để tạo được lợi thế, lối đi riêng trong kinh doanh.
Ông Nguyễn Hữu Đường, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Bình, từng được biết đến với biệt danh "Đường bia" vì nổi tiếng trong ngành kinh doanh bia tại miền Bắc những năm 1980-1990. Sau đó, ông lại được biết đến với những dự án dát vàng "từ trong ra ngoài" ở nhiều tỉnh thành.
Các dự án dát vàng của ông Đường bao gồm Wyndham Hanoi Golden Lake, Danang Golden Bay... hay chung cư Hòa Bình Green City tại Hà Nội.
Trong buổi trả lời phỏng vấn Zing, ông Nguyễn Hữu Đường mặc một bộ trang phục bộ đội đã sờn màu. Ông nói xuất thân của mình là người lính, dù là doanh nhân giàu có, ông vẫn trân trọng quá khứ.
Chủ tịch Hòa Bình cũng cho biết ông không thích vàng, nhưng thích cách dùng vàng để tạo ra một hướng đi riêng trong kinh doanh. Ngoài ra, ông mong muốn xây dựng những trung tâm thương mại miễn phí thuê mặt bằng để hút khách du lịch đến Việt Nam mua sắm. Ông khẳng định sẽ chỉ giữ lại 10% tài sản của mình sau khi về hưu.
- Rất nhiều người biết đến Chủ tịch Tập đoàn Hòa Bình là "Đường bia". Ông có thích biệt danh đó không, và tại sao người ta lại gọi như vậy?
- Tôi rất thích biệt danh này, nó là một nghề gắn bó với tuổi trẻ của tôi. Tôi từ đạp xích lô vận chuyển bia, sau đó làm bia. Chính vì sản xuất bia đã tạo ra thành công của công ty chúng tôi ngày hôm nay.
Tôi thú thật bia là ngành sản xuất siêu lợi nhuận. Từ có bia mà công ty chúng tôi tích lũy được, rồi mở rộng sản xuất sang các lĩnh vực khác, trong đó là bất động sản.
- Tuy vậy, hiện tại nhiều người biết đến ông Đường bởi các dự án bất động sản. Đây có phải là cách kiếm tiền dễ hơn làm bia?
- Tôi giàu lên từ bia chứ không phải từ đất. Nhưng ở Việt Nam, nhiều người giàu lên từ làm bất động sản. Đây là ngành mang lại lợi nhuận cao. Tôi thấy một đất nước đang phát triển thì ngành bất động sản hấp dẫn là bình thường.
Làm ngành này cũng không phải suy nghĩ nhiều, không phải chấp nhận may rủi nhiều. Nếu có khu đất vị trí tốt, thì lại càng dễ thành công. Trong khi đó làm sản xuất hàng hóa lại rất gặp khó khăn, phải tính đến tiêu thụ ở đâu, đối thủ cạnh tranh như thế nào.
- Ông Đường nổi tiếng với những việc chưa ai làm, giống như xây trung tâm thương mại miễn phí cho thuê mặt bằng ở Hà Nội. Ông còn muốn mở rộng mô hình này không?
- Tôi mong muốn xây dựng một trung tâm thương mại nhưng miễn phí mặt bằng cho các doanh nghiệp Việt Nam và thế giới đến buôn bán, mục tiêu là trung tâm thương mại này bán hàng hóa rẻ nhất thế giới để kích cầu du lịch.
Người xưa có câu: “Bần cư trung thị vô nhân vấn, phú tại thâm sơn hữu khách tầm”, tức là nghèo không phải giữa đô thị không ai hỏi nhưng giàu mà ở giữa rừng người ta có lợi ích người ta vẫn vào. Mình phải tạo ra lợi ích khách hàng trên toàn cầu, thì người ta sẽ vào Việt Nam mua sắm.
Nếu Việt Nam làm được việc miễn phí mặt bằng thì theo tôi tính toán, giá hàng hóa sẽ rẻ hơn khoảng 30-50% so với các nước trên thế giới.
