Ngày pháp luật

Chủ tịch Ngân hàng Quân đội (MB): Lãi suất cho vay sản xuất kinh doanh giảm từ 0,5% - 1,45% so với 2023, bước đầu triển khai cấp tín dụng ưu đãi cho vay nhà ở xã hội

An An

Theo ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch MB, trong quý IV/2024, MB sẽ tiếp tục triển khai các chương trình tín dụng lãi suất ưu đãi với các khách hàng sản xuất kinh doanh có xếp hạng tín dụng tốt, phương án kinh doanh khả thi để hỗ trợ khách hàng, thúc đẩy phát triển kinh tế.

Tại Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các ngân hàng thương mại cổ phần về các giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước diễn ra vào ngày 21/9/2024, ông Lưu Trung Thái - Chủ tịch Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) cho biết, thực hiện chủ trương, định hướng của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, tới hết tháng 8/2024, MB tiếp tục duy trì đà tăng trưởng bền vững.

Cụ thể, dư nợ tín dụng của MB xấp xỉ 685.000 tỷ đồng, tăng trưởng 11,15% so với năm 2023. Dư nợ cho nhóm ngành ưu tiên theo định hướng của Chính phủ chiếm xấp xỉ 65%; giải ngân mới gần 74.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong đó, 13.000 tỷ đồng dành cho các doanh nghiệp kinh doanh thiết bị điện tử, điện lạnh và phương tiện vận tải và công nghiệp chế biến, chế tạo, các lĩnh vực phụ trợ.

4.000 tỷ đồng tiếp theo, MB dành cho lĩnh vực sản xuất và phân phối điện năng lượng, khí đốt và vận tải kho bãi công nghệ cao - theo định hướng ưu tiên chuyển dịch tín dụng xanh, tín dụng bền vững theo Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030. Số tiền 32.700 tỷ đồng tiếp theo dành cho phân khúc bán lẻ, cho vay sản xuất kinh doanh.

Ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch MB.
Ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch MB.

Ngoài ra, MB đã bước đầu thực hiện triển khai cấp tín dụng ưu đãi cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung (tổng hạn mức tín dụng xấp xỉ 1.000 tỷ đồng.

"MB điều hành lãi suất theo chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước; hỗ trợ khách hàng tiếp cận vốn vay, đồng hành tháo gỡ khó khăn và phục hồi sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Lãi suất cho vay sản xuất kinh doanh tại MB giảm từ 0,5% đến 1,45% so với năm 2023 (từ mức bình quân 7,88% năm 2023 nay còn xấp xỉ 6,94%)", ông Thái cho biết.

Theo ông Lưu Trung Thái, trong quý IV/2024, MB sẽ tiếp tục triển khai các chương trình tín dụng lãi suất ưu đãi với các khách hàng sản xuất kinh doanh có xếp hạng tín dụng tốt, phương án kinh doanh khả thi để hỗ trợ khách hàng, thúc đẩy phát triển kinh tế.

Cùng đó, MB chú trọng kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng và tuân thủ các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn, quản trị thanh khoản… Đối với các giới hạn an toàn đến tháng 8/2024, tỷ lệ nợ xấu xấp xỉ 1,77% (tăng 0,37% so với cùng kỳ 2023), tỷ lệ an toàn vốn CAR đạt 11,17%.

Ngoài ra, MB cũng tích cực phối hợp Ngân hàng Nhà nước hoàn thiện và báo cáo Chính phủ phê duyệt phương án chuyển giao bắt buộc, song song MB sẵn sàng các công tác chuẩn bị để triển khai theo lộ trình và định hướng của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước về phương án chuyển giao bắt buộc.

Theo đại diện MB, mặc dù Chính phủ, các bộ ban ngành và Ngân hàng Nhà nước đã triển khai các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng, các tổ chức tín dụng thực hiện giải pháp ưu đãi, hỗ trợ, tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng tổ chức tín dụng vẫn đang chậm hơn so với cùng kỳ các năm.

Nguyên nhân có thể đến từ việc suy giảm nhu cầu vay vốn và khả năng hấp thụ vốn giảm sút. Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu dùng trong nước có xu hướng thắt chặt, đặc biệt là các chi tiêu không thiết yếu.

Bên cạnh đó, ảnh hưởng từ thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp... cũng là nguyên nhân dẫn tới sự sụt giảm cầu tiêu dùng cũng như cầu tín dụng tiêu dùng, phục vụ đời sống.

Với lĩnh vực bất động sản, mặc dù có nhiều chính sách mới hỗ trợ các doanh nghiệp nhưng quá trình giải quyết vướng mắc pháp lý tại các dự án vẫn còn chậm, ảnh hưởng đến khả năng thu xếp nguồn vốn tín dụng của doanh nghiệp.

Ngoài ra, việc tiếp cận tín dụng của nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng hạn chế do quy mô vốn nhỏ, vốn chủ sở hữu và năng lực tài chính quản trị hạn chế; phương án kinh doanh khả thi còn thiếu hay thông tin tình hình tài chính còn thiếu minh bạch…

Để có thể ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định lãi suất cho vay, thực thi chính sách tiền tệ chủ động, đại diện MB kiến nghị cần có thêm các giải pháp ổn định, khơi thông dòng vốn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp để giảm áp lực vốn tín dụng trung, dài hạn vào hệ thống ngân hàng. Cùng với đó, tiếp tục thúc đẩy phát triển tài chính xanh, kinh tế xanh để đảm bảo phát triển kinh tế bền vững, cải thiện hiệu quả hoạt động cho ngành Ngân hàng và các doanh nghiệp, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế.

Ngoài ra, việc thúc đẩy và tạo điều kiện hơn nữa cho ngành Ngân hàng tăng cường kết nối, tiếp cận cơ sở dữ liệu quốc gia để phát triển công nghệ, thanh toán đảm bảo an toàn, bảo mật cho khách hàng.

Cùng với đó, Chính phủ sớm phê duyệt phương án chuyển giao bắt buộc, qua đó, Ngân hàng Nhà nước tạo điều kiện tăng trưởng thêm cho các Ngân hàng có năng lực, tích cực tham gia các chính sách của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước.

Tin Cùng Chuyên Mục