Nữ doanh nhân không thích sự an nhàn
Bà Nguyễn Thị Mai Phương sinh năm 1964 và tốt nghiệp Đại học Giao thông vận tải - chuyên ngành kinh tế giao thông vận tải năm 1986. Sau khi tốt nghiệp, bà được phân công làm việc tại công ty xe khách ở Hà Nội. Tuy nhiên, đối với một người phụ nữ có năng lực và tham vọng, sự an nhàn khiến bà cảm thấy không thoải mái và muốn thách thức bản thân nhiều hơn. Đến năm 1993, thời điểm nền kinh tế Việt Nam mới mở cửa, bà đã tìm hướng tạo lập sự nghiệp riêng.
Bà Nguyễn Thị Mai Phương cùng một số cổ đông khác thành lập Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Tân Á, tiến hành nhập khẩu máy móc, đưa công ty bước vào lĩnh vực sản xuất bồn nước inox. Thời điểm đó, trong lối sống sinh hoạt của người Việt Nam, các vật dụng như bồn xi măng, chum vại vẫn còn nhiều gia đình sử dụng, bởi vậy nhiều người cảm thấy đây là quyết định liều lĩnh của nữ doanh nhân.
Tuy vậy, sự liều lĩnh của bà Phương đã đem lại trái ngọt, khi Tân Á vượt qua những khó khăn, thách thức ban đầu để trở thành công ty hàng đầu trong cung cấp bồn nước inox, hướng người dân tới cuộc sống tốt hơn.
Sau thành công của Tân Á, có khoảng 20 doanh nghiệp khác cũng nhảy vào thị trường này nhưng thị phần của công ty vẫn chiếm tới 60% - 70% tại Việt Nam.
Đến giai đoạn 1995 - 2000, bà Phương thành lập thêm hai công ty: Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Tân Á Đông, bán hàng thị trường phía bắc tính từ Phú Yên trở ra và Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Nam Đại Thành bán hàng thị trường phía nam từ Phú Yên trở vào và các tỉnh Tây Nguyên.
Nữ doanh nhân tiếp tục tìm kiếm thị phần ở ngành kim khí gia dụng khi trong suốt những năm tiếp theo, công ty liên tục nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm bình nước nóng, máy nước nóng năng lượng mặt trời, máy lọc RO... với mục tiêu đưa Tân Á Đại Thành trở thành doanh nghiệp đa ngành, phủ rộng thị trường đồ gia dụng. Trong đó, bình nước nóng thương hiệu Rossi chiếm tới 52% thị phần trong nước với cơ cấu doanh thu bằng 25% tổng doanh thu của thương hiệu Tân Á Đại Thành.
Năm 2007 là năm quan trọng của Tân Á Đại Thành khi thực hiện sáp nhập với Công ty Tân Á Đông, Công ty Nam Đại Thành và Công ty Tân Á thành Tập đoàn Tân Á Đại Thành. Sau sự kiện bình nước nóng và câu chuyện đưa thương hiệu Tân Á Đại Thành về một mối, bà Nguyễn Thị Mai Phương tập trung xây dựng các nhà máy của Tân Á Đại Thành ở các tỉnh thành khác nhau với quy mô lớn. Đồng thời, bà cũng đưa Tân Á Đại Thành vào dòng chảy xuất nhập khẩu, mở rộng thị trường ra các nước châu Á và châu Âu.
Năm 2008, Tân Á Đại Thành hoàn thiện và đưa vào hoạt động nhà máy Tân Á Đại Thành Viêng Chăn (Lào) hồi năm 2008, đánh dấu sự kiện trở thành Công ty đa quốc gia và đưa các sản phẩm ra quốc tế. Đến năm 2014, Tân Á Đại Thành trở thành thành viên của Hiệp hội tráng men quốc tế DEV (Deutsche Email Verband) của Cộng hòa Liên bang Đức, tạo bước đà hội nhập diễn đàn quốc tế.
Tiếp đó, hướng tới sự toàn diện về mặt sản phẩm gia dụng hỗ trợ cuộc sống gia đình, Tân Á Đại Thành đã quyết định thành lập Công ty Cổ phần Nhựa Stroman Việt Nam - một dự án được đầu tư lớn nhất từ trước tới nay của tập đoàn. Tổng mức đầu tư dự án lên tới 70 triệu USD, có đội ngũ nhân sự cao cấp cùng nhiều chuyên gia nước ngoài trực tiếp quản lý, Stroman Việt Nam sẽ mang đến cho người tiêu dùng sản phẩm ống nhựa theo tiêu chuẩn Đức, nâng cao chất lượng cuộc sống và các công trình.
Năm 2017, Tân Á Đại Thành chính thức khai trương nhà máy đạt tiêu chuẩn Smart Factory có quy mô khu vực tại Hà Nam với dây chuyền tự động hoá chính xác đạt tiêu chuẩn 4.0, cùng hệ thống máy móc công nghệ hiện đại được nhập từ Đức với công suất lên tới 2 triệu sản phẩm/năm. Dây chuyền này được kỳ vọng sẽ nâng công suất hoạt động của Tân Á Đại Thành, tạo ra nguồn cung ứng dồi dào và xuất khẩu sang nhiều nước.