Hàng hóa rẻ, kích thích du lịch mua sắm cũng giúp Việt Nam thu hút du lịch. Việt Nam cũng có tài nguyên khí hậu rất ưu đãi, ấm áp hơn nhiều nước Đông Bắc Á, lại có cả mùa đông. Việt Nam cũng có nhiều danh lam thắng cảnh với hơn 3.000 km đường bờ biển nắng ngập tràn quanh năm.
Nếu chúng ta biết tạo nên thị trường có hàng hoá rẻ hơn các nước trong khu vực thì Việt Nam có thể trở thành một trung tâm về thương mại của thế giới, từ đó kích thích sản xuất ở nhiều ngành nghề. Muốn kích thích sản xuất thì phải kích thích tiêu thụ, theo tôi đó là chìa khóa.
- Ông sẽ hoàn vốn như thế nào với dự án khổng lồ này?
- Đề án này có 2 vế là vừa xây dựng trung tâm thương mại, vừa xây nhà. Chúng tôi tự tin về công nghệ xây dựng và làm tốt sản phẩm nhà ở, lấy cái đó để bù lỗ cho trung tâm thương mại.
Còn hoạt động của trung tâm thương mại là miễn phí. Chúng tôi cũng sản xuất những mặt hàng thực phẩm để tạo ra lợi nhuận, trả vào khấu hao của trung tâm thương mại này. Theo tính toán của tôi, nếu làm tốt thì mỗi năm không những hòa vốn mà còn dư ra khoảng 1.000 tỷ đồng để tích lũy và tiếp tục phát triển.
- Ông Đường nổi tiếng với các công trình dát vàng khắp Việt Nam. Nhiều người nói dát vàng thể hiện sự phô trương, trong khi sự sang trọng, lịch sự không nhất thiết phải cần đến vàng. Ông thấy quan điểm đó như thế nào?
- Bản thân thôi không thích vàng, nhưng trong kinh doanh, tôi biết dùng vàng để thỏa mãn suy nghĩ của người khác. Vàng thể hiện sự giàu có và quyền lực. Tôi nghĩ rằng rất nhiều người muốn được tận hưởng sự quyền quý, giàu sang.
Các dự án của tôi dùng vàng, đặc biệt là dát vàng ở nhiều chi tiết để thỏa mãn khách hàng, thỏa mãn khách du lịch. Có nghĩa là tôi tạo ra một lý do để người ta đến với khách sạn của tôi, đó là vàng.
Tôi dùng 1 tấn vàng để mạ cho khách sạn ở Giảng Võ, Hà Nội. Con số này thấp hơn rất nhiều so với 22 tấn vàng mà một khách sạn khách ở Dubai (UAE) đã dùng.
- Triết lý của ông trong kinh doanh có phải là đi theo những hướng độc, lạ như vậy không?
- Làm kinh doanh là phải mở ra những con đường riêng để hướng người khác đi theo mình. Làm kinh doanh mà đi theo người khác thì rất khó thành công. Tôi làm khách sạn, tôi đã nghĩ đến vàng để mở ra một hướng đi riêng của mình.
- Ông đã từng xây dựng một xưởng mạ vàng của riêng mình đúng không? Công nghệ mạ vàng được làm như thế nào để đến máy pha cà phê, bồn cầu, đèn ngủ… đều được mạ vàng?
- Chúng tôi đã nghiên cứu công nghệ mạ vàng khá lâu. Xưởng của tôi có rất nhiều chuyên gia nước ngoài đến từ Bỉ, Pháp, Đức, Áo… làm việc. Mức lương của những chuyên gia này vào khoảng 10.000-15.000 USD mỗi tháng.
Chúng tôi có thể phủ vàng, mạ vàng lên hầu hết mọi thiết bị, dù là thiết bị rẻ tiền. Khi đó sẽ nâng cao giá trị, thẩm mỹ cho chính thiết bị đó.
Do đó, công nghệ đóng vai trò rất quan trọng, nó có thể giúp nâng cao giá trị của rất nhiều loại hàng hóa, trang thiết bị. Việc áp dụng công nghệ để thu được lợi nhuận cao, lợi ích cao là điều mà tôi luôn tìm kiếm.
- Là chủ sở hữu của nhiều công trình dát vàng kỷ lục, vậy nhà riêng của ông như thế nào?
- Nhà tôi chưa bao giờ có vàng trong nhà. Nhà chỉ đơn giản có giường, có đệm, đầy đủ tiện nghi, có bể bơi, có phòng tập thể thao…
Tôi nhắc lại là mình chỉ dùng dát vàng để tạo ra sự đặc biệt trong sản phẩm dịch vụ mà thôi. Khách hàng đến với khách sạn của tôi đều thích chụp ảnh vì khung cạnh lạ mắt. Họ được ăn bát phở mà cái thìa, cái đũa, cái bát được dát vàng, uống cốc cà phê dát vàng... đấy là những trải nghiệm thú vị mà người ta thích.
- Ông đã đi qua chiến tranh, có một thời thời trai trẻ vất vả, ông đã nghĩ đến nghỉ hưu chưa?
- Ba năm nữa tôi sẽ nghĩ đến việc nghỉ hưu. Tôi cũng định nghỉ hưu vài năm rồi, nhưng chưa xây dựng được một trung tâm thương mại giá rẻ theo mơ ước nên chưa nghỉ.
Nguyễn Trãi đã từng viết: “Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau nhưng hào kiệt thời nào cũng có”. Do đó, tôi luôn nghĩ rằng tại sao Việt Nam được thế giới khâm phục trong thời chiến lại không trở thành một đất nước mà cả thế giới cũng phải khâm phụ trong thời cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
- Rất nhiều gia đình doanh nhân ở Việt Nam đã tính đến thế hệ kế tục sự nghiệp. Ông đã tính đến chưa?
- Doanh nghiệp nào cũng thế, muốn có người kế tục sự nghiệp thì phải trải qua một quá trình đào tạo. Các con tôi hiện tại đều có nghề nghiệp rất tốt. Khi nghỉ hưu, tôi sẽ dành 90% tài sản để để đưa vào một quỹ từ thiện. Quỹ này sẽ do những người tài năng điều hành, không nhất thiết phải là các con tôi.
Nếu con mình đảm nhiệm được thì sẽ rất hạnh phúc nhưng nếu không đảm nhiệm được thì không thể cưỡng cầu vì đây là cả một tập thể, cả một cơ đồ có thể phát triển rất lâu dài.
- Trước kia ông từng chia sẻ sẽ đóng góp 50% tài sản của mình, còn bây giờ thì con số lên đến 90%. Sự chênh lệch lớn đến mức nào?
- Con số 50% tài sản là ngày xưa, còn bây giờ gia đình tôi có đầy đủ hết rồi và thực tế 10% nó rất lớn. Ngoài ra nếu như để lại cho các con quá nhiều thì bao nhiêu cũng hết.
Tôi chỉ để lại vừa đủ, các con tôi ai cũng muốn làm việc bằng chính sức lao động của mình để kiếm sống. Đấy là điều mà tôi giáo dục được các con tôi, phải kiếm ăn kiếm sống bằng đôi tay và trí óc của mình.
Những cái tôi để lại là thương hiệu, các doanh nghiệp sản xuất để có thể kiếm tiền dễ dàng hơn. Và đất nước này cũng đang cần 90% tài sản mà tôi đóng góp để phát triển.
- Ông Đường được đánh giá rất cá tính và mạnh mẽ, vợ của ông là người thế nào?
- Vợ của tôi còn cá tính hơn tôi. Tôi có thể không thua nhưng tôi thua vợ tôi. Cô ấy là người rất đặc biệt (cười).
- Điều gì mà ông tiếc nuối nhất, chưa làm được đến lúc này?
- Tôi tiếc nuối là vẫn còn nhiều đồng đội tôi, dù chiến tranh đi qua đã lâu vẫn còn khó khăn. Bản thân tôi thấy mình may mắn, khi có công việc thành công, cũng đã làm được nhiều việc cho đời.