Để không ngừng lớn mạnh theo những mục tiêu đã đặt ra, năm 2019, Tập đoàn Tân Á Đại Thành đã thực hiện tái cấu trúc tập đoàn. Chủ tịch Nguyễn Thị Mai Phương đã góp vốn thành lập loạt pháp nhân mới như: Công ty Cổ phần Đầu tư Tập đoàn Tân Á Đại Thành, Công ty Cổ phần Kim khí và Gia dụng Tân Á Đại Thành - đơn vị sở hữu Tân Á Hưng Yên.
Trong đó, Công ty Cổ phần Đầu tư Tập đoàn Tân Á Đại Thành được thành lập vào tháng 2/2019, với vốn điều lệ ban đầu 510 tỷ đồng đã nâng lên 1.657 tỷ đồng vào cuối tháng 1/2020. Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật do ông Nguyễn Duy Chính (SN 1985) đảm nhiệm. Ông Chính là con trai của nữ Chủ tịch Nguyễn Thị Mai Phương.
Đến nay, Tân Á Đại Thành hiện sở hữu hệ thống 19 công ty thành viên; 15 nhà máy công nghệ cao tại Việt Nam và Lào; 300 chi nhánh trực thuộc; hơn 30.000 điểm bán hàng trên toàn quốc cùng hệ sinh thái 9 dòng sản phẩm, cung cấp những giải pháp tổng thể về nguồn nước cho các gia đình. Đặc biệt, sản phẩm bình nước nóng, máy nước nóng, bồn inox là các sản phẩm dẫn đầu về thị phần trong thị trường Việt Nam.
Lấn sân thị trường bất động sản
Cùng với sự kiện sáp nhập, năm 2019 cũng là khoảng thời gian đánh dấu sự tham gia của bà Mai Phương và Tân Á Đại Thành vào lĩnh vực bất động sản. Để đầu tư lâu dài trong thị trường địa ốc, bà Phương đã thành lập Công ty cổ phần Bất động sản Tập đoàn Tân Á Đại Thành (Meyland) với vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng.
Hiện tại, Meyland đang sở hữu quỹ đất lớn tại Hà Nội, TP. HCM, Phú Quốc, Nghệ An, Bình Thuận, Long An… Đặc biệt, cũng trong năm thành lập, Công ty Cổ phần Bất động sản Tập đoàn Tân Á Đại Thành đã ra mắt dự án khu đô thị cao cấp Meyhomes Capital Phú Quốc tọa lạc tại tuyến đường huyết mạch kết nối sân bay quốc tế Phú Quốc qua Bãi Trường tới thị trấn An Thới với quy mô 266ha. Đây có thể coi là động thái chính thức của tập đoàn này về đầu tư bất động sản.
Để xây dựng khu đô thị tầm cỡ quốc tế, Tân Á Đại Thành và Daewoo E&C của Hàn Quốc đã có buổi ký kết hợp tác và thành lập liên doanh Công ty TNHH Tân Á Đại Thành - Daewoo nhằm nghiên cứu và triển khai dự án Meyhomes Phú Quốc. Thương vụ hợp tác này hứa hẹn tạo ra một khu đô thị tầm cỡ quốc tế và đạt được thành tựu như Starlake mà Daewoo đã làm ở Việt Nam.
Cùng với mở rộng phát triển bất động sản, Tân Á Đại Thành cũng tích cực thực hiện sát nhập, mua bán. Năm 2018, Tân Á Đại Thành mua lại 88% cổ phần của CTCP Đầu tư Kinh doanh Bãi Lữ và đầu tư 2.500 tỷ đồng nâng cấp xây dựng Khu biệt thự khách sạn và du lịch sinh thái Bãi Lữ với thương hiệu nổi tiếng thế giới M-Gallery, sẽ trở thành khu nghỉ dưỡng đẳng cấp mới của Việt Nam, một thiên đường hạ giới hiện hữu.
Vào tháng 12/2020, Tân Á Đại Thành đã đầu tư gần 2.000 tỷ đồng để sở hữu 98,16% cổ phần Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng HUD Kiên Giang (HUD Kiên Giang). Đây là cựu công ty thành viên của Tổng công ty Đầu tư Đầu tư phát triển nhà và đô thị. HUD Kiên Giang là doanh nghiệp phát triển bất động sản, xây dựng dân dụng và công nghiệp, vật liệu xây dựng và cơ khí, với các sản phẩm chính như: xi măng, gạch ngói, bê tông và cơ khí...
Với lợi thế này, Tân Á Đại Thành đã xây dựng được một lối đi vững chắc cho con đường phát triển đa ngành trong tương lai. Đồng thời, HUD Kiên Giang sẽ tăng thêm lực để Tân Á Đại Thành đạt được tham vọng ở thị trường địa ốc mới này.
Tiếp tục hành trình lấn sân sang bất động sản, từ tháng 8/2021, Tân Á Đại Thành đã gửi đề xuất đầu tư quy hoạch khu đô thị Meyhomes Tịnh Long đến UBND thành phố Quảng Ngãi. Theo đó, khu đô thị sẽ quy hoạch trên diện tích hơn 76ha; phía đông giáp khu văn hóa tâm linh chùa Thiên Mã; phía tây giáp khu dân cư hiện trạng; phía nam giáp đường Mỹ Trà - Mỹ Khê; phía bắc giáp ruộng lúa và khu dân cư hiện hữu.
Hiện tại, UBND thành phố Quảng Ngãi đã chấp thuận đề xuất đầu tư và xin tài trợ kinh phí lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 của Tân Á Đại Thành.